Cận cảnh ngổn ngang tại dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội do vướng mặt bằng, đội vốn
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa báo cáo Quốc hội tình hình triển khai thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư 783 triệu euro, trong đó vốn vay ODA là 653 triệu euro, vốn đối ứng 130 triệu euro.
Tuy nhiên, sau đó tổng mức đầu tư điều chỉnh là 1.176 triệu euro, tăng khoảng 10.400 tỷ đồng. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng ngân sách thành phố Hà Nội.
Về tiến độ, thời gian hoàn thành dự án ban đầu đặt ra là vào năm 2018 nhưng sau đó điều chỉnh lên thời vận hành toàn tuyến vào tháng 12/2022.
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được phê duyệt vào tháng 4/2009 nhưng phải đợi đến tháng 9/2010 mới được khởi công; năm 2013 tiếp tục được điều chỉnh. Giai đoạn từ năm 2009 - 2016, dự án gần như giậm chân tại chỗ.
Từ đó tới nay, sau khi nhân sự Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội - đại diện chủ đầu tư được thay đổi, dự án đã có những bước tiến rất dài, những điều chỉnh chính xác nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Điển hình là tách dự án thành hai giai đoạn, ưu tiên đưa đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy vào khai thác, song song với đó là thi công đoạn ngầm từ ga S9 - S12.
Lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hiện dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng, chủ yếu phát sinh tại 4 ga ngầm S9 (Kim Mã), S10 (Cát Linh), S11 (Quốc Tử Giám), S12 (Trần Hưng Đạo).
Hình ảnh đường sắt Nhổn - ga Hà Nội đoạn bắt đầu đi ngầm trên đường Kim Mã.
Khu vực ga ngầm S9 trên đường Kim Mã vắng bóng công nhân thi công.
Hình ảnh ga ngầm S11 (Quốc Tử Giám) không có hoạt động thi công, chỉ có bảo vệ.
Lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, hiện còn vướng mắc giải phóng mặt bằng tại ga S11, cụ thể là số nhà 23 Quốc Tử Giám (khoanh đỏ) và các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm chưa được di dời; khung chính sách đền bù, hỗ trợ chưa được phê duyệt.