‘Bình mới rượu cũ’ tại dự án suối nước nóng Hội Vân hơn 700 tỷ ở Bình Định
Tỉnh Bình Định vừa công nhận Công ty TNHH Onsen Hội Vân (Onsen Hội Vân) là doanh nghiệp thực hiện dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ và dân cư khu vực suối nước nóng Hội Vân (suối nước nóng Hội Vân).
Cụ thể, phía Onsen Hội Vân được kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư mà kiên danh Công ty Cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (HoSE: TEG) – Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Đông Dương Thăng Long (Đông Dương Thăng Long) đã cam kết tại hồ sơ dự thầu và hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư.
Dự án suối nước nóng Hội Vân được thực hiện tại thôn Hội Vân, xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Mục tiêu của dự án là khai thác tiềm năng, lợi thế không gian cảnh quan khu vực suối nước nóng thôn Hội Vân, đồng thời xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp hiện đại thúc đẩy du lịch tỉnh Bình Định.
Tổng mức đầu tư khoảng 726 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 24,7 tỷ đồng. Dự án phát triển trên quy mô 17,7ha, gồm hai khu. Một là là khu chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng với diện tích khoảng 6,8ha, bao gồm các công trình chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng phục vụ du lịch.
Hai là khu dân cư với diện tích khoảng 10,9ha, gồm các hạng mục: khu nhà ở thấp tầng (liền kề, biệt thực) khoảng 420 căn, các công trình dịch vụ xã hội đô thị cung cấp các tiện ích thiết yếu cho cư dân...
Trước đó, dự án đã được tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4622 ngày 19/11/2021, giao cho liên danh TEG – Đông Dương Thăng Long thực hiện.
Thực chất, dự án suối nước nóng hơn 700 tỷ đồng này vẫn là “sân chơi” của TEG và Đông Dương Thăng Long. Bởi, Onsen Hội Vân chỉ là pháp nhân mới do 2 doanh nghiệp này lập ra để thực hiện dự án.
Onsen Hội Vân mới được thành lập hồi tháng 8 năm nay với vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Tại đây, TEG góp 90 tỷ đồng, tương đương 60% vốn điều lệ, còn Đông Dương Thăng Long góp 60 tỷ đồng, tương đương 40% vốn điều lệ. Ông Đặng Trung Kiên, chủ tịch HĐQT của TEG, cũng đồng thời là chủ tịch HĐTV của Onsen Hội Vân.
TEG của ông Đặng Trung Kiên vốn là một tên tuổi trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Về tình hình kinh doanh, quý III/2021, TEG ghi nhận doanh thu thuần đạt 55 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 6,7 tỷ đồng.
Về tài sản, tại ngày kết thúc quý III/2021, tổng tài sản của TEG đạt 680 tỷ đồng. Tổng giá trị các khoản phải thu và hàng tồn kho đạt 293,3 tỷ đồng, chiếm 43% tổng tài sản. Nợ phải trả đạt 214 tỷ đồng, chiếm 31% tổng nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 0,46 cho thấy công ty không phụ thuộc nhiều vào vốn bên ngoài.
Còn Đông Dương Thăng Long đến từ tỉnh Hà Tĩnh cũng ít nhiều có “sợi dây liên kết” với TEG khi tại đây, TEG nắm 5% vốn. Ngoài ra, các cổ đông tổ chức của công ty này còn có: Công ty Cổ phần Cao Nguyên Bắc Ninh (30%), Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Đông Dương (25%) còn Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình Mekong đã thoái vốn.
Bên cạnh đó, công ty này còn 2 cổ đông cá nhân là Nguyễn Diên nắm 7,5% và Nguyễn Đình Chiến nắm 32,5%.
Tình hình kinh doanh của Đông Dương Thăng Long khá “èo uột”. Trong giai đoạn 2017 – 2018, công ty này không ghi nhận doanh thu, lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 73 triệu đồng và -9 triệu đồng. Năm 2019 doanh thu của công ty đạt 110,5 tỷ đồng song lợi nhuận sau thuế tiếp tục là con số âm (-6,7 tỷ đồng).
Về tài sản, giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản công ty tăng liên tục từ 233 tỷ đồng lên 719 tỷ đồng, đa phần là tài sản dài hạn. Vốn chủ sở hữu tăng đáng kể trong cùng giai đoạn, từ 200 tỷ đồng lên 356 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả tăng mãnh liệt từ 33 tỷ đồng lên 362 tỷ đồng, tức gấp khoảng 11 lần.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, Đông Dương Thăng Long hiện là chủ đầu tư của hai dự án trung tâm thương mại Xuân An Plaza và khu đô thị mới Xuân An Green Park.