Làm thế nào để lựa chọn cửa cuốn đúng với giá trị thật?
Nhân mùa xây dựng đang sôi động, trong vai khách hàng, người viết bài đã thử làm một vòng qua các đại lý vật liệu hoàn thiện để khảo sát thực tế thị trường cửa cuốn. Điều đầu tiên nhận thấy là thị trường cửa cuốn hiện nay rất đa dạng chủng loại, mẫu mã, đa dạng thương hiệu nhãn hàng và muôn vàn mức giá.
Nếu chỉ là người tiêu dùng thông thường thì sẽ dễ bị lạc vào ma trận mẫu mã, giá cả này. Đơn cử như chỉ với mặt hàng của cuốn đã có tới khoảng 200 nhãn hàng được giới thiệu tại thị trường Việt Nam. Với một thị trường đầy cạnh tranh như vậy, việc xuất hiện các mánh khóe tinh vi, làm giả, làm nhái sản phẩm, lợi dụng lòng tin của khách hàng là không thể tránh khỏi. Vậy đâu là các “chiêu thức” của các nhà sản xuất không trung thực nhằm dẫn dụ khách hàng?
Đánh tráo khái niệm để dễ dàng thu tiền cao hơn giá trị thật?
Theo khảo sát của người viết, nhiều khách hàng mua cửa cuốn trên nhiều địa bàn tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng,... phản ánh khi cùng với mặt hàng là cửa cuốn, cùng độ dày nan như nhau, chất liệu sản xuất như nhau, song lại ghi thông số kỹ thuật khác nhau.
Thông số kỹ thuật là một trong những yếu tố quyết định về giá, sản phẩm ghi thông số không đúng sẽ dẫn đến việc sản phẩm bị đội giá so với giá trị thật. Liệu đây có phải là mánh khóe của các đơn vị sản xuất cửa cuốn kém chất lượng, đánh tráo khái niệm để dễ dàng thu lợi nhiều hơn trên thị trường, lấn át các thương hiệu chân chính?
Len lỏi trên con phố Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, nơi bày bán rất nhiều thương hiệu cửa cuốn khác nhau, lớn có, bé có, với đa dạng mẫu mã, màu sắc, giá cả, người mua sẽ thật khó để chọn ra được một loại cửa cuốn chất lượng, uy tín.
Anh Ngô Hoàng Anh, 34 tuổi, Quan Nhân, Hà Nội chia sẻ: “Tôi đang tìm mua cửa cuốn để lắp cho ngôi nhà đang hoàn thiện. Dù có tham khảo bạn bè và tìm hiểu trên internet nhưng khi ra đến thực tế, tôi rất choáng ngợp khi có rất nhiều thương hiệu cửa cuốn thế này, rất khó để lựa chọn. Tất nhiên giá cả cũng là một tiêu chí lựa chọn, nhưng tôi ưu tiên hơn là chọn theo chất lượng, thẩm mỹ và an toàn, vì nhà tôi có 2 cháu nhỏ. Tôi còn bất ngờ hơn khi nhiều cửa hàng giới thiệu các mẫu cửa cuốn trông thì không khác nhau, nhưng lại ghi thông tin trên thân nan khác, đây không biết là quy cách ghi của từng đơn vị hay có sự gian dối nào không?”
Cùng quan điểm với anh Hoàng Anh, ông Phạm Hùng Tiến, ngụ ở phố Láng Hạ, Hà Nội, "lão làng" trong nghề lắp đặt cửa cuốn, giơ 2 mẫu cửa cuốn ra và nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ là do quy cách in chữ, nhìn 2 mẫu nan y nhau mà cái thì ghi độ dày 0.8-1.0mm, cái thì ghi độ dày 1.0mm rồi đưa giá bán cao hơn khoảng hai, ba trăm nghìn đến cả triệu đồng trên 1 mét vuông cửa, tôi đã hỏi trực tiếp chủ cửa hàng, nhưng họ chỉ nói qua loa là ghi thế là đúng, tôi không thấy thuyết phục, cũng mong các thương hiệu cửa cuốn uy tín đưa ra câu trả lời chính xác để người dân không bị thiệt”.
