Con đường kinh doanh của người sáng lập Tân Hiệp Phát: Người chiến thắng trong 'cuộc đấu sinh tồn'
Hơn nửa đời sóng gió
Ông Trần Quí Thanh sinh ngày 15/10/1953 trong một gia đình khá giả tại xóm cầu Bông nằm sát bên Phú Nhuận, TP. HCM. Cha ông là ông Trần Văn Bưởi, chủ vựa buôn bán vật liệu xây dựng Hiệp Phát. Từ khi còn nhỏ, ông Thanh đã được gửi vào trường Taberd Sài Gòn, một ngôi trường nói tiếng Pháp danh giá bậc nhất thời điểm đó chỉ dành cho con cái nhà giàu.
Những tưởng cuộc sống sẽ mãi trôi qua trong êm đềm thì một biến cố bất ngờ xảy đến. Mẹ ông qua đời, cha ông đưa ông tới một tu viện, sống chung với những đứa trẻ mồ côi khác.
Vì tu viện được tổ chức theo hình thức tập trung, ở độ 9, 10 tuổi, quen sống trong sự tự do thoải mái, ông bắt đầu bị cô lập, liên tục bị phạt đánh, phạt quỳ... Tuy nhiên, quãng thời gian đau đớn ấy đã hình thành ở ông sự kỷ luật và gai góc. Có những lần bị giám thị đánh tàn bạo quá, ông vùng dậy chống trả quyết liệt. Đến khi tin truyền về tới TP. HCM, cha ông tất tả chạy đến cô nhi viện để đón con về. Từ đây, ông Trần Quí Thanh cũng quyết tâm phải trở nên mạnh mẽ và tự tin để không bị ai bắt nạt.
Chân dung doanh nhân Trần Quí Thanh
Tốt nghiệp bằng kỹ sư chế tạo máy của trường Đại học Bách khoa, ông bắt đầu dấn thân vào con đường kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm nhanh. Trước khi có một sự nghiệp của riêng mình, ông làm việc trong Tổng công ty thực phẩm Trung ương và sau đó được bổ nhiệm làm giám đốc xưởng cồn gas và nước giải khát Bến Thành - thuộc Tổng công ty thực phẩm miền Nam. Có thể coi đây là sự chuẩn bị để sau này ông xây dựng nên cơ ngơi Tân Hiệp Phát, tập đoàn nước giải khát lừng danh của Việt Nam.
Năm 1977, hai năm sau ngày thống nhất đất nước, ông nghiên cứu và tìm hiểu về ngành công nghiệp sản xuất nấm men. Với công cụ thô sơ nhất là chiếc võng nilon do quân Mỹ bỏ lại, ông sử dụng để lọc lấy men bùn, làm nguồn cung cho doanh nghiệp non trẻ của mình. Giai đoạn đó, Mỹ thực hiện cấm vận với Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nấm men lao đao, khốn đốn vì thiếu nguồn cung, còn doanh nghiệp của ông Thanh vẫn vững bước sản xuất và kinh doanh.
Tuy nhiên, tình trạng siêu lạm phát, lên tới 300%, khiến hoạt động kinh doanh tiếp theo cũng chỉ hòa vốn. Giá men sụp đổ vào năm 1979 buộc ông phải rẽ sang ngành sản xuất đường. Lúc ấy, ông quen biết và nên duyên với bà Phạm Thị Nụ, sinh năm 1954 tại tỉnh Hải Dương. Dù mang thai vất vả, bà vẫn hằng ngày chạy lên núi Bà Đen - Tây Ninh để bán đường, đồng hành cùng chồng trên con đường khởi nghiệp. Từ lúc còn khó khăn cho đến khi sung túc, bà Nụ luôn đồng hành cùng ông Thanh để xây dựng cơ ngơi và chăm lo cho gia đình.
Ông chủ Tân Hiệp Phát và vợ là bà Phạm Thị Nụ
Sau hơn một thập kỷ hoạt động, công ty mía đường của ông Thanh phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nhà nước cùng lĩnh vực, có quy mô lớn và giá thành rẻ hơn. Trước tình hình đó, doanh nghiệp nhỏ của ông Thanh không thể chiếm được thị phần tốt và buộc phải có một hướng đi mới.
Trong bối cảnh nền kinh tế mới sau 1986, đất nước đang đà phát triển với hành lang pháp lý dành cho doanh nghiệp tư nhân và sự mở cửa giao thương với các nước khác, ông thành lập cơ sở sản xuất bia Bến Thành.
Sau 10 năm hoạt động, Tân Hiệp Phát chuyển hướng tập trung vào các loại nước ngọt và nước giải khát. Quyết định này cũng mang tính chiến lược để tạo nên tên tuổi Tân Hiệp Phát về sau.
