Becamex IJC (IJC): Dòng tiền kinh doanh quý III âm nặng do tồn kho tăng cao
Doanh thu thuần quý III/2021 của IJC tăng 22% so với cùng kỳ, trong khi đó lợi nhuận gộp tăng hơn 12%, đạt 153 tỷ đồng.
Do ảnh hưởng bởi dịch, mảng thu phí của IJC giảm đến 90%, chỉ đạt gần 7 tỷ đồng. Song, bù lại, mảng kinh doanh bất động sản đạt hơn 249 tỷ đồng, tăng 46% và đóng góp 69% tổng doanh thu.
Doanh thu tài chính gấp 3 lần cùng kỳ lên 2,8 tỷ đồng, nhưng đáng kể hơn cả là sự giảm mạnh của chi phí tài chính, giảm 35% xuống 26 tỷ đồng. Các chi phí hoạt động như bán hàng và quản lý cũng được khống chế tương đối tốt. Kết quả là lợi nhuận sau thuế quý III/2021 tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, IJC đạt 2.339 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 27%; lợi nhuận sau thuế đạt gần 554 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 76% mục tiêu doanh thu và 89% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của IJC ghi nhận đạt 6.638 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó 70% là tài sản ngắn hạn (4.638 tỷ đồng).
Trong cơ cấu tài sản của IJC, điểm đáng chú ý là hàng tồn kho và các khoản thu chiếm tới 82% tổng tài sản (riêng hàng tồn kho chiếm tới 55% tổng tài sản, đạt 3.669 tỷ đồng, tăng 7,8% so với đầu năm). Hàng tồn kho của công ty chủ yếu là chi phí dở dang của các công trình xây dựng nhà phố, khu thương mại, nhà biệt thự, nhà chung cư…
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc quý III/2021 là 3.359 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với đầu năm. Đáng chú ý là nợ vay ngắn hạn tăng 32% lên hơn 480 tỷ đồng, nợ dài hạn vẫn duy trì ở mức 728 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,37 lần.
Đặc biệt, dòng tiền kinh doanh của IJC âm rất nặng trong quý III (âm 319 tỷ) trong khi cùng kỳ âm 62 tỷ đồng, chủ yếu do tăng hàng tồn kho.
Lũy kế 9 tháng, dòng tiền kinh doanh âm hơn 1.010 tỷ đồng chủ yếu do tăng các khoản phải trả (1.469 tỷ đồng). Dù được bổ sung bằng dòng tiền tài chính hơn 942 tỷ đồng, song lưu chuyển tiền thuần 9 tháng vẫn âm 86 tỷ đồng.