Ông Tiến chỉ ra điểm đúng/sai ở 2 mẫu nan
Đi tìm sự thật của độ dày nan cửa cuốn
Theo tìm hiểu của người viết, cửa cuốn là sản phẩm sản xuất yêu cầu độ chính xác và kỹ thuật cao trong toàn bộ các công đoạn, từ chuẩn bị nguyên vật liệu, đến hệ thống đùn ép qua khuôn thiết kế, cắt thành từng đoạn hợp lý, sau đó được làm nguội và hóa già thanh nhôm để tạo độ cứng và gia tăng các tính chất cơ lý của sản phẩm.
Thường các nan nhôm phải đạt mức T5 theo tiêu chuẩn cao nhất của thanh nhôm định hình, lúc đó mới đủ điều kiện để tiến hành sản xuất các bước tiếp theo để tạo nên các nan cửa cuốn thẩm mỹ bày bán trên thị trường.
Theo luồng câu chuyện, ông Tiến tiếp tục giải thích: “Tôi làm nghề này hơn 20 năm, tôi biết rất rõ, thường các đơn vị cửa cuốn uy tín không ai dám ghi chính xác độ dày nan cửa là 1.0mm hay 1.1mm… mà sẽ là dải kích thước trong khoảng theo số đo chính xác của vài điểm bất kỳ trên nan cửa cuốn. Hiểu nôm na là vì được đùn ép từ cùng một khuôn nhưng thời gian ra lò, làm nguội, hóa già khác nhau, nên không thể có sự chính xác 100% ở tất cả các đoạn của nan cửa.”
“Như vậy, đơn vị nào ghi khoảng độ dày như 0.8-1.0mm hay 1.1-1.2mm… là hoàn toàn chính xác và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, còn thấy nan nào chỉ ghi sơ sài 1.0mm hay 1.2mm là họ đang gian lận, lợi dụng sự không vững về kỹ thuật của khách hàng, ghi khống lên để đội giá sản phẩm, mà ít ai nắm rõ được điểm này”, ông Tiến khẳng định.
Để kiểm chứng lời nhân vật, người viết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Khôi, chuyên gia kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển sản phẩm cửa cuốn của một thương hiệu uy tín. Ông Khôi nhận định: “Theo đặc tính của hợp kim nhôm T5, sau quá trình đùn ép, làm nguội và hóa già ở nhiệt độ tiêu chuẩn, độ dày của nan cửa cuốn sẽ có sự chênh lệch nhỏ trên những điểm khác nhau ở cùng 1 nan cửa, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và các tính chất cơ lý của sản phẩm.”
“Chính vì vậy, khi xác định độ dày của nan cửa, chúng tôi phải kiểm tra ở nhiều điểm khác nhau trên cùng một đoạn nan. Đây là điểm sơ hở mà những đơn vị gia công, làm gian lận đang sử dụng để nhằm nâng giá thành sản phẩm, lấn át các thương hiệu làm ăn chân chính, khách hàng cần thật sự lưu tâm khi lựa chọn”, ông Khôi chia sẻ thêm.
Như vậy, có thể thấy rằng, những mánh khóe rất tinh vi, lợi dụng kiến thức sơ hở của người tiêu dùng, các sản phẩm cửa cuốn gian lận vẫn đang ngang nhiên có mặt trên thị trường, thậm chí còn được chào bán với mức giá cao hơn các sản phẩm chất lượng từ vài trăm đến cả triệu đồng trên 1 mét vuông cửa, gây khó khăn cho các đơn vị sản xuất uy tín và thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho người tiêu dùng.
Trong ma trận thương hiệu, mẫu mã, giá cả của thị trường cửa cuốn hiện nay, người tiêu dùng cần thông thái tìm hiểu thật kỹ, lựa chọn thương hiệu uy tín, có sự đánh giá cao trên thị trường, bên cạnh đó là đầy đủ tem sản phẩm, mã bảo hành, nhãn mác, bao bì, dịch vụ khách hàng. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng nên lựa chọn các đại lý bán hàng được ủy quyền, các đơn vị có giấy chứng nhận cung cấp sản phẩm chính hãng để được an tâm và bảo đảm quyền lợi cho bản thân và gia đình.