Đời sống   •   Thứ hai, 01/11/2021, 11:52 AM

Con đường kinh doanh của chủ tịch Xuân Trường - đại gia của những siêu dự án tâm linh

Doanh nhân Nguyễn Văn Trường được biết đến với những siêu dự án tâm linh như chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc... có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Tỷ phú đất Ninh Bình

Ninh Bình là vùng đất sinh ra nhiều tỷ phú như: ông Nguyễn Đức Thụy - chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành, ông bầu của 2 đội bóng Sài Gòn Xuân Thành và Bảo hiểm Thái Sơn Quảng Nam; ông Hoàng Mạnh Trường - chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai Ninh Bình hay ông Nguyễn Văn Trường - tổng giám đốc doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.

Đại gia Nguyễn Văn Trường (áo xanh đứng bên phải)

Nhắc đến những tỷ phú khác, người ta dễ dàng tìm thấy thông tin trên báo chí, mạng xã hội, từ chuyện cá nhân tới chuyện công ty, còn riêng ông Nguyễn Văn Trường, lượng thông tin là vô cùng ít ỏi, chỉ xoay quanh chuyện ông làm các dự án tâm linh ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Trường sinh năm 1964 tại thôn Chi Phong, xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Theo thông tin từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường được thành lập và cấp phép từ năm 1993, hiện hoạt động trong các lĩnh vực thi công hạ tầng kỹ thuật, xây dựng công trình, tổ chức hoạt động du lịch và dịch vụ liên quan, đầu tư bất động sản...

Ngoài chức vụ tổng giám đốc tại Xuân Trường, ông Trường còn đảm nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Hoa Lư (đơn vị vận hành khu du lịch Hoa Lư Ninh Bình); giám đốc khách sạn Hoa Lư.

Dù kín tiếng về đời tư nhưng ông Trường rất nổi danh trong việc triển khai những dự án tâm linh. Ông là một doanh nhân có tiếng, đã đạt được danh hiệu "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu" và Cúp Vàng hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, ông giữ vai trò ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khóa V.

Năm 2006 có thể coi là năm nở rộ của Xuân Trường khi doanh nghiệp và ông Trường được đông đảo người dân biết đến thông qua dự án quần thể khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính. Dự án được khởi công vào năm 2006, kết hợp trùng tu khu chùa Bái Đính cổ và xây khu chùa Bái Đính mới.

Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, sau khi phê duyệt dự án vào năm 2003, tỉnh Ninh Bình giao cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch là chủ đầu tư với các hạng mục về giải phóng mặt bằng, đường giao thông, cơ sở hạ tầng, cây xanh. Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường là chủ đầu tư các hạng mục làm chùa, tạc tượng, đúc chuông.

Chùa Bái Đính, Ninh Bình

Chùa Bái Đính có quy mô 1.700ha, bao gồm 80ha khu chùa Bái Đính mới và 27ha khu chùa Bái Đính cổ. Khu chùa nằm ở phía bắc quần thể danh thắng Tràng An, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15km và cách Hà Nội 95km.

Chùa Bái Đính nổi tiếng với những kỷ lục châu Á như tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, chuông đồng lớn nhất Việt Nam nặng 36 tấn, chùa rộng nhất Việt Nam 539ha, khu chùa có hành lang La Hán 3km dài nhất châu Á, khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam với 500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m, khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam. Và đây cũng là khu chùa có số cây bồ đề nhiều nhất Việt Nam, 100 cây bồ đề được chiết từ cây bồ đề Ấn Độ.

Hành lang La Hán ở khu chùa Bái Đính

Tính đến năm 2018, chùa Bái Đính đã hoàn thiện được khoảng 10 hạng mục và vẫn còn hơn 10 hạng mục nữa, dự kiến sau khi hoàn tất quá trình xây dựng, trùng tu, chùa Bái Đính sẽ còn có nhiều "cái nhất" không chỉ với Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á.

Năm 2010, ông Trường chi 100.000 USD, đích thân sang Ấn Độ đón ngọc xá lợi về Việt Nam. Ở Nội Bài, ông đã thuê 3 chiếc siêu xe Limousine, Hummer, Lincoln để chở ngọc xá lợi và cao tăng về Ninh Bình. Đây là lần thứ hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức đại lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật trên quy mô lớn và cũng là lần đầu tiên đón xá lợi Phật từ nước ngoài về. Đại lễ đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là “Đại lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật lớn nhất Việt Nam” với sự tham dự của hơn 15.000 người và trên 1.000 xe dự lễ rước.

