Con đường kinh doanh của Tập đoàn Nam Cường: Cơ ngơi nghìn tỷ trên vai hai người phụ nữ
Bà Lê Thị Thúy Ngà - "nữ tướng" trên thị trường bất động sản
Tập đoàn Nam Cường được thành lập năm 1984 với tên gọi ban đầu là Tổ hợp dịch vụ Vận tải vật tư nông nghiệp và xây dựng Xuân Thủy vào năm 1984. Đến tháng 12/2007, công ty mới đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường và tháng 8/2009 đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội với trụ sở đặt tại khu đô thị mới Hòa Vượng, tỉnh Nam Định. Tập đoàn Nam Cường do vợ chồng ông Trần Văn Cường và bà Lê Thị Thúy Ngà cùng điều hành và phát triển.
Vợ chồng bà Lê Thị Thúy Ngà trong chuyến công tác hồi tháng 11/2007
Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, Tập đoàn Nam Cường đã vững bước trong thị trường bất động sản và xây dựng được danh tiếng từ dự án khu đô thị Dương Nội. Thời điểm đó, không phải ai cũng đủ tầm nhìn về sự phát triển của khu tây Hà Nội, tức Hà Đông. Cho đến vài năm sau, Hà Đông bắt đầu có sự chuyển mình nhờ các quy hoạch nâng tầm đô thị, mở rộng hạ tầng giao thông, dự án khu đô thị Dương Nội trở nên đắt giá hơn bao giờ hết. Chính vì thế mà Tập đoàn Nam Cường được gọi với cái tên “ông lớn bất động sản Hà Đông”.
Năm 2010, Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường - ông Trần Văn Cường mắc bệnh nặng và qua đời, trách nhiệm giáo dục, nuôi dưỡng con cái và điều hành công ty do bà Lê Thị Thúy Ngà trực tiếp gánh vác.
Chân dung bà Lê Thị Thúy Ngà - Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường từ năm 2010 đến nay
Giống như nhiều doanh nghiệp tư nhân khác, Tập đoàn Nam Cường hoạt động theo mô hình công ty gia đình, bà Lê Thị Thúy Ngà là chủ tịch và con gái Trần Thị Quỳnh Ngọc đảm đương chức phó chủ tịch. Cuối năm 2016, vốn điều lệ của Nam Cường tăng lên mức 4.500 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ sở hữu của bà Ngà là 94%. Ngoài ra, giữ chức tổng giám từ năm 2014 đến nay do ông Trần Văn Nghĩa - em trai thứ 9 của ông Cường, đảm nhiệm. Tháng 4/2014, Tập đoàn Nam Cường có mặt trong danh sách top 20 gia đình kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam (theo Tạp chí Forbes Việt Nam).
Sau khi tiếp quản vị trí của chồng, bà Lê Thị Thúy Ngà đã chứng tỏ khả năng của mình khi tiếp tục phát triển những dự án nghìn tỷ ở các khu đô thị tại Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hải Phòng... và hàng loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng đồ sộ tại Phú Quốc,... Nhắc đến Tập đoàn Nam Cường và đại đô thị Dương Nội, người ta sẽ nghĩ ngay đến những dự án thành phần như Anland Complex, Anland Premium, Anland Lakeview; các tiểu khu biệt thự thấp tầng An Khang Villa, An Vượng Villa, An Phú Shop-villa... và các hệ sinh thái phục vụ đời sống nhân dân ở đại đô thị như công viên thiên văn học, hồ điều hòa Bách Hợp Thủy…
Một góc khu đô thị Dương Nội - Hà Đông - Hà Nội
Ngoài ra, Tập đoàn Nam Cường còn có những dự án đô thị khác như khu đô thị mới Cổ Nhuế - Hà Nội, khu đô thị mới Hòa Vượng và Thống Nhất ở thành phố Nam Định, khu văn hóa thể thao và đô thị mới phía Đông….