Chiến lược thương hiệu trăm năm
Năm 2001, thực phẩm bổ sung nước tăng lực Number 1 được Tân Hiệp Phát tung ra thị trường. Với chính sách về giá và sức mạnh truyền thông, Number 1 đã chiếm hơn 30% thị phần chỉ sau 3 tháng. Đến năm 2002, sản phẩm Number 1 phủ khắp 60 tỉnh thành, vinh dự nằm trong tốp 10 sản phẩm nước giải khát khu vực Đông Nam Á. Sự xuất hiện của Number 1 đã khiến cho thị phần nước tăng lực có sự biến động.
Để tạo nên sức ảnh hưởng của thương hiệu, Number 1 đã có một chiến lược quan hệ công chúng kéo dài suốt nhiều năm, hướng đến tinh thần và khí phách người Việt như giải đua xe đạp nữ quốc tế An Giang, giải bóng đá quốc tế truyền hình Bình Dương, đấu trường thép quy tụ nhiều võ sĩ.
Với thông điệp riêng, Number 1 đã đồng hành cùng những người trải nghiệm trong cuộc hành trình chinh phục đỉnh cao thiên nhiên: câu chuyện 3 chàng trai trẻ Ngợi, Linh, Nhiên để chinh phục đỉnh Everest trong thời gian 60 ngày, dưới thời tiết có lúc âm tới 40 độ C, thở với mức oxy chỉ 27% và đối mặt với những nguy hiểm; hay như câu chuyện của Number 1 Team trên đường đua Ironman 70.3 Vietnam, cuộc hành trình 1.000km ở sa mạc của cô gái 9X Thanh Vũ.
Number 1 đồng hành cùng chị Thanh Vũ
Từ thành công của Number 1, ông Thanh bắt đầu hướng tới thị trường nước giải khát không có gas và tập trung vào tính chất trong lành, thiên nhiên của sản phẩm, đảm bảo sức khỏe con người. Vì thế, các sản phẩm tiếp theo như trà xanh không độ, trà thảo mộc Dr. Thanh... đều được lòng người tiêu dùng.
Đặc biệt, Dr. Thanh mang một điểm nhấn mới khi tập trung thể hiện tinh thần Đông y, phù hợp với quan điểm, suy nghĩ của người Việt nói riêng và người phương Đông nói chung, đề cao tầm quan trọng của các loại thảo mộc gắn bó với cuộc sống đời thường nhật.
Để phát triển sản phẩm này, ông Thanh và Tân Hiệp Phát đã sử dụng chiến lược hình ảnh người sáng lập. Giống như KFC, nhãn mác và bao bì đều có hình ảnh người tạo ra món gà rán nổi tiếng, Dr. Thanh sử dụng hình vẽ của ông Thanh để in ấn trên các bao bì, quảng bá trong các chiến dịch truyền thông, quay TVC...
Ông Trần Quí Thanh tham gia quay TVC cho sản phẩm trà thảo mộc Dr. Thanh
Thế nhưng, không phải tất cả sản phẩm hay chiến dịch thương hiệu nào nào cũng hoàn hảo. Các sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã vướng phải ít nhiều lùm xùm vào những giai đoạn đỉnh cao của hãng. Tuy nhiên, các khủng hoảng vẫn chưa thể làm dao động vị trí của Tân Hiệp Phát trong thị phần nước giải khát và sự quan tâm của người tiêu dùng.
Với sự thành công trong thị trường hàng tiêu dùng nhanh, năm 2012, Tân Hiệp Phát nhận được lời mời từ "ông lớn" CocaCola với hợp đồng 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này không thể thành công do yêu cầu từ phía CocaCola là Tân Hiệp Phát phải ngừng sản xuất sản phẩm mới, chỉ được bán trong khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia. Trong khi đó, ông Thanh và Tân Hiệp Phát lại muốn đi xa hơn và tham vọng hơn trên thị trường quốc tế. Hai năm sau, công ty đầu tư 10 dây chuyền công nghệ Aseptic trị giá lên đến 300 triệu USD của Tập đoàn GEA (Đức) nhằm tạo ra bước tiến mới cho các sản phẩm nước giải khát.
Năm 2013, ông Trần Quí Thanh mạnh tay đầu tư vào bất động sản công nghiệp, xây dựng “hệ sinh thái” khu công nghiệp cho Tân Hiệp Phát. Ông đã chọn điểm đến là tỉnh Quảng Nam với khu kinh tế mở Chu Lai. Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp tỉnh, khu kinh tế mở Chu Lai là khu trọng điểm, được quy hoạch với nhiều khu công nghiệp và khu công nghiệp công nghệ cao, thu hút được nguồn vốn FDI dồi dào.
Dự án khu công nghiệp và cảng quốc tế Dr. Thanh có tổng mức đầu tư 1,6 tỷ USD, được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2013-2018. Đồng thời, Tân Hiệp Phát sẽ mời gọi các đối tác, doanh nghiệp phụ trợ của ngành chế biến nông sản, thực phẩm và đồ uống đến đầu tư, nhằm thúc đẩy Quảng Nam trở thành trung tâm của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.