Xuân Trường cũng được biết đến đã trúng thầu và đang thi công dự án cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn chiều dài hơn 15,2km, tổng mức đầu tư 1.607 tỷ đồng, chuẩn bị gấp rút hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng. Đây được xem là tuyến đường có vai trò kết nối các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giúp Ninh Bình và Nam Định phát triển cả về kinh tế lẫn du lịch.

Là người con của mảnh đất cố đô Hoa Lư, những hoạt động diễn ra tại đây đều được ông đề xuất tài trợ, đầu tư và luôn hướng tới phát triển Ninh Bình trở thành một điểm đến du lịch và tâm linh, không chỉ dành cho những người muốn tham quan thắng cảnh mà còn dành cho các phật tử trên cả nước đến dâng hương.

Người xây chùa nhiều nhất Việt Nam

Quần thể khu danh thắng Tràng An - chùa Bái Đính là dự án đầu tay và mang đến tên tuổi cho ông Nguyễn Văn Trường, nhưng đây không phải là dự án tâm linh duy nhất của Xuân Trường tại Việt Nam. Tự coi bản thân là một phật tử và hướng về những giá trị Á Đông với tín ngưỡng đạo Phật, ông Trường đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho nhiều dự án xây dựng khu du lịch kết hợp với xây chùa, tạc tượng.

Cùng trong năm 2006, khi dự án chùa Bái Đính vẫn đang trong quá trình triển khai thì tại Hà Nam, ông đã nhận được phê duyệt quy hoạch khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, tổng diện tích 5.100ha.

Khu du lịch Tam Chúc

Trước khi ra mắt, không ai biết đến có một khu chùa lớn tiếp theo tại Hà Nam sắp được xây dựng trong suốt hơn 10 năm. Nếu chùa Bái Đính là một khu chùa lớn, có không khí tâm linh tráng lệ như bước vào điện Phật thì Tam Chúc là điển hình của tổng thể các không gian thờ cúng với các tháp chùa, hàng ngàn tượng Phật, động Vòng, động Cô Đôi, chùa Thiên Phúc và khu vườn Phật 300ha.

Dự án được chia làm 6 khu chức năng: khu trung tâm đón tiếp (tiếp giáp bờ bắc hồ Tam Chúc), khu văn hóa tâm linh Tam Chúc (chân núi Thất Tinh và Thung Vạc), khu bảo tồn tự nhiên Quền Vồng và hồ Tam Chúc, khu nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe và du lịch cộng đồng Tam Chúc, khu sân golf Kim Bảng và hồ Ba Hang, trung tâm dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khu du lịch.

Dự án cũng được kỳ vọng sẽ đón 3,7 triệu lượt khách vào năm 2025, khoảng 6 triệu lượt khách vào năm 2030 với mức tổng thu dự kiến các năm 2025 và 2030 lần lượt là 1.100 tỷ đồng và 1.700 tỷ đồng.

Thực tế, năm 2019, dù còn đang trong quá trình xây dựng dang dở nhưng ngôi chùa vẫn thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan mỗi ngày. Đặc biệt vào đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh vừa mới khả quan hơn, ngôi chùa đã chật kín người đến tham quan, chụp ảnh và người đi dâng hương.

Thành công của khu di tích Tràng An - chùa Bái Đính cũng mang đến cho ông Trường sự chào đón ở nhiều tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Năm 2016, ông Trường triển khai dự án hồ Núi Cốc tại tỉnh Thái Nguyên với tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng. Vùng thực hiện dự án thuộc địa bàn 10 xã, thị trấn của 3 địa phương là thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và huyện Đại Từ. Phần quy hoạch sử dụng đất được ghi nhận khoảng 18.940ha, trong đó hồ Núi Cốc có diện tích khoảng 2.500ha.

Với dự án này, ông Trường tham vọng xây dựng tháp Phật giáo lớn nhất thế giới với chiều cao 150m. Nền móng tháp có chiều rộng 10.000m2, có thể chứa được 5.000-10.000 người trong cùng một thời điểm.