Thế nhưng, dù là trước đây hay hiện tại, rất ít khi bà Lê Thị Thúy Ngà xuất hiện với truyền thông và công chúng, những thông tin về bà chỉ xoay quanh các dự án bất động sản.
Nam Cường đang đứng đâu giữa những dự án nghìn tỷ?
Mặc dù nắm trong tay nguồn lực dồi dào với các dự án lớn và được giới bất động sản quan tâm, bà Lê Thị Thúy Ngà và Tập đoàn Nam Cường vẫn không lấy lại được sự huy hoàng của quá khứ.
Điển hình như việc triển khai xây dựng khu đô thị Dương Nội, mặc dù đã khởi công từ 2008 và liên tục gia hạn hoàn thiện, nhưng 13 năm qua, đại đô thị này vẫn còn nhiều lô đất trống chưa được triển khai thực hiện, một số dự án bên trong đại đô thị vẫn chưa được tiến hành...
Theo báo cáo kết quả kiểm tra hiện trạng của UBND TP. Hà Nội, các ô đất ở dự án khu đô thị mới Dương Nội đã hoàn thiện 60/169 lô; các lô đất còn lại chủ đầu tư đang triển khai hoặc chưa thi công. Các ô đất cây xanh, công trình công cộng chủ yếu là đất trống.
Nhiều lô đất còn để trống trong Khu Đô thị Dương Nội
Đặc biệt, hồi đầu năm, trong quá trình rà soát vi phạm đất đai, Hà Nội phát hiện nhiều dự án thuộc Tập đoàn Nam Cường vẫn còn đang “mắc cạn” ở các khu vực, cụ thể: chậm giải phóng mặt bằng dự án khu đô thị Chương Mỹ, Phú Nghĩa, Chương Mỹ do không còn phù hợp quy hoạch chung thị trấn Chúc Sơn; chậm giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm do vướng mắc công trình ngầm của Học viện Kỹ thuật quân sự.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo pháp luật với dự án xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam đoạn qua Thạch Thất và quyết định thu hồi khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai.
Liên quan đến những vụ việc trên và tình hình dự án, bà Lê Thị Thúy Ngà đều chưa đưa ra phát ngôn chính thức. Hiện tại, Nam Cường có một nguồn lực lớn, thế nhưng việc tiếp tục phát triển như một “ông lớn” trong thị trường bất động sản lại khiến người ta phải đặt dấu hỏi.
Tương lai của Nam Cường
Im lặng trước các lùm xùm, Nam Cường hiện đang tập trung đẩy mạnh dự án khu đô thị Mỹ Trung - Nam Định. Đây là khu đô thị lớn nhất tại Nam Định với tổng diện tích lên đến 206ha được chia làm 3 khu A, B, C với 606 căn biệt thự và 5.000 căn liền kề. Ngoài ra, Tập đoàn Nam Cường được cho sẽ vẫn tiếp tục mở rộng phát triển các dự án nghỉ dưỡng mới tại một số tỉnh thành trong cả nước.
Hy vọng của tập đoàn được đặt nhiều hơn vào "thế hệ F2" là phó chủ tịch Trần Thị Quỳnh Ngọc.
Phó Chủ tịch Trần Thị Quỳnh Ngọc trong Lễ trao giải Chủ đầu tư của năm 2016
Khi chỉ hơn 20 tuổi, bà Ngọc đã nắm giữ vị trí quan trọng trong hội đồng quản trị, cùng mẹ chèo lái cơ ngơi nghìn tỷ. Năm 2014, bà Ngọc kết hôn với ông Nguyễn Đức Thiện - con trai của một cựu cán bộ trong ngành giao thông vận tải. Đám cưới của bà được tổ chức theo nghi lễ Phật giáo tại chùa Quán Sứ (Hà Nội). Từ đó đến nay, hầu như không có những thông tin khác được hé lộ về gia đình trẻ này.