Diễn đàn   •   Chủ nhật, 17/10/2021, 07:51 AM

TSKH - KTS Ngô Viết Nam Sơn: TP. HCM là nhà, Cần Giờ là khu vườn

Thay vì kỳ vọng Cần Giờ sẽ trở thành khu đô thị biển đảo hiện đại bậc nhất, đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho kinh tế TP. HCM, TSKH – KTS Ngô Viết Nam Sơn đề cao hơn tính phát triển bền vững, bảo tồn “lá phổi xanh” của thành phố.

Cần Giờ đang đứng trước ngưỡng cửa thay đổi quan trọng, quyết định đến diện mạo trong tương lai.

41 năm kể từ ngày sáp nhập về TP. HCM, huyện Cần Giờ (Duyên Hải) đã ghi dấu hành trình phát triển bằng các thành quả nhất định: được công nhận huyện nông thôn mới; đảo Thạnh An được công nhận xã đảo của TP. HCM; rừng ngập mặn tái sinh được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam... gợi ra niềm hy vọng Cần Giờ sẽ “cất cánh” bay cao trong thời gian tới.

Kỳ vọng khu đô thị biển đảo hiện đại

Từ năm 2020, các kịch bản ưu tiên phát triển mạnh kinh tế đô thị biển của Cần Giờ để tạo động lực phát triển mới phía Đông Nam TP. HCM được khởi xướng. Theo đó, Cần Giờ được kỳ vọng sẽ trở thành thành phố thuộc TP. HCM cho hơn 600.000 dân, bỏ qua bước xây dựng Cần Giờ từ huyện thành quận, đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể và tạo đòn bẩy phát triển kinh tế biển chính cho thành phố về phía Tây Nam.

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ 2.780 ha dự kiến trở thành siêu dự án phức hợp trung tâm tài chính, kinh tế, thương mại, dịch vụ, khách sạn, chung cư cao tầng, nhà ở liên kế, biệt thự cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng, bến du thuyền… cùng chuỗi tiện ích nội khu hiện đại với tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới, cho hơn 220.000 dân và cho hơn 9 triệu lượt khách du lịch hàng năm. Dự án này có quy mô lớn hàng đầu ở Việt Nam, rộng hơn khoảng 4 lần so với Khu đô thị mới Thủ Thiêm và hơn vài chục lần so với quy mô ban đầu cho 8.000 dân và 25.000 khách du lịch/năm.

Ngoài ra, cầu Cần Giờ sẽ được xây thay thế cho phà Bình Khánh, với vốn đầu tư dự kiến 5.300 tỷ đồng. Cùng với đó, cảng biển trung tâm sẽ được xây dựng trong tương lai. 4 vị trí tiềm năng đang được Sở Giao thông Vận tải đề xuất, có thể phát triển thành cụm cảng trung tâm logistics đường biển quan trọng hàng đầu của TP. HCM với quy mô có thể lớn hơn để thay thế cụm cảng Thị Vải – Cái Mép sau này, đi kèm với xây dựng mới hệ thống đường cao tốc và đường sắt kết nối hiện đại nối vào cảng. Ngoài ra, giấc mơ cầu Cổng Vàng vượt biển nối liền Cần Giờ với Vũng Tàu với chiều cao phù hợp cho các tàu trọng tải lớn chui qua, theo ý tưởng cầu Golden Gate (San Francisco) cũng được đề xuất. Tương tự, sân bay Cần Giờ được trông chờ để đón khách du lịch.