Tuy nhiên, việc ôm đồm quá nhiều dự án có lẽ là nguyên do khiến cho Xuân Trường gặp vấn đề khi triển khai các dự án cùng lúc. Trước đó, vào năm 2015, ông Trường từng đề xuất làm dự án khu du lịch đảo Cái Tráp tại Hải Phòng với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, không hề kém các khu du lịch tâm linh khác. Dự án đã được lãnh đạo thành phố Hải Phòng nhất trí với đề xuất và ý tưởng. Song đến năm 2019, UBND thành phố Hải Phòng đã hủy bỏ thông báo chủ trương chấp thuận đầu tư bởi doanh nghiệp chậm trễ trong việc đề xuất kế hoạch triển khai dự án.

Giữa năm 2018, ông Trường cũng gây xôn xao dư luận khi đề xuất với UBND thành phố Hà Nội về xây dựng khu du lịch Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) với quy mô khoảng 1.000ha, tổng mức đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng. Theo đó, khu du lịch tâm linh này sẽ có các hạng mục như nạo vét dòng chảy từ khu vực suối Yến để tạo tuyến đường thủy dài khoảng 20km nối với khu du lịch tâm linh Tam Chúc (Hà Nam); khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực, xây dựng một tháp cao 100m để thờ xá lợi Phật mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế, kèm theo hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng…

Theo lời của ông Trường, việc đề xuất này bắt nguồn từ ý tưởng “con đường tâm linh”, kết nối các khu chùa, khu di sản. Nói theo cách của những người theo đạo Phật, đó là con đường hành hương của các tín đồ. Đề án “con đường tâm linh” sẽ kết nối khoảng 10 di sản cổng Tam Quan, chùa Vàng, khu quần thể danh thắng Tràng An, cố đô Hoa Lư - động Am Tiêm, khu tâm linh chùa Bái Đính, khu bảo tồn ngập nước Vân Long, chùa Tam Chúc, chùa Hương, chùa Quan Sơn, di tích lịch sử Hoàng thành Thăng Long.

Liên quan đến dự án, nhiều người dân ở khu vực phụ cận đã bày tỏ quan điểm của mình rằng không muốn dự án này được triển khai vì sẽ ảnh hưởng đến linh mạch của khu vực chùa Hương. Thêm vào đó, khi ông Trường nói dự án chỉ nằm ngoài rìa của chùa Hương, một số ý kiến phản bác rằng toàn thể khu vực chùa đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, không chỉ có chùa Hương mà còn bao gồm tất cả các danh thắng xung quanh.

Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng, cần phải quy hoạch cẩn trọng để không làm ảnh hưởng tới tính chất lịch sử và linh thiêng của di tích. Chủ tịch UBND xã Hương Sơn đề cập, hiện cũng có một đơn vị theo đuổi dự án ở Hương Sơn đã gần 10 năm, việc dự án chồng dự án rất đáng lo ngại và cần chờ quyết định của các cấp.

Ngoài ra, ông Trường còn quan tâm đến việc xây dựng công trình Phật giáo ở khu vực Trường Sa. Theo thống kê ông đang là doanh nhân đạt kỷ lục về số lần và thời gian ra Trường Sa, với nhiều lần lên tàu vượt biển, khảo sát, thiết kế tham gia lập phương án thi công, vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng, gỗ, tượng, chuông, đồ thờ từ đất liền ra đảo. Hiện tại, ở Trường Sa, các chùa Trường Sa Lớn, chùa Sinh Tồn, chùa Nam Yết, chùa Sơn Ca, chùa Phan Vinh, chùa Song Tử Tây đã có diện mạo mới và luôn văng vẳng tiếng chuông.

Liên quan đến việc ông Trường liên tục làm dự án tâm linh, nhiều người cho rằng ông đang lấy hoạt động tâm linh để tạo lợi ích. Đáp trả lại những ý kiến trái chiều đó, ông nói rằng, sau khi xây dựng và trùng tu, các công trình đều do Giáo hội Phật giáo quản lý chứ doanh nghiệp không kinh doanh thu lợi.

Thời gian gần đây, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng định hướng phát triển của Xuân Trường vẫn không hề thay đổi, tiếp tục tập trung vào những tỉnh thành trên cả nước mạnh về chùa chiền, để phát triển không gian du lịch tâm linh.

