Con đường kinh doanh của ông Nguyễn Tuấn Hải: Hé lộ chiến thuật vực dậy Alphanam sau biến cố hủy niêm yết
Từ quân nhân đến doanh nhân
Năm 1986, khi kế hoạch đổi mới được thông qua, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu có những bước chuyển đổi đầu tiên. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam bắt đầu xuất hiện và giai đoạn 1986-1997 có thể coi là thời kỳ “khai sinh” của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước..
Trong bối cảnh đó, năm 1987, sau khi kết thúc thời gian phục vụ trong quân đội, ông Nguyễn Tuấn Hải bắt đầu con đường kiến tạo sự nghiệp. Trong 8 năm tiếp theo, ông chủ yếu đầu tư và kinh doanh vàng bạc đá quý, khách sạn và có những thuận lợi đáng kể.
Chân dung doanh nhân Nguyễn Tuấn Hải
Đến năm 1995, ông chuyển hướng và thành lập Công ty TNHH Alphanam với hoạt động ban đầu là sản xuất thiết bị điện, tổng thầu cơ điện. Sau đó, công ty dần mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác như: bất động sản, công nghiệp, thương mại...
Năm 1999, ông Nguyễn Tuấn Hải được trao tặng danh hiệu "Doanh nhân Sao Đỏ" và là một trong số những doanh nhân trẻ thành công thời điểm đó.
Cuối năm 2007, Alphanam niêm yết trên sàn HoSE (Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh) với mã chứng khoán là ALP. Đây cũng là giai đoạn huy hoàng của ông Nguyễn Tuấn Hải.
Lễ trao giải thưởng Sao Đỏ năm 1999, vinh danh những doanh nhân trẻ
Biến cố kinh doanh và con đường đến với địa ốc
Khi mới niêm yết, Alphanam làm ăn khá tốt. Tuy nhiên giai đoạn thuận lợi chỉ kéo dài vài năm. Lợi nhuận sau thuế của Alphanam cứ giảm dần và công ty bắt đầu lỗ từ năm 2012 với khoản lỗ gần 149 tỷ đồng.
Năm 2013, khoản lỗ tăng lên 213 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đầu năm 2014 là lỗ gần 144 tỷ đồng. Cuối năm 2014, Alphanam có 192 triệu cổ phiếu ALP, vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng, và đứng trước nguy cơ lỗ 3 năm liên tiếp.
Ngày 2/12/2014, HoSE đã ra thông báo hủy niêm yết đối với 192 triệu cổ phiếu ALP. Trong phiên giao dịch cuối cùng trên HoSE, ngày 30/12/2014, cổ phiếu ALP dừng ở mức 3.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 66% so với mệnh giá và giảm hơn 10 lần so với giá cổ phiếu thời mới niêm yết. Trong khi giải trình về các kết quả kinh doanh lỗ, ALP cho biết, tình hình này là do công ty mua lại các công ty con (lỗ).
Từ khi rời sàn chứng khoán, Alphanam đã chuyển hướng sang bất động sản và hoạt động theo mô hình công ty gia đình. Ông Nguyễn Tuấn Hải nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT. Con trai Nguyễn Minh Nhật nắm giữ chức vụ tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Alphanam, còn con gái Nguyễn Ngọc Mỹ là tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Foodinco.
Chia sẻ về con đường đến với địa ốc, ông Nguyễn Tuấn Hải nói tại một hội thảo hồi tháng 6/2020 rằng: "Triết lý của Alphanam khi đó là chỉ mua cái gì mắt thấy được, tay sờ được, thế là mua đất. Lúc đó, thị trường bất động sản chưa bùng nổ, chúng tôi đi nhiều tỉnh thành, mua những lô đất có giá 1 - 2 triệu đồng/m2 mà giờ giá đã là 20 - 30 triệu đồng/m2".
Nói về cơ duyên khiến Alphanam đẩy mạnh đầu tư đất đai, ông Hải "bật mí" là do các thầy phong thủy gợi ý. "Mấy thầy bảo tử vi của tôi không hợp lắm nhưng con tôi thì cả hai đều hợp với bất động sản. Lúc đó tôi mới mở rộng quỹ đất", ông nói.
Những năm 2010 - 2013, thị trường bất động sản chìm trong khó khăn. Tuy nhiên, chính trong giai đoạn này, Alphanam lại "làm ăn được". Có dự án, công ty bán chỉ trong vòng 2 tháng là hết hàng. Thành công này đã thúc đẩy quyết tâm đầu tư địa ốc của ông Nguyễn Tuấn Hải.
Ông Nguyễn Tuấn Hải và hai người con
Đến nay, Alphanam đã có trong tay danh mục dự án bất động sản có giá trị như: khu đô thị Văn hóa Mường Hoa (do liên danh Công ty cổ phần đầu tư Công viên văn hóa Mường Hoa và Công ty cổ phần dịch vụ và thương mại Đông Á làm chủ đầu tư - cả 2 pháp nhân ấy đều thuộc Alphanam) hay khu công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà (do Công ty cổ phần Đầu tư công viên văn hóa, thể thao, du lịch và đô thị hồ Thác Bà làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 4.980 tỷ đồng, quy mô hơn 2.594ha)...
Alphanam trong cuộc chuyển giao thế hệ F2
Để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao thế hệ, ông Nguyễn Tuấn Hải đã làm 5 điều: hoạch định tầm nhìn chiến lược - xây dựng hệ thống hoạt động tương thích - đào tạo những người kế thừa - xây dựng hệ thống tài chính tốt trong cuộc chuyển giao - khẳng định vai trò của sự tự nỗ lực.
Hiện nay, theo ông Nguyễn Tuấn Hải, ông chỉ còn tham gia vào khoảng 20% công việc ở Alphanam, còn lại 80% là do thế hệ F2 chịu trách nhiệm vận hành chính.
Đặc biệt, nhắc đến thế hệ F2 của Alphanam, những người quan tâm đến kinh doanh và bất động sản đều ấn tượng với Nguyễn Ngọc Mỹ - ái nữ của ông Nguyễn Tuấn Hải. Năm 2017, Nguyễn Ngọc Mỹ có tên trong danh sách 10 doanh nhân nữ kế cận của Forbes Việt Nam. Đến năm 2018, nữ giám đốc tiếp tục được Tạp chí Timeout vinh danh là 1 trong 10 người có tầm ảnh hưởng đến ngành du lịch Việt Nam.
Con gái Nguyễn Ngọc Mỹ của ông Nguyễn Tuấn Hải
Trong lĩnh vực bất động sản và khách sạn, Nguyễn Ngọc Mỹ khá giống với cha mình, cô luôn đặt ra nguyên tắc “làm bất cứ cách thức nào để mình có thể tồn tại".
Năm 2020, do đại dịch Covid-19, Alphanam gặp khó khăn lớn ở 2 mảng bất động sản và khách sạn. Tập đoàn tập trung trở lại mảng sản xuất công nghiệp. Theo đó, ngoài việc đầu tư thêm cho các nhà máy (mua máy móc, dây chuyền mới), Alphanam còn thành lập "The Best of Japan Home Center", gộp các khối lại với nhau: thang máy FujiAlpha, sơn Kansai-Alphanam, trung tâm Toto-Alphanam), tạo ra những combo sản phẩm, thuận lợi hơn cho việc bán hàng.