Con đường kinh doanh của ông Phạm Đình Đoàn: Đại gia bán lẻ và tham vọng địa ốc
Đặt nền móng cho mô hình bán lẻ hiện đại Việt Nam
Ông Phạm Đình Đoàn, sinh năm 1964, là gương mặt quen thuộc với giới kinh doanh Hà Nội. Bên cạnh vai trò chủ tịch HĐQT Phú Thái Holdings, ông Đoàn còn từng đảm nhiệm hàng loạt cương vị như: chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, phó chủ tịch Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp gia đình Việt Nam… Đặc biệt, ông Đoàn là đại biểu HĐND TP. Hà Nội 2 nhiệm kỳ liên tiếp (2015 – 2020 và 2021 – 2026).
Ông Đoàn được coi là một trong những người khai phá và đặt nền móng cho mô hình bán lẻ hiện đại Việt Nam. Ý tưởng áp dụng những hệ thống phân phối chuyên nghiệp của tư nhân tại Việt Nam được ông Đoàn ‘hoài thai’ trong quá trình học tập tại Thái Lan và Pháp.
Cụ thể, trong thời gian học tại nước ngoài, ông nhận ra tiềm lực của cá nhân rất mạnh, cả một hãng sản xuất ô tô, một bệnh viện, một nhà hàng, siêu thị lớn… đều thuộc quyền sở hữu của tư nhân, do tư nhân điều hành. Việc phân phối hàng hoá trong các siêu thị mặc dù của tư nhân, nhưng được vận hành, phân phối rất chuyên nghiệp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những hệ thống phân phối chuyên nghiệp đó đã giúp ông Đoàn hình thành ý tưởng thành lập mô hình kinh doanh tin cậy cho người tiêu dùng tại Việt Nam.
Năm 1993, ông Đoàn đã hiện thực hóa ý tưởng khi thành lập Công ty TNHH Phú Thái với số vốn ban đầu là 3.000 USD và hơn 10 thành viên. Đơn vị này hoạt động trong lĩnh vực thương mại, kinh doanh và phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng của một số tập đoàn lớn trên thế giới như P&G, Frieslandcampina, Cuckoo, Kewpie, Paloma.
(Một số thương hiệu do Phú Thái Group phân phối)
Qua hàng chục năm phát triển, công ty lớn mạnh lên, đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái (Phú Thái Group). Đến nay, Phú Thái Group có khoảng 20 công ty thành viên, trung tâm phân phối, kho vận và hơn 2.000 nhân viên.
Vào năm 2012, thị trường xôn xao khi ông Phạm Đình Đoàn chuyển nhượng 65% cổ phần Phú Thái Group cho tập đoàn bán lẻ Thái Lan Berli Jucker (BJC). Thương vụ này được thực hiện sau nỗ lực bắt tay bất thành với 3 đại gia trong ngành bán lẻ (gồm Hapro, Satra và Saigon Co.op) để tạo nên thương hiệu riêng cho chuỗi đại siêu thị VDA vào năm 2007.
Ông Đoàn sau đó "phân trần" với báo giới rằng Phú Thái Group chỉ là một trong số 6 công ty con của Phú Thái Holdings - nơi ông Đoàn hiện sở hữu 90% và đang giữ vị trí chủ tịch HĐQT. Mặt khác, Phú Thái Group không chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của Phú Thái Holdings. Ví dụ năm 2015, doanh số của Phú Thái Group chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng, chiếm 25% trong tổng số hơn 10.000 tỷ đồng doanh thu của Phú Thái Holdings, lợi nhuận cũng chỉ chiếm 5-10%.
Ngoài ra, trước và sau thương vụ này xảy ra, ông Đoàn cũng đã kịp xây dựng một hệ sinh thái trong Phú Thái Holdings, gồm nhiều doanh nghiệp có thể kể đến như: Công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Phú Thái, Công ty Cổ phần Thời trang Kowil Việt Nam, Công ty TNHH Thiết bị công nghiệp Phú Thái, Công ty Cổ phần Chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp Phú Thái.
Bắt tay với đối tác ngoại
Một điểm đáng chú ý trong câu chuyện kinh doanh của ông Phạm Đình Đoàn là kế hoạch bắt tay với các đối tác nước ngoài.
Một ví dụ điển hình là Công ty Cổ phần Thời trang Kowil - công ty sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang với hơn 1.000 cửa hàng các nhãn hiệu Owen, Winny, Wonnerful mà Phú Thái Holdings nắm trên 50% cổ phần, đối tác ngoại lớn là một doanh nghiệp của Nhật Bản trong lĩnh vực dệt may - Itochu.
Trong kế hoạch bắt tay với người Nhật của Kowil, chủ tịch Phú Thái Holdings kỳ vọng nâng giá trị Kowil lên tới hơn 100 triệu USD.
(Thương hiệu Owen của Công ty Cổ phần Thời trang Kowil)
Một trường hợp khác là Phú Thái Holdings đang sở hữu 60% cổ phần tại Công ty TNHH Công nghiệp Phú Thái (Phú Thái CAT), công ty chuyên phân phối, lắp ráp máy cho hãng Caterpillar - nhà sản xuất lớn nhất thế giới về máy móc và thiết bị của Mỹ.
Tháng 5/2017, Phú Thái Holdings và Caterpillar đã ký hợp tác chiến lược cho giai đoạn phát triển tới của Phú Thái CAT, tiếp tục khẳng định hướng đi là nhà phân phối hàng công nghiệp chuyên dụng.
Giải thích với thị trường, người đang sở hữu tới 90% Phú Thái Holdings gọi đó là “chiến lược ‘phát triển trên vai người khổng lồ’". Mục tiêu của chiến lược này, theo ông Đoàn, không phải là tiền mà là công nghệ, thị trường và sự chuyên nghiệp trong quản trị.
Lấn sân sang lĩnh vực bất động sản
Như đa phần các doanh nghiệp Việt Nam, khi làm ăn tốt sẽ lấn sân sang làm bất động sản, ông Phạm Đình Đoàn cũng không ngoại lệ. Cách đây ít lâu, ông Đoàn đã có những động thái đầu tiên trong lĩnh vực bất động sản với 2 dự án khu đô thị tại thành phố Thanh Hóa.
Cụ thể, Phú Thái Holdings đã có lời đề nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tài trợ chi phí khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 tại 2 dự án khu đô thị mới Quảng Tâm và khu đô thị mới Đông Cương thuộc thành phố Thanh Hóa. Tuy nhiên, lời đề nghị này đã bị UBND tỉnh Thanh Hóa bác bỏ.
Trên thực tế, không phải đến bây giờ ông Phạm Đình Đoàn mới nhảy vào địa ốc. Cuộc chơi đã bắt đầu từ trước đó 13 năm, khi Công ty Cổ phần Bất động sản Phú Thái ra đời, năm 2008.
Doanh nghiệp này đóng trụ sở tại phố Thái Thịnh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội – “đại bản doanh” của các doanh nghiệp “họ” Phú Thái. Vốn điều lệ đến hết năm 2019 là 30 tỷ đồng. Dù được thành lập đã lâu, song hoạt động của công ty này khá trầm lắng.
Như vậy có thể thấy, mặc dù có tham vọng lấn sân lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên, ông chủ Phú Thái vẫn còn phải làm rất nhiều việc nếu muốn trở thành một tên tuổi trong mảng kinh doanh này.