Hứng trọn ‘cú đấm thẳng’ của Covid-19, doanh nghiệp xây dựng xoay xở ra sao?
Lao đao trong “bão Covid-19”
Làn sóng Covid-19 thứ tư bất ngờ ập đến với Việt Nam từ cuối tháng Tư và trở nên nghiêm trọng từ đầu tháng Sáu, đã đẩy thị trường xây dựng vào tình cảnh khó khăn chưa từng có: hàng loạt dự án phải dừng thi công, người lao động không muốn/không thể hoặc rất khó đi làm, doanh nghiệp chật vật đáp ứng các điều kiện khắt khe về phòng chống dịch bệnh và đối diện những rủi ro lớn về chi phí.
Đáng nói, việc tái bùng phát Covid-19 lại diễn ra trong bối cảnh giá nguyên vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, tăng cao đến rất cao so với đầu năm, khiến chi phí sản xuất của các nhà thầu bị đội lên, trong khi đa số hợp đồng xây dựng đang áp dụng đơn giá cố định.
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Delta, ông Hoàng Ngọc Tú, nói với VietnamFinance rằng gần như tất cả các dự án và đại dự án của doanh nghiệp này đều phải tạm dừng thi công. Điều này khiến sản lượng của công ty sụt giảm mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh thu và lợi nhuận.
Tương tự về hoàn cảnh, ông Michael Trần, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) cho biết những công trường như Lancaster Legacy, Opal Skylines, Hồ Tràm Strip, hay Lancaster Luminaire... của doanh nghiệp này đều đã dừng tất cả các hoạt động xây dựng để tập trung nguồn lực cho việc chống dịch.
Câu chuyện của Delta hay Coteccons không phải là cá biệt mà là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp xây dựng hiện nay. Chẳng hạn như Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng, trong công văn gửi tới Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam hôm 10/8, cho biết đơn vị này đang phải đối mặt với tình trạng nhiều công trường thi công ngưng trệ do không huy động được thiết bị, thiếu nhân lực, vật liệu khan hiếm, tăng giá, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công, thanh quyết toán để thu hồi vốn.
Tập đoàn CIENCO4 cũng “than” với Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam rằng quy định không thống nhất giữa các địa phương về các biện pháp giãn cách xã hội đã hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty này. Ngoài ra, CIENCO4 cũng kêu khó về nguồn cung cấp vật liệu, thiếu hụt nhân lực do nhiều công nhân nghỉ việc.
Công ty Cổ phần Constrexim số 1, chi tiết hơn, cho biết có công trình xây dựng giá thép tăng từ 1,5 – 1,7 lần khiến các hợp đồng ký từ đầu quý I/2021 trở về trước đều cầm chắc thua lỗ với mức lỗ không hề nhỏ. Các công trường không thể huy động được công nhân dẫn đến thời gian thi công kéo dài. Chi phí công trình bị đội lên, vượt quá tầm kiểm soát của nhà thầu. Tỷ lệ nguồn vốn thanh toán bị giữ lại các công trình trong thời điểm hiện nay quá cao (2% thuế vãng lai ngoại tỉnh, thanh toán qua kho bạc bị thu 2% trên khối lượng nghiệm thu, 2% - 5% tạm giữ chờ quyết toán…) càng khiến hoạt động sản xuất kinh doanh thêm khó khăn.
Công ty Cổ phần Eurowindow lại “kêu” khó ở khía cạnh khác, rằng các khoản vay vốn lưu động sau ngày 30/6/2020 không được giãn nợ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng tiền của công ty. Chi phí lãi vay ngân hàng cũng chưa được giảm theo chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài ra, công ty khó hoặc không tiếp cận được gói hỗ trợ của Chính phủ. Tất cả khiến lợi nhuận công ty giảm tới 70%-80%.
Bức tranh kinh doanh tương phản
Sẽ là chi tiết hơn về tình hình của các doanh nghiệp xây dựng nếu nhìn vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021. Bức tranh tài chính của các doanh nghiệp chia ra hai nửa sáng tối.
