Văn Phú Invest (VPI): 9 tháng lãi sau thuế 107 tỷ, có 2.015 tỷ người mua trả tiền trước ngắn hạn
Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021. Theo đó, doanh thu thuần trong quý này không biến động nhiều so với cùng kỳ, đạt 327 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 52% còn 87 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm gần một nửa còn 27%.
Doanh thu tài chính tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 56,5 tỷ đồng, đến từ chuyển nhượng các khoản đầu tư. Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm, lần lượt giảm 49% và 33%, còn 26 tỷ đồng và 25 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng tăng 26% lên 12 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế quý III của VPI tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 70 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của VPI giảm 31% so với cùng kỳ, đạt 640 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 11%, đạt 107 tỷ đồng. Như vậy, VPI đã thực hiện được 25% chỉ tiêu doanh thu 33% chỉ tiêu lợi nhuận 2021
VPI cho biết quý IV sẽ là điểm rơi lợi nhuận nhờ bàn giao dự án The Terra An Hưng và công tác chuẩn bị bán hàng ở dự án Vlasta Sầm Sơn.
Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của VPI tăng nhẹ so với đầu năm, ghi nhận 9.771 tỷ đồng, chiếm 56% là tài sản ngắn hạn (5.454 tỷ đồng). Trong cơ cấu tài sản của VPI, đáng chú ý là tiền và tương đương tiền giảm mạnh 68% so với đầu năm, còn 332 tỷ đồng; nguyên nhân chủ yếu là do giảm tiền gửi ngân hàng và các khoản tương đương tiền.
Hàng tồn kho tăng 23% đạt 2.215 tỷ đồng, chiếm 22% tổng tài sản. Hàng tồn kho chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án The Terra An Hưng, Hà Nội, dự án Yên Phong, Bắc Ninh. Tổng các khoản phải thu giảm 11%, còn 3.947 tỷ đồng, chiếm 40% tổng tài sản.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của VPI tại ngày kết thúc quý III không biến động nhiều so với cùng kỳ, đạt 6.714 tỷ đồng, trong đó chiếm 64% là nợ ngắn hạn (4.300 tỷ đồng).
Đặc biệt, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng 18% lên 2.015 tỷ đồng, chiếm 47% nợ ngắn hạn (chủ yếu khách hàng trả tiền trước cho dự án The Terra An Hưng và dự án Grandeur Palace Giảng Võ, dự án The Terra Hào Nam). Đây là cơ sở để VPI ghi nhận doanh thu lớn trong tương lai.
Tổng giá trị nợ vay của VPI không có biến động nhiều so với cùng kỳ, đạt 3.001 tỷ đồng, chiếm 31% tổng nguồn vốn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,2 lần.
Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh trong 9 tháng của VPI âm nặng 111 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 650 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là do tăng hàng tồn kho (420 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư cũng âm tới 552 tỷ đồng chủ yếu là do tăng chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác.
Trong khi dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư âm, VPI lại giảm dòng tiền vay/trả (tiền thu từ đi vay giảm 30% về 954 tỷ đồng, tiền trả nợ gốc vay giảm 50% về 989,6 tỷ đồng so với cùng kỳ) nên kết quả là lưu chuyển tiền thuần âm tới 698 tỷ đồng.
Kết quả này khiến lượng tiền và tương đương tiền của công ty tại ngày kết thúc quý III chỉ còn 332 tỷ đồng, giảm tới 68% so với đầu kỳ. Tuy vậy, đây vẫn là một con số khá lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản.