Phác họa bức tranh tài chính của Công ty Thuận An
Nhiều năm gần đây, Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp, trong đó có những gói thầu quy mô vài trăm tỷ đồng. Trong vai trò là nhà thầu độc lập, hoặc thành viên liên danh, Thuận An hiện cũng đang trong thời gian thi công hàng loạt gói thầu tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Những gói thầu có tên Thuận An có thể kể đến như gói thầu số 5 thi công xây dựng dự án sửa chữa cầu Thăng Long, TP. Hà Nội, trúng thầu tháng 7/2020 với giá 242,846 tỷ đồng; gói thầu XL10 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, trúng thầu tháng 12/2019 với giá 639,407 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này cũng từng trúng gói thầu số 01EC thuộc dự án nút giao thông khác mức đường số 2 khu đô thị Nam TP. Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh (tỉnh Phú Yên), trúng thầu tháng 3/2019 với giá 496,034 tỷ đồng; gói thầu số 14 thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15A đoạn Km301+500 - Km333+200, tỉnh Nghệ An với giá trúng thầu là 60,006 tỷ đồng.
Tại công trình xây dựng nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương thuộc dự án Phát triển bền vững TP. Đà Nẵng, Thuận An trong vai trò liên danh cũng là nhà thầu thực dự án, với giá trị hợp đồng gần 120 tỷ đồng.
Thuận An cũng đang là nhà thầu thực hiện gói thầu số 2 của dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Tháng 8 vừa qua, Thuận An trong vai trò liên danh cũng đã trúng gói thầu số 26 tại dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn 1).
Cũng trong vai trò liên danh, Thuận An nhiều lần tham gia sơ tuyển các dự án cao tốc Bắc - Nam như tại dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo...
Tình hình kinh doanh của Thuận An trong những năm gần đây khá "trồi sụt". Theo dữ liệu của VietnamFinance, trong giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu của Thuận An luôn ở mức vài trăm tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2017, doanh thu của Thuận An ở mức 301 tỷ đồng, rồi giảm xuống còn 258 tỷ đồng vào năm 2018 và đạt 288 tỷ đồng vào năm 2019.
Dù có doanh thu khá ấn tượng, nhưng do giá vốn hàng bán quá cao nên lợi nhuận gộp còn lại của Thuận An trong giai đoạn này chỉ dao động trong khoảng từ 6 đến 17 tỷ đồng.
Lãi gộp đã "mỏng", lại bị "ăn mòn" bởi các khoản chi phí như lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp... khiến lợi nhuận thuần của Thuận An có lúc chỉ còn gần 1 tỷ đồng, thậm chí trong các năm 2018 và 2019, lợi nhuận thuần của Thuận An từ mức âm 38 triệu đã lên tới âm 214 triệu đồng.
Chốt năm, lãi sau thuế của Thuận An vào năm 2017 là 116 triệu đồng, năm 2018 là 85,7 triệu đồng và năm 2019 là 125 triệu đồng.
Tổng tài sản của Thuận An trong giai đoạn 2017 - 2019 cũng trồi sụt, từ mức 612,2 tỷ đồng (năm 2017), giảm xuống còn 564,7 tỷ đồng (năm 2018), rồi tăng vọt lên 710,6 tỷ đồng (năm 2019).
Nợ phải trả của Thuận An trong giai đoạn 2017 - 2018 giảm từ 311,7 tỷ đồng xuống còn 266,7 tỷ đồng, rồi lại tăng vọt lên 412,5 tỷ đồng vào năm 2019 (chiếm khoảng 48 - 58% tổng tài sản). Trong khi đó, vốn chủ sở hữu khá ổn định, khi luôn duy trì ở mức 300 tỷ đồng trong nhiều năm qua.
Bảng lưu chuyển tiền tệ của Thuận An cũng cho thấy tình hình kinh doanh khá ổn định, khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh, đặc biệt trong giai đoạn từ 2018 - 2019, lần lượt đạt 61,7 tỷ đồng và 277 tỷ đồng.
Còn tiếp...