Con đường kinh doanh của bà Nguyễn Thị Nga - 'bà trùm' sân golf, khách sạn, ngân hàng
Chặng đường trở thành “nữ tướng” bất động sản
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955 tại Hà Nội, tốt nghiệp tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Giai đoạn 1979 - 1992, bà hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hàng bông vải sợi may mặc. Năm 1993, bà cùng chồng là ông Lê Hữu Báu thành lập BRG Group hoạt động ban đầu trong ngành kinh doanh xuất nhập khẩu.
Chân dung doanh nhân Nguyễn Thị Nga
Bước ngoặt của BRG Group đến vào năm 2000. Thời điểm đó, phía công ty Thái Lan đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của mình cho Công ty thương mại và sản xuất hàng xuất khẩu Ngân Anh do bà Nga làm giám đốc trong liên doanh với Công ty TNHH Thung lũng vua. Việc chuyển nhượng vốn này đã giúp cho bà Nguyễn Thị Nga và BRG có bước khởi đầu trong thị trường bất động sản với dự án sân golf Đảo Vua (Đồng Mô).
Sân golf Đảo Vua
Từ bước đi này, tập đoàn BRG đã xây dựng được hệ thống sân golf lớn nhất Việt Nam gồm 7 sân, nổi bật trong số đó là: BRG Legend Hill Golf Resort, BRG Ruby Tree Golf Resort...
Thời gian vừa qua, mặc dù tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, BRG Group vẫn hoàn thiện sân golf 36 hố đầu tiên tại Đà Nẵng, là nơi hội tụ thiết kế duy nhất của hai huyền thoại golf Jack Nicklaus và Greg Norman. BRG Đà Nẵng Golf Resort được kỳ vọng trở thành điểm đến ấn tượng cho dịch vụ nghỉ dưỡng, du lịch trong và ngoài nước.
Ngoài sân golf, BRG Group cũng phát triển rất mạnh các dự án nhà ở. Tính đến nay, tập đoàn này đã sở hữu danh mục gồm nhiều cái tên nổi tiếng như: BRG Coastal City, BRG Smart City, BRG Berriver Long Biên, BRG Le Grand Jardin Sài Đồng, BRG Grand Plaza 16 Láng Hạ, BRG Berriver Jardin…..
Trong số này, đình đám nhất là dự án BRG Smart City, quy mô diện tích khoảng 272ha tại huyện Đông Anh có tổng mức đầu tư 4 tỷ 138 triệu USD. Đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội xét theo quy mô vốn, do BGR Group hợp tác cùng Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản). Tòa tháp tài chính dự kiến cao 108 tầng được xem là điểm nhấn kiến trúc độc đáo của dự án, nằm ngay điểm đầu vào cửa ngõ Thủ đô nhìn về cầu Nhật Tân.
Bên cạnh lĩnh vực bất động sản nhà ở, khu đô thị, thương mại dịch vụ, bà Nguyễn Thị Nga cũng bước vững trong ngành tài chính ngân hàng.
Cụ thể, từ năm 2002, từ vị trí cổ đông, bà trở thành phó chủ tịch của Techcombank. Năm 2005, bà thay thế ông Lê Kiên Thành, trở thành chủ tịch nhà băng này trong khoảng thời gian trống giữa hai nhiệm kỳ. Khi đại hội cổ đông Techcombank họp vào tháng 8/2006 bầu hội đồng quản trị mới, bà Nga quay trở lại giữ chức vụ cũ. Đến năm 2007, bà thoái vốn khỏi Techcombank và trở thành lãnh đạo cấp cao của SeABank trong vòng 11 năm, tạo nên trợ lực tài chính cho các hoạt động của BRG Group.
Với gần 22.000 người lao động, BRG Group đang là tập đoàn kinh tế dịch vụ đa ngành hàng đầu Việt Nam. Hệ sinh thái của tập đoàn này trải rộng trên nhiều lĩnh vực: tài chính ngân hàng, bất động sản, golf, khách sạn, thương mại bán lẻ, xuất nhập khẩu, ô tô, vui chơi giải trí, sản xuất…
Những thương vụ thâu tóm
Một trong những thương vụ của bà Nga làm dậy sóng thị trường bất động sản khách sạn Hà Nội là việc mua lại Hilton Hanoi Opera. Quá trình này diễn ra trong suốt 4 năm, bắt đầu từ 2009 và đến 2012 thì hoàn tất.
Năm 2013, BRG khai trương khách sạn mang thương hiệu Hilton thứ 2 là Hilton Garden Inn Hanoi có quy mô nhỏ hơn và tập trung phục vụ đối tượng đi du lịch hoặc công tác với mức phí vừa phải.
Năm 2014, BRG mua lại 30% cổ phần của Công ty TNHH một thành viên Khách sạn Du lịch Thắng Lợi (Cuba xây tặng Việt Nam từ năm 1975). Sau đó công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần, bà Nguyễn Thị Nga trở thành chủ tịch hội đồng quản trị, khách sạn Thắng Lợi được đổi thành Hilton Hanoi Westlake.
Khách sạn Hilton Hanoi Opera
Đến năm 2015, bà Nga đã thực hiện thương vụ thâu tóm đình đám khi nâng tỷ lệ sở hữu tại Intimex Việt Nam – đơn vị sở hữu “mảnh đất vàng” trên phố Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cũng trong năm này, bà Nguyễn Thị Nga và BRG liên tục được nhắc đến khi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) cùng Tập đoàn BRG và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thành lập Công ty Cổ phần tháp truyền hình Việt Nam để tiến hành dự án xây dựng tháp truyền hình 636m cao nhất thế giới tại khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội) với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD.
Tuy vậy, sau đó, cả VTV và SCIC đều đề nghị thoái vốn tại công ty trên. Lý do rút lui của VTV là đơn vị đang cần tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình. Ngoài ra, dự án chưa được Thủ tướng phê duyệt nên không thể triển khai thực hiện. Như vậy, dự án này đã hoàn toàn đổ bể.
Người thừa kế
Tháng 5/2018, bà Nguyễn Thị Nga rời ghế chủ tịch của SeABank, lui xuống chức phó chủ tịch thường trực. Con gái của bà Nga, Lê Thu Thuỷ, được bổ nhiệm làm tổng giám đốc.
Chân dung Tổng giám đốc Lê Thu Thủy của SeABank
Bà Lê Thu Thủy là con gái thứ của bà Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1983 và tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng tại Đại học George Mason, Mỹ. Sau khi lập gia đình tại Mỹ, bà quay trở lại Việt Nam và theo nghiệp kinh doanh của gia đình, chủ yếu hoạt động tại SeABank. Bà được bình chọn trong top 10 doanh nhân trẻ thế hệ tiếp nối của Forbes và nhận được nhiều giải thưởng thi đua khác dành cho doanh nhân trẻ tiêu biểu.
Trong thời gian bà Lê Thu Thủy tiếp quản vị trí cấp cao ở SeABank, nhà băng này có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2020, lợi nhuận ngân hàng đạt mức cao kỷ lục 1.728 tỷ đồng. Vốn điều lệ cũng tăng mạnh, từ 5.465 tỷ đồng vào cuối năm 2018 lên tới hơn 12.000 tỷ đồng cuối năm 2020.