CEO Colliers: “Giá thuê BĐS công nghiệp tại Bà Rịa-Vũng Tàu thấp trong khu vực"
Theo ông David Jackson, giá thuê trên cùng với địa hình tự nhiên có đất nền vững chãi và khí hậu nắng ấm quanh năm thích hợp cho các hoạt động của các khu công nghiệp chính là lợi thế thu hút khách thuê.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm mới của bất động sản công nghiệp phía Nam, bởi ba yếu tố.
Yếu tố thứ nhất là việc thu hút vốn FDI. Theo báo cáo từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ đầu năm đến nay, tỉnh này đã cấp mới 13 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 207,76 triệu USD, giúp tỉnh này xếp thứ tư cả nước về thu hút FDI. Đây chính là động lực quan trọng giúp bất động sản của địa phương này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Yếu tố thứ hai là hạ tầng kỹ thuật. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách TP. HCM chỉ khoảng 100km và gần với các trung tâm công nghiệp năng động là Bình Dương và Đồng Nai. Hệ thống giao thông liên vùng cũng rất hiện đại và liên tục được phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có lợi thế với cảng nước sâu Cái Mép có năng lực tiếp nhận 1,8 triệu TEU mỗi năm (thuộc nhóm 20 cảng nước sâu lớn nhất thế giới).
Khi cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và sân bay Long Thành được hoàn thiện trong tương lai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có thêm phí cạnh tranh về logistic rất đáng kể.
Thời gian tới đây, huyện Châu Đức nhiều khả năng sẽ là cái tên được nhắc đến nhiều với tư cách là khu vực có sự tăng trưởng mạnh mẽ về diện tích các khu công nghiệp mới tại địa phương này. Hiện tại, Sonadezi - khu công nghiệp lớn nhất tại Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng được đặt tại Châu Đức.
Ngoài ra, khu công nghiệp Phú Mỹ 3 (thị xã Phú Mỹ) cũng rất đáng chú ý với cơ sở vật chất hiện đại, chuyên sâu dành cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và thời hạn thuê còn đến gần 60 năm.
Yếu tố cuối cùng chính là dịch vụ. Vốn đã là địa điểm du lịch nổi tiếng và là trung tâm hậu cần của công nghiệp dầu khí, Bà Rịa - Vũng Tàu có đầy đủ dịch vụ với chất lượng cao, giúp đáp ứng các nhu cầu về giải trí, nghỉ dưỡng, mua sắm, y tế, giáo dục…của nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động.
Mặt khác, Vũng Tàu luôn có được vị trí cao trong bảng các tiêu chí của một thành phố “đáng sống”. Đây chính là một “điểm cộng” tiếp theo của Bà Rịa - Vũng Tàu mà không nhiều địa phương mạnh về bất động sản công nghiệp khác ở phía Nam có được.
Trong một báo cáo khác về thị trường bất động sản công nghiệp, Colliers Việt Nam đưa ra trước đó, đơn vị này nhận định Bình Thuận sẽ là địa chỉ mới cho bất động sản công nghiệp.
Theo Colliers, với “trợ lực” từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết cùng nhiều yếu tố thuận lợi khác, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của nhiều tập đoàn quốc tế lớn, thúc đẩy nhu cầu bất động sản công nghiệp. Trong số các địa chỉ có thể đáp ứng nhu cầu đó, các địa phương giàu tiềm năng như Bình Thuận, Thanh Hóa sẽ là điểm đến phù hợp và hấp dẫn.
Riêng với Bình Thuận, Colliers lý giải, Bình Thuận nằm không quá xa TP. HCM và lại đang được đầu tư giao thông rất đồng bộ và hiện đại. Dự án giao thông quan trọng bậc nhất hiện nay là cao tốc Long Thành – Dầu Giây và thị xã La Gi là địa phương nằm ngay cửa ngõ trước khi tuyến cao tốc này chạy qua các khu vực khác của cả tỉnh.