Fecon (FCN): Lãi sau thuế 2021 giảm 14%, dòng tiền kinh doanh âm 109 tỷ
Luỹ kế cả năm 2021, Công ty Cổ phần Fecon (HoSE: FCN) ghi nhận lãi sau thuế giảm 14%, đạt 115 tỷ đồng, hoàn thành 65,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Doanh thu cả năm tăng nhẹ, lãi sau thuế giảm 14%
Quý IV, doanh thu thuần hợp nhất của FCN tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.275 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng 25%, đạt 185 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 12,9% lên 14,5%.
Trong kỳ, chi phí tài chính tăng 78%, đạt 48 tỷ đồng; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 10,1%, đạt 70 tỷ đồng, các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Mặc dù lợi nhuận gộp tăng nhưng lợi nhuận sau thuế của FCN trong quý IV vẫn giảm 12%, đạt 44 tỷ đồng, do các chi phí neo ở mức cao.
Luỹ kế cả năm 2021, FCN ghi nhận doanh thu thuần tăng 10,5%, đạt 3.484 tỷ đồng. Lãi sau thuế giảm 14%, đạt 115 tỷ đồng.
Trong năm 2021, FCN đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu là 3.900 tỷ đồng và lãi sau thuế là 175 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, công ty không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm mà chỉ đạt 65,6% kế hoạch lợi nhuận.
Dòng tiền kinh doanh âm
Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của FCN đạt 7.598 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 68%, đạt 5.143 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tài sản, đáng chú ý là các khoản phải thu ngắn hạn đã giảm 29% so với đầu năm, còn 2.818 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn tăng không đáng kể. Ngược lại, hàng tồn kho tăng mạnh 66%, đạt 1.710 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng tài sản, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Nợ phải trả tại ngày kết thúc quý IV của FCN đạt 4.594 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm. Đặc biệt, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của FCN tăng 55%, đạt 2.471 tỷ đồng, chiếm 54% nợ phải trả. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,5.
Xét về dòng tiền, trong năm 2021, dòng tiền kinh doanh của FCN âm 109 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 89 tỷ đồng. Nguyên nhân là do công ty tăng hàng tồn kho và giảm các khoản phải trả.
Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư cũng âm 1.205 tỷ đồng, chủ yếu do công ty tăng chi mua sắm, xây dựng tài sản cố định (1.198 tỷ đồng), chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác (108 tỷ đồng).
Để bù đắp thâm hụt dòng tiền, công ty đã tăng cường phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu và đi vay. Tuy vậy, lưu chuyển tiền thuần cả năm của công ty vẫn âm 42,5 tỷ đồng, khiến lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ còn 316 tỷ đồng (đầu năm là 358 tỷ đồng).
Xem thêm Đất Xanh: Quý IV thắng lớn, cả năm lãi trước thuế 2.516 tỷ đồng, tăng 93 lần