Không nhất thiết phải đô thị hoá Cần Giờ mật độ cao

Tuy nhiên, TSKH – KTS. Ngô Viết Nam Sơn nhận định, khác với các khu đô thị biển thông thường, việc khai thác tiềm năng kinh tế biển của Cần Giờ phải đặt trong một tình huống khá đặc biệt. Vừa thuận lợi vừa khó khăn về vị trí và điều kiện tự nhiên, vừa phải xây dựng đô thị mới vừa phải bảo tồn sinh thái, vừa muốn phát triển du lịch cao cấp và cảng biển nước sâu vừa phải cạnh tranh trên thế yếu về điều kiện tự nhiên và tương lai kết nối vùng khi so với Vũng Tàu và Phú Mỹ - nơi có thể nói đang sở hữu điều kiện phát triển kinh tế biển thuận lợi hơn rất nhiều so với Cần Giờ. “Nên tập trung hơn cho phát triển Cần Giờ theo lợi thế mạnh nhất mà vùng đất đang sở hữu - giá trị du lịch sinh thái, di sản văn hóa lịch sử và kinh tế môi trường của ‘lá phổi xanh’ quan trọng nhất của TP. HCM”, ông Sơn nhấn mạnh.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, phát triển kinh tế biển không nhất thiết phải đô thị hoá Cần Giờ mật độ cao, thay vào đó là kết nối vùng, hợp tác với Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An để mở rộng tiềm năng.

So sánh với các vùng lân cận về tiềm năng phát triển đô thị du lịch biển cao theo tiêu chí 3S (nắng, biển, bãi biển – sun, sea, sand), ông Sơn chỉ ra Cần Giờ có hai điểm yếu cơ bản. Thứ nhất là bãi biển chất lượng kém do vị trí cửa biển giao nhau, làm cho cát lẫn nhiều bùn đất phù sa. Thứ hai, nước biển đục do phù sa và còn có nguy cơ ô nhiễm cao do hoạt động tàu biển và sà lan mật độ cao. Trong toàn chuỗi đô thị vịnh biển Gành Rái – Cần Giờ, thì Vũng Tàu - Long Hải - Bình Châu có 3S tốt nhất, nên sẽ có lợi thế cạnh tranh rất mạnh về du lịch biển cao cấp so với Cần Giờ.

Đồng thời, vấn đề bảo tồn sinh quyển cho Cần Giờ là hết sức quan trọng. Bởi, không chỉ có ý nghĩa cho riêng TP. HCM mà nó đóng vai trò giữ giá trị môi trường cho cả vùng đô thị Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương… Với tư cách là đầu tàu cho cả khu vực, TP. HCM cần đặc biệt chú trọng vấn đề này. “Hiện chúng ta đưa ra nhiều dự án nhưng chủ yếu là dự án địa ốc. Bản thân tôi quan tâm hơn câu chuyện về an cư lạc nghiệp cho người dân, nghĩa là khi phát triển người dân sẽ được hưởng những lợi ích gì”, ông Sơn đặt vấn đề.

Đánh giá Cần Giờ vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển du lịch biển, nhưng theo ông Sơn cần phát triển theo hướng sinh thái. Người dân có thể đến Vũng Tàu để tắm biển, ăn hải sản, trong khi đó tại Cần Giờ họ có thể tắm bùn, tham quan đảo khỉ… Thay đổi nên đặt nặng tính bền vững, thân thiện với môi trường, đem lại lợi ích thực tiễn cho người dân. Chỉ xây dựng nhà thôi chưa đủ, phải nhìn tổng thể giúp cho cộng đồng của Cần Giờ được an cư lạc nghiệp, giàu có nhưng gắn liền với giá trị xanh.

“Tương lai của Cần Giờ không phải là đóng góp kinh tế bao nhiêu nghìn tỷ đồng cho TP. HCM mà giá trị của nó là lá phổi xanh cho thành phố. TP. HCM là nơi phát triển kinh tế rất năng động, không có nghĩa vùng đất nào cũng phải làm kinh tế. Ví TP. HCM là căn nhà thì Cần Giờ được xem là khu vườn để thư giãn”, KTS Ngô Viết Nam Sơn chỉ ra.

Theo đó, TP. HCM nên ưu tiên cho phát triển bền vững, hơn là nhắm đến lợi ích ngắn hạn trước mắt. Từ đó, khuyến khích nhiều tập đoàn tư nhân lớn trong nước và nước ngoài đầu tư nhiều hơn vào Cần Giờ theo hướng công tư hợp tác, trong khi vẫn giữ vững định hướng phát triển bền vững, phù hợp với lợi ích lâu dài của Cần Giờ và của toàn thành phố.