Một số doanh nghiệp lớn bị sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận, chẳng hạn với doanh nghiệp xây dựng số 1 Việt Nam hiện nay, Coteccons, lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần giảm 32% và lãi trước thuế giảm tới 64% so với cùng kỳ 2020.
Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Ricons, “tàu tốc hành” của làng xây dựng Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, cũng ghi nhận sự sụt giảm của lợi nhuận gộp (-16%) do giá vốn tăng cao và lợi nhuận trước thuế giảm tới 38% so với cùng kỳ năm trước.
Nhẹ hơn, Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HoSE: VCG) chỉ phải ghi nhận doanh thu thuần bán niên giảm 7% và lợi nhuận trước thuế bán niên giảm 13% so với cùng kỳ 2020.
Tương tự là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thành Đạt (HNX: DTD) với mức suy giảm về doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế bán niên lần lượt là 8% và 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở phía còn lại, một số doanh nghiệp xây dựng lại cho thấy đà tăng trưởng trong 2 quý đầu năm. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Xây dựng DIC Holdings (HoSE: DC4) với doanh thu thuần 6 tháng tăng 2,2 lần, lợi nhuận trước thuế 6 tháng tăng 59%; Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) với doanh thu thuần 6 tháng đi ngang nhưng lãi trước thuế 6 tháng tăng 88%.
Ngoài ra, những cái tên có tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trước thuế có thể kể đến là: Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển công nghiệp và vận tải (HoSE: TCD), Công ty Cổ phần Hacisco (HoSE: HAS), Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana (HNX: CSC), Công ty Cổ phần Xây dựng 1369 (HNX: C69)…
Trường hợp của Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) thì đặc biệt hơn khi 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần giảm tới 50% nhưng lợi nhuận trước thuế lại tăng tới 7,4 lần.
Xem xét nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng này có thể rút ra một số điều đáng chú ý. Một là có những doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận nhờ vào… doanh thu tài chính, điển hình là Phục Hưng Holdings với mức tăng 11,4 lần hay Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình với mức tăng 3 lần.
Hai là dù nhiều doanh nghiệp cho thấy tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận song dòng tiền kinh doanh trong 6 tháng lại âm, thậm chí âm khá nặng. Trong số này, nặng nhất có lẽ là VCG với mức âm 2.676 tỷ đồng, TCD với mức âm 842 tỷ đồng; nhẹ hơn là: HAS (âm 56 tỷ đồng), C69 ( âm 52,5 tỷ đồng), PHC (âm 29 tỷ đồng)...
Dòng tiền kinh doanh biểu hiện cho việc doanh nghiệp có thể thu được tiền về từ các hoạt động sản xuất kinh doanh hay không. Dòng tiền âm cho thấy các doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách nhưng thực tế đa phần là không thu được tiền về. Đây là tín hiệu “không mấy vui vẻ” với các doanh nghiệp xây dựng.
Cũng cần lưu ý rằng kết quả kinh doanh bán niên 2021 chỉ phản ánh "một nửa" hiện thực của các doanh nghiệp xây dựng. Bởi lẽ trong nửa đầu năm, tình hình dịch bệnh chưa quá nghiêm trọng nên mức độ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp xây dựng là chưa nhiều.
Song, với tình hình dịch phức tạp như hiện nay, nhiều khả năng bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong quý III/2021 sẽ trở nên rất xấu. Và nếu dịch bệnh không được khống chế trong quý III/2021, không loại trừ khả năng quý IV/2021 cũng sẽ là một nốt trầm của các doanh nghiệp này.
Hướng đi nào cho các doanh nghiệp xây dựng?
Trong các công văn gửi tới Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đầu tháng 8/2021, các doanh nghiệp xây dựng như CIENCO4, Thành An, 319, Phục Hưng Holdings, Constrexim số 1, Eurowindow… đã đưa ra hàng loạt kiến nghị về các biện pháp hỗ trợ.
