Nhếch nhác chung cư nghìn tỷ bỏ hoang, xót xa đất vàng bị lãng phí
Dọc các trục phố chính sầm uất, đang được coi là những tuyến phố "đất vàng" đô thị hóa nhanh của Hà Nội như Lê Văn Lương, Tố Hữu, Vạn Phúc, Trần Phú (quận Hà Đông), Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm), Nghĩa Tân, Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy)... không khó nhận thấy nhiều dự án tòa nhà chung cư, tổ hợp văn phòng, khu shophouse, bệnh viện... được xây dựng dở dang từ nhiều năm nay, nhưng hiện bị quây tôn bỏ hoang, mặt tiền nhếch nhác, lãng phí và mang đến nhiều phiền hà cho người dân sinh sống xung quanh.
Đơn cử như tổ hợp dự án Usilk City gồm 13 tòa nhà chung cư cao từ 25 – 50 tầng tọa lạc tại khu đô thị mới Văn Khê trên đường Tố Hữu (quận Hà Đông), trong đó, nhiều tòa nhà được xây dựng dở dang từ 4 - 10 tầng rồi bỏ hoang cả chục năm nay, giờ như các khối bê tông hoang lạnh bất động, cỏ lau mọc quá đầu người và khu vực xung quanh các dự án trở thành điểm tập kết xe rác, phế thải, chưa biết bao giờ được phục hồi.
Hay dự án chung cư Booyoung tại khu đô thị Mỗ Lao trên đường Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông) được cấp phép cho Công ty TNHH Booyoung Việt Nam khởi công từ năm 2007, dự kiến hoàn thành vào năm 2010, nhưng đến nay, sau hơn chục năm, ngoài 2 tòa nhà chung cư hoàn thành, phần còn lại của dự án chỉ là bãi đất trống cho cỏ mọc.
Một dự án nữa tại quận Hà Đông là chung cư cao cấp Golden Millennium Tower 39 tầng, có tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng trên đường Trần Phú. Khởi công năm 2009, nhưng dự án này hiện vẫn chưa hoàn thiện, bỏ hoang cạnh nhà ga Văn Quán. Mặc dù đã thi công xong phần khung bê tông thô, xây tường bao che, nhưng hiện nay, sự nhếch nhác bên ngoài dự án đang khiến dư luận bức xúc vì sự lãng phí đầu tư...
Đáng chú ý là dự án Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ trị giá 50 triệu USD bỏ hoang hơn 2 thập kỷ cạnh công viên Nghĩa Đô thuộc trung tâm quận Cầu Giấy. Khởi công từ năm 2006, đã hoàn thiện phần thô, với kỳ vọng trở thành bệnh viện quốc tế 5 sao hiện đại, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân Hà Nội, giúp giảm tải cho các bệnh viện lớn, nhưng dự án nghìn tỷ này sau hàng chục năm bỏ hoang, đang dần xuống cấp nghiêm trọng và “đóng băng” giữa khu đất “vàng” Thủ đô. Người dân sinh sống nơi đây đều ngao ngán trước cảnh hoang tàn trong khu vực dự án.
Hai dự án đã gây tốn bao giấy mực của báo chí thời gian qua là tòa nhà Apex Tower 30 tầng trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) được xây thô dở dang, bỏ hoang từ năm 2012 đến nay không hẹn ngày hoàn thiện và dự án tòa nhà điều hành, giao dịch của Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam trên đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy) cũng đã "trơ gan cùng tuế nguyệt" cả thập kỷ. Không chỉ xuống cấp, hai dự án này đang “biến tướng” nghiêm trọng bởi các dịch vụ nhếch nhác bên ngoài.
Tổ hợp dự án Usilk City gồm 13 tòa nhà chung cư cao từ 25 – 50 tầng dọc đường Lê Văn Lương kéo dài (quận Hà Đông) "chết yểu" sau khi xây dở dang từ 4 - 10 tầng từ chục năm trước, đang bỏ hoang, nhếch nhác.
Các tòa nhà xây dở dang 10 tầng trong tổ hợp dự án Usilk City hiện giờ là những khối bê tông hoang lạnh.
Dự án tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại và nhà ở QMS Tower 2 Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) theo kế hoạch sẽ bàn giao khách hàng từ quý II/2020, nhưng đến nay mới xây thô và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Bảng thông tin dự án tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại và nhà ở QMS Tower 2 Tố Hữu.
