Cảnh hoang tàn của Hãng phim truyện Việt Nam sau 9 năm cổ phần hoá
Theo tìm hiểu, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) chính thức ra đời từ bộ phim truyện đầu tiên 'Chung một dòng sông' sản xuất năm 1959.
Nằm trên mảnh đất vàng tại số 4 Thụy Khuê rộng tới 5000m2 nhưng Hãng phim truyện Việt Nam gần 60 năm nay không có quyền sử dụng mảnh đất này mà chỉ là đất đi thuê. Cơ sở vật chất của Hãng nhiều năm qua xuống cấp trầm trọng. Gần đây Hãng phim truyện Việt Nam không sản xuất nổi 1 phim mỗi năm và hiện có 85 người hiện đang ghi tên trong bảng lương.
Khi tiến hành cổ phần hóa, Hãng phim truyện Việt Nam được định giá giá trị thương hiệu bằng 0, bởi hãng chưa bao giờ có lãi.
Đạo diễn Vương Đức giữ vị trí giám đốc cuối cùng ở Hãng phim truyện Việt Nam, trước khi hãng thực hiện cổ phần hóa. Trao đổi với báo chí vào thời điểm chuyển giao hãng phim cho doanh nghiệp, đạo diễn Vương Đức nói: “Khi định giá, giá trị doanh nghiệp của hãng là 20 tỷ đồng, giá trị thương hiệu bằng 0.
Giá trị thương hiệu ở đây không tính bằng phim, mà tính theo luật doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp có lãi mới được tính giá trị thương hiệu. Hãng phim truyện Việt Nam chưa bao giờ có lãi. Chúng tôi thua lỗ triền miên”.
Lỗ triền miên 20 năm, nợ tiền thuê đất 21 tỷ đồng, năm 2010 Hãng phim truyện Việt Nam đứng trước quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt chuyển đổi hãng thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim truyện Việt Nam.
Đến năm 2016, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phẩn hóa, chuyển giao sở hữu cho Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso.
Từ đây chuỗi bi kịch đã bắt đầu, nghệ sĩ kiện tụng bị doanh nghiệp bỏ rơi, cắt lương, cắt bảo hiểm. Hãng phim đắp chiếu nằm rêu phong, hoang tàn.
Để dẫn chứng cho việc thua lỗ, Hãng phim truyện Việt Nam đã nêu ra: Hãng phim truyện Việt Nam là hãng phim chủ lực sản xuất các bộ phim đề tài chiến tranh theo đơn đặt hàng của Nhà nước như: Giải phóng Sài Gòn (12,5 tỷ), Hà Nội 12 ngày đêm (hơn 10 tỷ), Sống cùng lịch sử (21 tỷ)... Tuy nhiên, các bộ phim này khi ra rạp đều vắng người xem. Sau hơn mười ngày công chiếu ở Hà Nội và TP.HCM, bộ phim Giải phóng Sài Gòn đã thu hút trên 12.000 khán giả, thu về khoảng 170 triệu đồng. Trong khi đó, Sống cùng lịch sử ra rạp tháng 8/2014 nhưng không bán nổi vé khi chiếu thương mại ngoài rạp khiến báo chí tốn không ít giấy mực khi đó.
Trước đó, từ phía quản lý Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo những vấn đề cụ thể, xin ý kiến và đề xuất Thanh tra Chính phủ chủ trì xem xét, rà soát, kiểm tra việc thực hiện thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược (Tổng công ty Vận tải Thủy) để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan Hãng phim truyện Việt Nam.
Cơ quan này cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Thanh tra Chính phủ sớm có ý kiến hướng dẫn về việc thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho Nhà đầu tư chiến lược để giải quyết tận gốc những vấn đề vướng mắc tại công ty, sớm ổn định tình hình tại công ty, có cơ sở đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.
Tháng 8/2022, Bộ Văn hóa tiếp tục có công văn gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo nội dung trả lời phản ánh, kiến nghị của một số cán bộ, công nhân viên Hãng phim truyện Việt Nam liên quan đến việc thực hiện Kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam.
Tuy nhiên, cho đến nay, quá trình thoái vốn cũng như các nội dung liên quan đến thực hiện kết luận Thanh tra tại Hãng phim vẫn chưa hoàn tất, dẫn đến những bức xúc kéo dài trong dư luận, nhất là với các nghệ sĩ điện ảnh.