IDICO (HTI): Quý III, doanh thu giảm 80%, lỗ sau thuế 13 tỷ đồng
Quý III/2021, HTI ghi nhận doanh thu thuần gần 19 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 11 tỷ đồng, giảm 78%.
Trong quý, doanh thu tài chính giảm mạnh, còn 110 triệu đồng. Các chi phí khác cũng đồng loạt giảm như chi phí tài chính (giảm 14%), chi phí bán hàng (giảm 30%) và chi phí quản lý doanh nghiệp (giảm 47%). Tuy có giảm, song các loại chi phí vẫn neo ở mức cao khiến toàn bộ lợi nhuận gộp bị ăn mòn sạch sẽ.
Kết quả là HTI báo lỗ sau thuế hơn 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi gần 15 tỷ đồng.
Theo giải trình của HTI, trạm thu phí An Sương - An Lạc trực thuộc công ty chịu trách nhiệm hoàn vốn cho dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc đã phải tạm dừng thu phí để hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian 20/07 - 02/10/2021.
Việc tạm dừng thu phí trong thời gian trên đã làm cho doanh thu thu phí sử dụng đường bộ trong quý III của công ty giảm gần 81 tỷ đồng, đây là nguyên nhân chính làm công ty bị lỗ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HTI ghi nhận doanh thu thuần gần 225 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2020; lãi sau thuế cũng giảm 65%, còn 15,8 tỷ đồng.
Trong kế hoạch kinh doanh năm 2021, HTI dự kiến đem về hơn 403 tỷ đồng doanh thu (tăng 7%) và 56 tỷ đồng lãi sau thuế (giảm 8% so với thực hiện năm 2020). Như vậy, so với kế hoạch đề ra, HTI đã thực hiện được 56% chỉ tiêu doanh thu và 28% chỉ tiêu lãi sau thuế năm 2021.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của HTI hơn 1.580 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, đại đa số là tài sản dài hạn.
Cơ cấu tài sản đáng chú ý với sự tăng trưởng của hàng tồn kho, tăng 39 lần lên 10 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng gần gấp đôi lên hơn 12 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền và các khoản tương đương tiền sụt giảm rất mạnh (-79%), xuống chỉ còn 14,9 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của HTI tại ngày kết thúc quý III/2021 là 1.138 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy, hơn 70% tài sản của HTI được hình thành từ nợ phải trả, phản ánh mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,57 lần.
Đáng chú ý, trong cơ cấu nợ phải trả, tổng nợ vay của HTI chiếm tới 77,5% (881,5 tỷ đồng). Trong đó, nợ vay dài hạn đạt hơn 876 tỷ đồng và nợ vay ngắn hạn là hơn 5 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận khoản này). Như vậy, số nợ vay gấp đôi vốn chủ sở hữu. Chủ nợ lớn nhất của HTI hiện là Eximbank (876,3 tỷ đồng).