Vẻ đẹp độc đáo của những ngôi nhà sàn của người Mường ở Thanh Hóa
Nếu có thời gian đến với huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa, nơi người Mường chiếm đến 70% dân số, chắc hẳn bất cứ ai cũng sẽ ấn tượng với những nếp nhà sàn theo kiểu truyền thống mà bà con dân tộc Mường đã gìn giữ trong gần 100 năm qua.
Nhà sàn - nơi lưu giữ tinh hoa, văn hóa của dân tộc
Thủa xa xưa, nơi sinh sống của người Mường vẫn còn là vùng rừng núi âm u, nhiều chim muông thú dữ.
Đối mặt với những mối đe dọa từ thiên nhiên, người Mường tại đây lựa chọn xây dựng nhà sàn với những cột cao an toàn để bảo vệ khỏi sự đe dọa của rắn rết, mãnh thú, đem lại cuộc sống bình yên. Nhà sàn trở thành nơi che chở, bảo vệ cho con người trước sức mạnh của thiên nhiên.
Không chỉ là nơi trú ẩn, nhà sàn còn là nơi gắn liền với đời sống tâm linh của người Mường, là nơi lưu giữ nhiều tập quán, văn hóa, phong tục, tín ngưỡng của cộng đồng người Mường qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau từ sử thi “Đẻ đất, đẻ nước” cho đến hôm nay.
Trong ngôi nhà này, người Mường lưu giữ, tiếp nối, kế thừa những nét văn hóa ẩm thực truyền thống như rượu cần, lợn thui luộc, thịt lợn muối chua, thịt lợn muối chua, măng chua nấu thịt gà, chả cuốn lá bưởi, cá nướng đồ, thịt trâu lá nồm, cơm lam, xôi các màu, măng đắng, rau rừng đồ, canh Loóng...
Đây cũng là nơi người Mường phát triển các nghề thủ công truyền thống như mộc, rèn, đan lát, dệt vải, góp phần vừa tăng sắc màu cho cuộc sống, vừa tăng phát triển kinh tế.
Nhà sàn của người Mường có cấu trúc 3 tầng. Tầng 1, dưới gầm sàn là nơi để dụng cụ sản xuất, các phương tiện đi lại. Trước kia, gầm sàn là nơi làm chuồng gia súc, gia cầm nhưng ngày nay thì chuồng trại đã được đưa ra ngoài để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Tầng 2 là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình và được quy định cụ thể, có sự phân bậc theo địa vị xã hội và thứ bậc của thành viên trong gia đình. Mọi phong tục, tập quán, ứng xử văn hóa, nghi lễ, tín ngưỡng được lưu giữ ở đây. Đây chính là giá trị độc đáo của nhà sàn người Mường.
Còn lại tầng 3 là gác, nơi để thóc, lúa và những đồ vật quý hiếm, ngoài chủ nhà ra thì không ai được lên đó.
Thông thường nhà sàn Mường xưa được phân cấp theo địa vị, thứ bậc trong xã hội, thường có quy mô từ 3 đến 7 gian. Song, dù ở địa vị nào, thứ bậc nào thì nhà sàn truyền thống người Mường đều có đặc điểm chung là có cầu thang phụ. Theo quan niệm của người Mường, cầu thang phụ chỉ dành cho người trong nhà sử dụng; khách lạ cấm kỵ không được lên xuống.
Bảo tồn nhà sàn trong điều kiện mới
Theo kết quả rà soát thống kê đến tháng 12/2020, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có 1.465 nhà sàn, trong đó chủ yếu tập trung tại xã Thạch Lập với 700 nhà sàn. Số còn lại phân bố quy mô nhỏ lẻ tại các cộng đồng dân cư người Mường trên địa bàn huyện.
Nhiều nhà sàn thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc, có tuổi đời gần 100 năm. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)
Thời kỳ đầu, người Mường làm nhà sàn từ các nguyên liệu tự nhiên như gỗ, tre, nứa. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, người Mường đã sử dụng thêm các chất liệu khác bêtông để xây dựng ngôi nhà của mình, khiến ngôi nhà trở nên chắc chắn, kiên cố hơn.
Bên cạnh đó, nhiều ngôi nhà hiện đại cũng đã mọc lên xen kẽ giữa những nếp nhà sàn truyền thống, khiến việc bảo tồn, gìn giữ những ngôi nhà cổ càng trở nên cấp thiết.
Hiện nay, huyện Ngọc Nặc vẫn còn lại một số ngôi nhà sàn truyền thống, trong đó có ngôi nhà sàn của gia đình bà Phạm Thị Sáu (thôn Lập Thắng, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc) với tuổi đời gần 100 năm.
Ngôi nhà có ba gian hai chái, 2 cầu thang lên xuống, giữa nhà là nơi thờ tổ tiên và tiếp khách nam giới, bên trong là bếp đồng thời là nơi sinh hoạt của phụ nữ trong nhà. Nhà có nhiều ô cửa sổ xung quanh để đón không khí, ánh sáng, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Nhằm vừa giúp người dân gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, vừa tìm hướng kinh doanh, phát triển kinh tế, huyện Ngọc Nặc đang lên kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng dựa trên sức hút của những ngôi nhà sàn truyền thống.
Làng Lập Thắng, xã Thạch Lập hiện được coi là điểm hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường.
Dự kiến, đầu năm 2022, các nhà sàn của người Mường tại làng Lập Thắng, xã Thạch Lập sẽ mở cửa đón khách theo hình thức du lịch cộng đồng. Trong đó, ngôi nhà của bà Sáu trở thành một trong 10 ngôi nhà sàn có kiến trúc gỗ đẹp nhất được huyện Ngọc Lặc chọn là nơi bảo tồn không gian nhà sàn truyền thống của người Mường gắn với phát triển du lịch.
Hiện tại, các hộ gia đình được lựa chọn đang chuẩn bị các điều kiện để đáp ứng các yêu cầu phục vụ khách tham quan, cũng như tập huấn nghiệp vụ du lịch.
Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Lặc khẳng định, du lịch cộng đồng là loại hình có thể đáp ứng khá tốt nhu cầu khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu giá trị văn hóa cộng đồng cho du khách, lại vừa góp phần bảo tồn nhà sàn truyền thống của người Mường.
Trước mắt, huyện hoàn thiện các nhà làm điểm trước, năm 2021 sẽ làm 10 nhà cùng hạng mục như cảnh quan, vị trí chụp ảnh cho thanh thiếu niên đến chơi, nhà vệ sinh sinh công cộng, làm nhà sàn truyền thống với quy mô 7 gian.
Để thực hiện hiệu quả đề án, thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch, từng bước đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cộng đồng cũng như tích cực tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá điểm du lịch, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.
Huyện phấn đấu giai đoạn 2021-2025 sẽ bảo tồn được khoảng 400 nhà sàn truyền thống người Mường, nâng tổng số nhà sàn truyền thống trên địa bàn huyện lên khoảng 1.800 nhà sàn.