Dồn dập sốt đất từ Bắc đến Nam
Tung tin đồn ảo để trục lợi
Những ngày qua, giới đầu tư, cò đất đổ xô về huyện Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) săn đất khiến giá nóng lên từng ngày. Đất ruộng lúa, đất nuôi trồng thủy sản nằm dọc hai bên đường tỉnh 934B từ TP Sóc Trăng về huyện Trần Đề được hét hàng tỉ đồng mỗi công (1.000 m2), gấp đôi so với 3 tháng trước. Khu vực từ trung tâm huyện đến cầu Mỹ Thanh 2 giá cũng đội lên gấp đôi.
Sở dĩ giá đất tăng mạnh là do hồi đầu tháng 9/2021, cầu Mạc Đĩnh Chi vượt sông Maspéro được hợp long nối liền TP.Sóc Trăng với huyện Trần Đề. Nhưng tin đồn nơi đây được quy hoạch cảng biển mới là điều được giới đầu nậu, cò lợi dụng để thổi bùng giá đất, dù theo lãnh đạo UBND huyện Trần Đề đến nay cảng biển Trần Đề chưa có quy hoạch chi tiết 1/500.
Hôm qua (27/12), rất đông người dân từ nhiều nơi cũng đổ về UBND xã Đông Phú (huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) tham gia đấu giá 134 lô đất có diện tích từ hơn 100 m2, với mức giá khởi điểm từ 4,5 - 6,6 triệu đồng/m2 tùy vị trí lô đất.
Một người tham gia đấu giá đất cho biết người dân “tứ xứ” đổ về đây rất đông, trong đó đa số là dân Hà Nội. Là dân địa phương, ông đưa ra bình quân 5 triệu đồng/m2, nhưng không thể “đọ” được với những người từ bên ngoài tràn về “mạnh về gạo, bạo về tiền”. Giá đất ở quê ông thời gian qua tăng chóng mặt vì có thông tin Tập đoàn Vingroup về đây đầu tư dự án hơn 1.000 ha.
“Đáng nói là dù đất để hoang, không trồng trọt gì nhưng giá tăng khủng khiếp. Nếu trước đây mỗi sào đất ruộng lúa chỉ khoảng 10 - 15 triệu đồng, thì nay đã lên khoảng 60 triệu đồng. Không chỉ hôm nay, những cuộc đấu giá đất trước, dân ngoại tỉnh về mua gom rất nhiều đã đẩy giá lên cao ngất ngưởng khiến dân quê tôi theo không kịp”, người này cho hay.
Tại Khánh Hòa những ngày qua sốt đất cũng bùng phát sau một thời gian dài im ắng. Sở dĩ có tình trạng này bởi giới đầu tư, cò đất tung tin “đại bàng chúa làm tổ”.
Tại huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), sau khi có thông tin Tập đoàn Vingroup về đây làm dự án, giá đất ngay lập tức tăng chóng mặt. Cơn sốt đất lan sang thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) trước thông tin Tập đoàn Hòa Phát, FLC muốn tìm cơ hội đầu tư vào đây. Tại khu vực tỉnh lộ 5 và tỉnh lộ 8 nơi có Tập đoàn Hòa Phát xin dự án, giá đất trồng cây lâu năm trước tháng 10/2021 chỉ khoảng 20 triệu đồng/mét ngang, nay đã từ 80 - 120 triệu đồng/mét ngang, tùy khu vực. Riêng khu P.Ninh Phú (Ninh Hòa), nơi FLC có ý định xin dự án giá đất thổ dưới 5 triệu đồng/m2 nay tăng đột biến lên từ 8 - 12 triệu đồng/m2.
Chính quyền vào cuộc
Để chặn sốt đất, nhiều địa phương đã đưa ra các cảnh báo để người dân tránh sập bẫy đầu nậu, cò đất tung tin đồn đẩy giá bất động sản (BĐS) tăng cao. Như tại huyện Cam Lâm, chính quyền đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý và quản lý đất đai trên địa bàn, đồng thời ngừng giải quyết các hồ sơ cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong dân. Thị xã Ninh Hòa cũng ra văn bản thông báo tạm dừng việc tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất từ ngày 10/12 cho đến khi quy hoạch sử dụng đất năm 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của Ninh Hòa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tại Hà Tĩnh, chính quyền nơi đây đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền trái phép và tăng cường quản lý đất đai trước hiện tượng giá đất lần đầu tiên tăng chóng mặt ở một số địa phương. Chính quyền Quảng Trị cho biết sẽ xem xét siết chặt hơn điều kiện tham gia đấu giá đất bằng cách nâng cao mức đặt cọc, nhằm tránh tình trạng bên trúng đấu giá sẵn sàng bỏ cọc, do không chuyển nhượng lại được đất sau đó.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra và thanh tra; có giải pháp phù hợp nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông… Ông cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên về lâu dài, theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, để chặn sốt đất vấn đề đầu tiên là minh bạch thông tin quy hoạch, kiểm soát được dòng tiền qua kênh tín dụng. Bởi đầu tư mua đất, ngoài tiền nhàn rỗi còn dùng đòn bẩy về tín dụng. Như Trung Quốc có giải pháp quyết liệt, đầu tiên có thể cho vay khoảng 70% để mua BĐS, nhưng khi có sốt đất đòn bẩy tín dụng hạ xuống 50%, thậm chí giảm xuống còn khoảng 30%. Như vậy, để có tiền đầu tư, khách hàng phải có 70% giá trị BĐS. Ngoài ra, giải pháp về thuế rất quan trọng. Trung Quốc, Singapore căn nhà thứ nhất đánh thuế thấp, các căn tiếp theo đánh thuế rất cao để chống đầu cơ.
Người tiêu dùng cũng cần thông minh, có trách nhiệm, hiểu biết về pháp luật, tránh sập bẫy tâm lý đám đông lao vào các cơn sốt đất, thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. Lắng nghe các cảnh báo của chuyên gia, của các hiệp hội tránh rơi vào vòng xoáy đầu tư đánh quả, lướt sóng không an toàn.
Ông Lê Hoàng Châu
Xem thêm: 'Đất vàng' trên đường Nguyễn Thị Thập giao Handico 6 bị bỏ hoang nhiều năm