Cũng trong năm 2013, vào tháng 5, tập đoàn đã tiến hành khởi công xây dựng nhà máy nước giải khát Number One Chu Lai với vốn đầu tư gần 2.000 tỷ đồng tại khu kinh tế mở Chu Lai. Dự kiến công suất nhà máy này giai đoạn 2012 - 2013 sẽ là 300 triệu lít/ năm và tăng thêm 600 triệu lít/năm giai đoạn 2016 - 2020.
Năm 2019, Tân Hiệp Phát cũng hoàn thiện nhà máy ở Hậu Giang. Nhà máy sẽ phục vụ cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và phục cho hoạt động xuất khẩu vì có hệ thống đường thủy kết nối với nhiều cửa ngõ khác.
Nhà máy Number One Hậu Giang
Từ một công ty gia đình, Tân Hiệp Phát đã trở thành thương hiệu quốc gia trong nhiều năm liền, đồng thời xuất khẩu tới gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Canada, Hà Lan, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Maldives…
Đầu tư vào thị trường bất động sản
Tập trung trong ngành thực phẩm, Tân Hiệp Phát có thể coi là người đến muộn của thị trường bất động sản. Năm 2017, ông Thanh tham gia với vai trò cổ đông của Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn. Đến tháng 5/2018, Tân Hiệp Phát cùng nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trên địa bàn đứng ra thành lập Câu lạc bộ bất động sản TP. HCM, trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA). Đây có thể coi là động thái chính thức của Tân Hiệp Phát cho lời tuyên bố sẽ tham gia vào thị trường bất động sản.
Với tiềm lực kinh tế lớn mạnh, ông Thanh tập trung vào những khu đất vàng ở khu vực TP. HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Đà Nẵng, Tân Hiệp Phát sở hữu lô đất 12.077m2 trên tuyến đường Bạch Đằng - phía bắc đường dẫn vào cầu sông Hàn và lô đất diện tích 1.836m2 nằm trên trục nối giữa đường Ngô Quyền và Trần Hưng Đạo (chuyển nhượng năm 2016). Được biết, 2 lô đất này được chuyển nhượng vào thời điểm cuối năm 2016 từ ông Phạm Đăng Quan, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Trang (chủ nhà xe Phương Trang - Futabus).
Theo thông tin từ Tân Hiệp Phát, doanh nghiệp này sẽ xây dựng dự án đầu tiên của mình tại Đà Nẵng. Dự án có tên là Suntory Bay, nằm gần cầu sông Hàn, có thể là trên lô đất 12.077 m2. Theo ông Thanh, Suntory Bay là tổ hợp căn hộ nghỉ dưỡng - condotel hạng sang, giá từ 60 - 70 triệu đồng/m2 với tổng mức đầu tư dự kiến 4.000 - 5.000 tỷ đồng.
Năm 2019, ông Thanh cũng đã đấu giá thành công lô đất vàng 1,8ha, trị giá 394 tỷ đồng tại khu vực trung tâm thành phố Vũng Tàu. Khu đất nằm trong tổng thể quy hoạch 1/500 khu nhà ở, khách sạn phía đông ở đường Ba Tháng Hai (phường 10, thành phố Vũng Tàu) với chung cư cao tầng kết hợp công trình công cộng, cây xanh và đường giao thông nội bộ.
Tuy vậy, từ năm 2019 đến nay, do tình hình dịch bệnh phức tạp và tình trạng khó khăn chung của thị trường bất động sản, đặc biệt là vấn đề thủ tục hành chính, Tân Hiệp Phát vẫn chưa chính thức khởi công dự án bất động sản nào.
Đồng hành cùng ông Thanh là hai "ái nữ" tài giỏi Trần Uyên Phương (1981) và Trần Ngọc Bích (1984), đều tốt nghiệp ở các trường đại học danh tiếng, chuẩn bị tri thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, truyền thông thương hiệu.
Là thế hệ F2, sau khi tốt nghiệp ở Singapore, bà Uyên Phương trở về làm việc cho Tân Hiệp Phát với chức danh thư ký giám đốc marketing, rồi được thuyên chuyển làm nhân viên phiên dịch cho giám đốc dự án ERP. Hiện bà đang giữ chức vụ phó tổng giám đốc Tập đoàn.
Bà Ngọc Bích tốt nghiệp ngành quản trị tài chính đại học Manchester – Anh quốc, hiện là phó tổng giám đốc Tập đoàn Tập Hiệp Phát đồng thời cũng đảm nhiệm chức vụ giám đốc Công ty Number One Hà Nam.
Ông Trần Quí Thanh và hai ái nữ
Đặc biệt, vừa mới bước chân vào lĩnh vực bất động sản, ông Thanh và hai con gái đã có một hệ sinh thái công ty thành viên để mua bán đất đai, dự án như: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh, Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵngm Công ty TNHH Number One Quang Vinh, Công ty TNHH Mua bán nợ VNAMC, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Quang Vinh...