Gút lại, các kiến nghị tập trung vào các điểm như: điều chỉnh giá nguyên vật liệu xây dựng; tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ thi công; cơ cấu lại các khoản nợ sắp đến hạn; giảm lãi vay; giảm thuế suất và gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân; gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất; miễn, giảm tiền đóng bảo hiểm xã hội…
Nhìn chung, đây cũng là những kiến nghị của nhiều ngành nghề khác và cũng là các giải pháp mà Chính phủ đã/đang nghiên cứu, triển khai để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Trong bối cảnh các chính sách có “độ trễ”, các doanh nghiệp xây dựng cần tự “cứu” lấy chính mình. Trao đổi với VietnamFinance, ông Hoàng Ngọc Tú, Phó tổng giám đốc Tập đoàn xây dựng Delta, cho biết trong giai đoạn hiện nay, công ty này đang tăng cường đào tạo cho cán bộ, nhân viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, sẵn sàng cho việc “bung” ra khi dịch bệnh được kiểm soát.
Mặt khác, dù gặp nhiều khó khăn, Delta vẫn tham gia làm tổng thầu và đồng tài trợ dự án bệnh viện dã chiến hồi sức tích cực Covid-19 tại Hoàng Mai, Hà Nội.
“Để đảm bảo tiến độ, Ban chỉ huy Delta Group tại dự án đã bố trí hơn 1.000 công nhân cùng hàng chục máy móc cỡ lớn thay ca nhau làm việc trên công trường 24/24h, gấp rút hoàn tất các công tác thiết kế, thi công dự án đúng kế hoạch. Các cán bộ, công nhân khi làm việc tại công trường phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt”, ông Tú nói.
Phó tổng giám đốc Michael Trần của Coteccons thì cho biết để vượt qua khó khăn hiện nay, lãnh đạo công ty này đã tiến hành trao đổi với phía chủ đầu tư và các nhà thầu phụ để chia sẻ thiệt hại và tìm kiếm cơ hội.
“Đưa ra một số đề nghị cùng hỗ trợ lẫn nhau trong mùa dịch, chúng tôi rất may mắn khi nhận được sự sẻ chia và cảm thông của các chủ đầu tư. Coteccons khẳng định không chạy theo việc giảm giá để giành hợp đồng mà sẽ hợp tác chặt chẽ và tìm kiếm các nhà cung cấp, nhà thầu phụ mới, đưa ra các chiến lược hợp tác win-win để quản lý được giá đầu vào tốt nhất.
“Về phía các thầu phụ, nhà cung cấp, do đã duy trì mối quan hệ từ lâu, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tốt nhất. Các đội nhóm, lực lượng thi công chất lượng vẫn đồng hành và hợp tác với Coteccons cho các dự án khi hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp sẵn sàng tiết giảm những chi phí như vận chuyển thiết bị, thuê thiết bị cho các dự án đang trong giai đoạn tạm ngừng thi công”, ông Michael Trần chia sẻ.
Vị Phó tổng giám đốc của Coteccons cũng cho biết để giữ chân nhân sự, công ty này ưu tiên đảm bảo phúc lợi cho người lao động. “Công ty vẫn cố gắng duy trì những khoản tiền thưởng định kỳ như kế hoạch đã đề ra, toàn bộ nhân sự cấp cao đều tự nguyện cắt giảm thu nhập nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cán bộ nhân viên. Song song với đó, Coteccons coi đây là một cơ hội để đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ tại công ty”, ông nói.
Nhận định về triển vọng của thị trường xây dựng, hai lãnh đạo của Delta và Coteccons đều thống nhất rằng ngành xây dựng Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ sau dịch bệnh.
Cụ thể, ông Michael Trần cho rằng các doanh nghiệp đã biết cách tự xoay xở, tìm ra các phương án kịp thời và hiệu quả để tự đứng vững. Do đó, dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng khi chỉ cần dịch bệnh được kiểm soát, cơ hội được mở ra thì các doanh nghiệp có đủ sức khỏe, tự đứng vững sẽ sẵn sàng bứt phá một cách nhanh nhất.
Ông Hoàng Ngọc Tú, thận trọng hơn, nói rằng ngành xây dựng sẽ từng bước tăng trưởng trở lại trong năm 2022 nhưng khả năng phục hồi của từng lĩnh vực xây dựng sẽ không đồng đều. “Việc phục hồi sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch Covid-19, cán cân cung cầu cũng như các chính sách hỗ trợ của Chính phủ”, ông nói.