'Đại gia' Singapore cùng 2 doanh nghiệp Việt làm dự án điện gió 3.500 tỷ tại Kon Tum
UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà máy điện gió Kon Plông tại thị trấn Măng Đen và xã Măng Cành, huyện Kon Plông.
Theo đó, có 3 nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án này, bao gồm: LRVN Wind Pte.ltd (Singapore), Công ty TNHH Quốc tế NOVA, Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát.
Dự án có công suất thiết kế là 103,5 MW, được đấu nối vào lưới điện quốc gia với sản lượng điện ròng 260.182 MWh điện/năm. Quy mô kiến trúc xây dựng là 36,04ha, gồm các hạng mục như móng tua-bin, khu vực thi công tua bin, đường, móng cho đường dây 33kV, móng cho đường dây 220kV, trạm biến áp 033/220kV, nhà điều hành, trạm cắt 220kV.
Tổng diện tích chiếm đất dự kiến sử dụng của dự án là 66,04ha, trong đó diện tích chiếm đất có thời hạn 36,04ha; diện tích chiếm đất tạm thời 30ha.
Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 3.500 tỷ đồng (tương đương 152,86 triệu USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 525 tỷ đồng (tương đương 22 triệu USD), chiếm 15 % tổng mức đầu tư; vốn huy động là 2.975 tỷ đồng (tương đương 130 triệu USD), chiếm 85% tổng mức đầu tư.
Cơ cấu góp vốn của nhà đầu tư bao gồm: LRVN Wind Pte.ltd góp 440,3 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 88,3%); Công ty TNHH Quốc tế NOVA góp 21,1 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 4,03%) và Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát góp 63,4 tỷ đồng (chiếm 20,9%).
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất.
Tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2023; trong đó tiến độ chuẩn bị đầu tư, hoàn thành các thủ tục pháp lý sẽ bắt đầu từ tháng 7/2021 đến tháng 8/2022; tiến độ khởi công công trình sẽ từ tháng 8 - 10/2022; tiến độ xây dựng các hạng mục công trình sẽ từ tháng 10/2022 đến tháng 2/2023; tiến độ hoàn thành dự án đưa vào hoạt động sẽ từ tháng 2 - 4/2023.
UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu nhà đầu tư có trách nhiệm triển khai thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, nội dung, tiến độ cam kết; tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, đất đai, rừng, môi trường, khoáng sản, lao động, nghĩa vụ tài chính và các quy định khác có liên quan; bảo đảm an ninh trật tự, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự tại địa phương.
Cùng với đó, nhà đầu tư phải liên hệ với các tổ chức, hộ gia đình có diện tích đất chồng lấn để thực hiện thỏa thuận bồi thường làm cơ sở triển khai thủ tục đất đai theo quy định theo đúng tiến độ được phê duyệt;thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật trước khi thực hiện dự án, riêng phần diện tích rừng tự nhiên phải được Thủ tướng chính phủ chấp thuận, phê duyệt...
Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 17 cụm dự án nhà máy điện gió đã triển khai nghiên cứu, đề xuất đầu tư từ nguồn kinh phí của các doanh nghiệp với tổng công suất khoảng 2.000MW.