Qua tìm hiểu, hàng loạt dự án bất động sản có vị trí “đất vàng” giữa lòng Thủ đô được các chủ đầu tư “giấu mặt” thâu tóm, khởi công hoành tráng, xong đến nay bỏ hoang, không chỉ khiến dư luận bức xúc về sự lãng phí nguồn lực đầu tư đất công, mà còn khiến chính quyền các cấp cơ sở “đau đầu” xử lý.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như: Chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm; thủ tục phê duyệt dự án, quy hoạch, giấy phép xây dựng... kéo dài; thị trường thay đổi, dẫn đến thua lỗ; vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng…
Theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng thì sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, trên thực tế, số dự án được Nhà nước thu hồi hiện nay chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Hàng trăm dự án bỏ hoang, dự án “treo” đang rải khắp Thủ đô, khiến bộ mặt kiến trúc và quy hoạch đô thị của thành phố lộn xộn.
Lô đất dự án chung cư Booyoung tại khu đô thị Mỗ Lao, thi công được vài tầng thì dừng, bỏ hoang suốt gần chục năm qua trên phố Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông).
Dự án chung cư cao cấp Golden Millennium Tower khởi công năm 2009, nhưng hiện vẫn chưa hoàn thiện, bỏ hoang cạnh nhà ga Văn Quán trên đường Trần Phú (quận Hà Đông).
Cảnh nhếch nhác bên ngoài tường bao dự án Golden Millennium Tower trên mặt đường Trần Phú.
Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia xây dựng cho rằng, TP Hà Nội cần rốt ráo rà soát, xử lý hàng loạt dự án chiếm dụng "đất vàng" suốt nhiều năm rồi bỏ hoang. Thành phố cũng cần có sẵn đáp án cho bài toán sau thu hồi hoặc quyết định hủy bỏ các dự án gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị, tránh trường hợp thu hồi đất xong lại để nhiều năm không sử dụng, sẽ tiếp tục gây lãng phí tài nguyên đất; đồng thời, ban hành chế tài xử phạt nặng đối với chủ đầu tư, nhằm tăng cường quản lý đầu tư công và loại bỏ nhà đầu tư yếu kém.
“Việc thu hồi các dự án đã có đầu tư hạ tầng cơ bản không dễ, nhưng phải kiên quyết thu hồi mới phát hiện ra được tham nhũng, lãng phí nằm ở đâu trong quá trình giao đất trước đây. Việc thu hồi càng chậm, thì Nhà nước càng thất thu ngân sách từ sử dụng đất tại dự án đó. TP Hà Nội và các địa phương có dự án bỏ hoang, chậm triển khai, cần cân nhắc việc áp thuế sử dụng đất cao, nhằm đảm bảo Nhà nước sẽ thu được ngân sách và không phải tốn nguồn lực giải quyết hậu quả”, GS. TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định.
Tòa nhà điều hành và giao dịch Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam trên đường Phạm Hùng (quận Cầu Giấy) đã "trơ gan cùng tuế nguyệt" cả thập kỷ nay.
Tòa nhà Apex Tower 30 tầng trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm) được xây thô dở dang và bỏ hoang từ năm 2012 đến nay không hẹn ngày hoàn thiện. Không chỉ xuống cấp, dự án đang “biến tướng” nghiêm trọng bởi các dịch vụ nhếch nhác.
Chung cư Hà Nội Landmark 51 trên đường Vạn Phúc (quận Hà Đông) được bàn giao năm 2017, nhưng sau khi cất nóc đã dừng thi công, bỏ không, được trưng dụng làm bãi gửi xe và chưa biết khi nào tái khởi động.
Xót xa Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ trị giá 50 triệu USD, đã bỏ hoang hơn 2 thập kỷ trên phố Chùa Hà, đối diện công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy).
Cảnh hoang tàn, lãng phí đất vàng bên trong sân bệnh viện bỏ hoang.
Theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết. Luật Đầu tư cũng quy định, chủ đầu tư dự án bất động sản phải ký quỹ để đảm bảo tiến độ xây dựng dự án và bàn giao khách hàng.
Đã đến lúc các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, địa phương cần phải có cơ chế đủ mạnh và biện pháp cương quyết để ngăn chặn tình trạng chủ đầu tư, doanh nghiệp bất động sản ôm “đất vàng” rồi bỏ hoang hoặc thi công không “tới nơi tới chốn”, gây ảnh hưởng tới người dân và bộ mặt đô thị.