Vingroup (VIC): Quý III, lãi gộp tăng mạnh nhưng lãi trước thuế giảm 8%, đạt 3.314 tỷ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa được VIC công bố, quý III, doanh thu thuần đạt 30.111 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm sâu, lợi nhuận gộp tăng 85%, đạt 11.698 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh mẽ từ 17,5% lên 38,8%.
Trong quý, chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm đáng kể (lần lượt giảm 9% xuống 2.814 tỷ đồng và giảm 37% xuống 1.280 tỷ đồng) song chi phí quản lý lại tăng rất mạnh, tăng 50% lên 5.769 tỷ đồng.
Điều này cộng với việc doanh thu tài chính giảm 67%, đạt 1.536 tỷ đồng, đã khiến lãi trước thuế chỉ đạt 3.314 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, lãi sau thuế quý III của VIC chỉ đạt 257 tỷ đồng, giảm tới 82% so với năm trước, do chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cao (thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành 2.913 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại 144 tỷ đồng).
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ thậm chí còn âm 351 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 1.540 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của VIC đạt 90.848 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt 25.439 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần.
Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 9.714 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ song lợi nhuận sau thuế lại giảm 39%, chỉ đạt 1.726 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng giảm 20%, đạt 3.192 tỷ đồng.
Về tài sản, tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của VIC đạt 433.602 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm.
Cơ cấu tài sản đáng chú ý với sự tăng trưởng của các khoản phải thu ngắn hạn, tăng 60%, đạt 83.793 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản phải thu dài hạn giảm 85,5% xuống 1.070 tỷ đồng.
Hàng tồn kho đạt 55.382 tỷ đồng, giảm 11,4%, còn chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 12,5%, đạt 76.459 tỷ đồng.
Khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết giảm rất mạnh, giảm 92%, xuống 221 tỷ đồng, trong khi khoản đầu tư góp vốn vào đơn vị khác tăng 50%, lên 6.852 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tại ngày kết thúc quý III/2021, nợ phải trả của VIC là 269.305 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm.
Đáng lưu ý là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm tới 22%, xuống 29.008 tỷ đồng. Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn cũng giảm 24,5% xuống 3.737 tỷ đồng. Doanh thu chưa thực hiện dài hạn giảm 14,7% xuống 4.533 tỷ đồng.
Nợ vay ngắn hạn của VIC tăng 2,5%, lên 26.628 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn tăng 4% lên 102.280 tỷ đồng. Như vậy, tổng nợ vay là 128.908 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của VIC tại ngày kết thúc quý III/2021 đạt 164.297 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm.
Với vốn chủ dày dặn, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ là 1,64 lần, khá an toàn.
Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh 9 tháng âm tới 18.526 tỷ đồng (cùng kỳ dương 5.894 tỷ đồng) chủ yếu do: tăng các khoản phải thu (19.765 tỷ đồng, tăng gấp 9,7 lần năm trước) và giảm các khoản phải trả (20.201 tỷ đồng, gấp 10,3 lần năm trước).
Dòng tiền đầu tư âm 11.046 tỷ đồng, do tăng chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định (31.549 tỷ đồng).
Do cả hai dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm, VIC buộc phải "kiếm tiền" từ đi vay. Tiền thu từ đi vay 9 tháng năm 2021 tăng lên rất mạnh, đạt 51.241 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Hệ quả là dòng tiền tài chính dương 21.431 tỷ đồng.
Tuy vậy, lưu chuyển tiền thuần 9 tháng vẫn âm hơn 8.100 tỷ đồng, làm tiền và tương đương tiền giảm còn 21.262 tỷ đồng, tương đương giảm 27,6% so với đầu năm.