Trong tháng 9/2021 vừa qua, ông Nguyễn Văn Trường đã đề xuất ý tưởng phương án tôn tạo, xây dựng khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long với các lãnh đạo tỉnh Hải Dương. Dự án sẽ có tổng diện tích 2.000ha. Doanh nghiệp Xuân Trường cũng cam kết sẽ đầu tư gần 10.000 tỷ đồng với thời gian 10 năm vào khu du dịch. Khi đưa vào khai thác, khu du lịch sinh thái hồ Thanh Long sẽ góp phần cải tạo mỹ quan khu vực, là điểm kết nối, làm nổi bật khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc và đón khoảng 10 triệu khách mỗi năm…

Người đồng hành hơn nửa cuộc đời

Đồng hành cùng ông Nguyễn Văn Trường trong suốt cuộc hành trình tôn tạo và xây dựng những khu du lịch tâm linh là người vợ quá cố Phạm Thị Lan. Bà Phạm Thị Lan (1961 - 2018, quê xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) hay còn gọi là cư sĩ Phật tử Diệu Liên, là người có công lớn trong việc tôn tạo, xây dựng và quản lý quần thể danh thắng Tràng An - Bái Đính và hàng loạt các dự án tâm linh khác.

Trong khu vực tầng 2 đền Tứ Ân của quần thể chùa Tam Chúc có đặt tượng thờ và bảng ghi công đức của bà. Ở hành lang dẫn vào khu vực thờ có treo rất nhiều bức ảnh bà Phạm Thị Lan tại các điểm chùa mà bà góp công xây dựng.

Bên ngoài đền Tứ Ân

Về việc thờ cúng vợ của ông Trường tại khu vực này, có rất nhiều ý kiến không đồng tình bởi theo giáo lý của nhà Phật, trong chùa chỉ thờ Quan thế âm Bồ tát và Phật tổ Như Lai, còn đối với người tu hành thì còn phải chịu tứ ân: ân quốc gia xã hội; ân cha mẹ; ân đà na thí chủ (người nuôi dưỡng, chu cấp) và cuối cùng là ân thầy tổ.

Đồng thời nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tách bạch hai nơi thờ Phật và thờ Tứ Ân riêng biệt nhau. Chùa là nơi du khách, Phật tử đến chiêm bái lễ Phật còn khu vực thờ Tứ ân chỉ để tham quan.

Thượng tọa Thích Minh Quang giải thích rằng, "tại chùa Tam Chúc, cư sĩ Diệu Liên đã góp công kiến tạo xây dựng chùa nên các thầy quyết định đưa cư sĩ vào thờ tại đền Tứ Ân là điều bình thường". Bên cạnh đó, việc thờ hậu những người có công xây dựng là chuyện bình thường ở các chùa tại Việt Nam, và việc có những ý kiến như thế là do nhiều người chưa hiểu hết được sự việc.

Liên quan đến xây dựng khu du lịch tâm linh, Xuân Trường cũng nhiều lần bị Kiểm toán Nhà nước điểm tên do chậm chạp nộp thuế phí và nợ đọng tiền thuê đất. Theo báo cáo kiểm toán, từ thời điểm UBND tỉnh Ninh Bình cho thuê đất năm 2007 đến nay, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường chưa thực hiện nộp tiền thuê đất vào ngân sách nhà nước. Tổng số tiền thuê đất phải nộp tính đến hết năm 2018 cơ quan thuế xác định là hơn 25,7 tỷ đồng, trong đó tiền thuê đất là hơn 15,6 tỷ đồng và tiền chậm nộp là hơn 10,1 tỷ đồng.

Nhiều năm liền, doanh nghiệp này cũng không nộp báo cáo tài chính. Từ 2014 - 2017, Xuân Trường không nộp quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định. Cụ thể: năm 2014, doanh nghiệp viện lý do bận đang thi công nhiều công trình; năm 2015 vì bận xây chùa ở Hoàng Sa, Trường Sa.; năm 2018, 2019 vì các lý do đang xây dựng quần thể chùa Tam Chúc phục vụ đại lễ Phật đản.

Đặng Quyên

Chặng 2 Cuộc đua xe đạp Về Điện Biên Phủ - 2024 Cúp Báo Quân Đội nhân dân: Tay đua áo lính giành chiến thắng

Đời sống   •   Thứ năm, 02/05/2024, 13:06 PM
Sáng 2/5 đoàn đua bước vào thi đấu chặng thứ hai từ Hà Nội đi TP.Hòa Bình và về đích tại Huyện Mai Châu (Hoà Bình) dài 132 km, với 6 tay đua mạnh về đường đèo đã chinh phục thành công 12 km để lên đến đỉnh đèo Phú Cường và về đích đến trước tiên, tay đua trẻ của đội Quân Đội - Phạm Lê Xuân Lộc đã xuất sắc rút thắng trước Nguyễn Hoàng Sang (Đồng Nai) ngay tại đích đến, về nhất với thành tích 3h 10’05” - tốc độ trung bình 41, 666 km/h, qua đó giành luôn các danh hiệu áo vàng, áo xanh, áo chấm đỏ và áo trắng sau 2 chặng.