Nhắc lại bức thư của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP. HCM từ năm 2002, ông Sơn cho rằng bức thư này cần được hiểu là những gợi ý đầy cảm hứng cho các tiềm năng phát triển tiến ra biển với tư cách một nguyên lãnh đạo quốc gia quan tâm đến lợi ích chung của đất nước, chứ không phải với tư cách một chuyên gia khẳng định phải quy hoạch cho Cần Giờ tương lai như thế nào.

“Vào thời điểm 2002, ở Việt Nam và cả nhiều nơi trên thế giới, vẫn chưa có sự hiểu biết và quan tâm sâu sắc về nguy cơ biến đổi khí hậu – nước biển dâng và ý nghĩa sống còn của việc phải phát triển bền vững. Ngày nay, chúng ta cần nhìn định hướng tiến ra biển với một tầm nhìn trăm năm và cần tham khảo các ý kiến đa ngành và đa chiều, để đánh giá và đưa ra quyết định sáng suốt”, ông nhận xét.

Ngô Viết Nam Sơn

TS Sử Ngọc Khương: 'Mở cửa du lịch Cần Giờ chưa thể làm tăng giá bất động sản'

Huyện Cần Giờ (TP. HCM) đang bắt đầu triển khai các kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế, trong đó có việc mở cửa du lịch tại khu vực biển nước mặn tại đây. Vậy liệu có thể xem đây là một động thái tích cực giúp hỗ trợ việc tăng giá bất động sản, hoặc sẽ xuất hiện những cơn sốt đất tại huyện ngoại thành này?

Đất không giấy tờ trước 1/7/2014 sẽ được cấp sổ đỏ trong những trường hợp nào?

Diễn đàn   •   Thứ ba, 23/01/2024, 12:58 PM
Các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không giấy tờ nhưng không có tranh chấp, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền trước ngày 1/7/2014 sẽ được xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Mua bất động sản phát mãi: Món hời hay cái bẫy?!

Diễn đàn   •   Thứ hai, 04/12/2023, 09:23 AM
(VNF) - Để cứu vớt các khoản nợ xấu, các ngân hàng đang “ráo riết” rao bán các tài sản bảo đảm là bất động sản. Tuy nhiên, ở góc độ người mua, cần cẩn trọng tính toán chi phí lãi vay và vốn đầu tư bỏ ra để tránh ham rẻ mà vô tình lại dính vào vòng xoáy nợ nần.

Đại gia Đặng Thành Tâm tăng vốn cho Đô thị Tràng Cát vượt 500 triệu USD

Diễn đàn   •   Thứ ba, 24/10/2023, 10:20 AM
(VNF) - Với mức tăng vốn thêm 6.051 tỷ đồng, vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Tràng Cát sẽ tăng lên mức 12.681 tỷ đồng, tương đương hơn 500 triệu USD.

Dồn dập giải cứu BĐS: ‘Quá sớm để đánh giá thị trường được rã đông’

Diễn đàn   •   Thứ bảy, 08/04/2023, 09:34 AM
VNDrect cho rằng, còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản đã “rã đông” khi thực tế triển khai các chính sách vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn về pháp lý vẫn chưa được giải quyết triệt để.

'Mức hỗ trợ lãi suất của gói 120.000 tỷ còn thấp so với mặt bằng đang cao'

Diễn đàn   •   Thứ sáu, 31/03/2023, 10:24 AM
“Mức lãi vay lĩnh vực bất động sản hiện đang dao động từ 13 - 15%, nếu giảm 1 - 2% thì mức lãi vẫn còn khá cao và sẽ khó khuyến khích người dân đi vay mua nhà ở thời điểm hiện tại. Ngoài ra, việc thả nổi theo lãi suất thị trường cũng sẽ là một rủi ro mà người đi mua nhà có thể gánh chịu trong tương lai khi mà lãi suất thị trường tăng”, TS Nguyễn Hữu Huân đánh giá.