Cuộc đua xe đạp “Về Điện Biên Phủ 2024” - Cúp Báo Quân Đội Nhân Dân: Cuộc chiến giành cho các tay đua nội

Đời sống   •   Thứ tư, 01/05/2024, 13:53 PM
Giải sẽ khai mạc vào chiều 01/5 tại trước bờ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) với sự tham dự của 70 tay đua thuộc 10 đội đua mạnh trong nước: Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quân Đội, TP.HCM Vinama, Đồng Nai, Nhựa Bình Minh Bình Dương, 620 Châu Thới Vĩnh Long, Dược Domesco Đồng Tháp và Tập đoàn Lộc Trời An Giang.

Kết thúc Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh cúp truyền hình TP.HCM lần thứ 36 năm 2024:Petr Rikunov giành áo vàng và xanh chung cuộc, TP.HCM nhất đồng đội

Đời sống   •   Thứ ba, 30/04/2024, 14:23 PM
Giải đã kết thúc tốt đẹp vào trưa 30/4 tại trước Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) sau khi đoàn đua thi đấu chặng 25 từ TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) đi về TP.HCM dài 163 km, với nỗ lực của thoát đi của tay đua Phạm Nguyễn Quốc Khang (Pelio Kenda Đồng Nai) khi nỗ lực đi hơn 100 km, và chỉ bị tốp đông kéo tốp bắt lại khi còn cách đích đến 10 km. Ê kíp Vĩnh Long đã có chặng đua cuối thành công khi làm đầu máy kéo để đưa tay đua chủ lực Martin Laas (620 Châu Thới Vĩnh Long) rút thắng trước tốp đông ngay tại đích đến, về nhất với thành tích 3h 50”47” - tốc độ trung bình 42, 377 km/h.

Chặng 24 Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh cúp truyền hình TP.HCM lần thứ 36 năm 2024: Ê kíp Đồng Tháp giành chiến thắng tại quê nhà

Đời sống   •   Thứ hai, 29/04/2024, 15:19 PM
Sáng 29/4, đoàn đua thi đấu chặng 24 từ TP.Long Xuyên đi TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) dài 90 km, với nỗ lực của thoát đi của ba tay đua thuộc hai ê kíp Đồng Nai và Quân Khu 7 để giành được thứ hạng tại hai giải thưởng dọc đường. Quyết tâm của ê kíp Đồng Tháp đã thành công khi đã làm đầu máy kéo tốp đông để bắt lại ba tay đua đi đầu khi còn cách đích đến gần 20 km, qua đó đưa tay đua chủ lực Trần Tuấn Kiệt (Dopagan Đồng Tháp) về vị trí thuận lợi và xuất sắc rút thắng trước tốp đông ngay tại đích đến, về nhất với thành tích 2h 10”33” - tốc độ trung bình 41, 363 km/h.

Chặng 23 Cuộc đua xe đạp toàn quốc tranh cúp truyền hình TP.HCM lần thứ 36 năm 2024: Petr Rikonov giành chiến thắng chặng lần thứ 10 ngay tại sân nhà

Đời sống   •   Chủ nhật, 28/04/2024, 12:58 PM
Sáng 28/4, đoàn đua thi đấu tiếp chặng 23 từ TP.Cần Thơ đi TP.Long Xuyên (An Giang) dài 77 km, với nỗ lực của 4 tay đua thuộc hai ê kíp Đồng Nai và Đồng Tháp tấn công để thoát đi để giành được thứ hạng tại giải thưởng dọc đường. Ê kíp An Giang đã làm đầu máy kéo tốp để bắt lại tốp đi đầu và đưa đoàn đua về đích cùng nhau để tranh chấp thứ hạng. Tay đua áo vàng Petr Rikunov (Tập đoàn Lộc Trời An Giang) đã có lần thứ 10 giành chiến thắng tại sân nhà khi rút thắng trước đối thủ Martin Laas (620 Châu Thới Vĩnh Long), về nhất với thành tích 1h 49’54” - tốc độ trung bình 42, 038 km/h.