Dự án đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang gần 45ha của SOTO sẽ khởi công vào tháng 1/2023
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành công văn về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang tại xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương của Công ty TNHH SOTO.
Công văn nêu rõ, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đô thị du lịch sinh thái biển Tiên Trang.
Theo đó, UBND huyện Quảng Xương có trách nhiệm hoàn thành GPMB, bàn giao đất cho Công ty SOTO trong tháng 12/2022. để khởi công dự án vào tháng 1/2023.
Tiến độ dự án được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 từ tháng 1/2023-1/2025, chủ đầu tư sẽ xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dự án, xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ sinh thái, bãi tắm, khu du lịch sinh thái, nơi để bè mảng cho ngư dân, nhà ở biệt thự, nhà ở có sân vườn, nhà ở kết hợp dịch vụ. Giai đoạn 2 từ tháng 1/2025 - 1/2030, chủ đầu tư sẽ xây dựng các hạng mục khách sạn, nhà ở cao tầng.
Được biết, dự án khu du lịch biển Tiên Trang do Công ty SOTO làm chủ đầu tư, có diện tích hơn 100,9ha nằm dọc đường bờ biển dài 2,5km thuộc địa phận 4 xã của huyện Quảng Xương: Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Lĩnh và Quảng Thạch.
Đây là dự án khu du lịch sinh thái biển tổng hợp, được quy hoạch xây dựng các khu chức năng gồm: khu dân cư, biệt thự, trung tâm thương mại, khu vui chơi- giải trí sinh thái...
Dự án khu du lịch biển Tiên Trang được chia làm 2 dự án gồm: khu du lịch thể thao sinh thái Tiên Trang được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008 tại các xã Quảng Lợi, Quảng Lĩnh và Quảng Thạch, diện tích 427.000m2 chủ yếu là đất nông, lâm nghiệp ven biển và dự án khu đô thị du lịch biển Tiên Trang tại các xã Quảng Lợi, Quảng Thạch và Quảng Thái theo Quyết định số 616/QĐ-UBND ngày 2/3/2011, diện tích 448.631m2.
Mặc dù được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2008, song dự án này cũng từng dính lùm xùm khi hơn chục năm chỉ mới có một số hạng mục được hoàn thiện và vài điểm kinh doanh, dịch vụ.
Trước thực trạng trên, năm 2016 và đầu năm 2017, UBND huyện Quảng Xương đã làm việc với Công ty SOTO và có kết luận về việc chủ đầu tư triển khai dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch của địa phương; chưa đầu tư các hạng mục hạ tầng theo quy hoạch; chưa đầu tư hình thành các khu chức năng, nhà nghỉ… để phục vụ du lịch; các công trình để phục vụ khu du lịch hầu như không có gì.
Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh yêu cầu Công ty SOTO tích cực trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, rà soát lại dự án, cả về quy mô, tiến độ và cam kết thời gian thực hiện.
Đến nay, dự án vừa được khai thác dịch vụ, vừa tiếp tục xây dựng hạ tầng dự án. Các hạng mục đã thực hiện trong vùng dự án như 1 khu nhà hàng ven biển; 3 nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn; chỉnh trang khuôn viên rừng cây xanh ven biển (cây phi lao) với 15 ha; cơ bản hoàn thành hạ tầng tuyến đường trục chính dự án với trên 90% khối lượng; xây dựng gần 2km đường nội bộ.
Về SOTO, công ty này được thành lập ngày 27/1/2010, với ngành nghề chính là sản xuất hàng may sẵn, có trụ sở chính tại xã Tiên Trang, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Được biết, ông Phạm Đình Hải (sinh năm 1954)là giám đốc Công ty SOTO đồng thời là người duy nhất nắm giữ cổ phần tại đây.
Về tình hình hoạt động, theo dữ liệu của VietnamFinance, trong giai đoạn năm 2016-2019, doạnh thu của SOTO đạt lần lượt 26,3 tỷ đồng (2016), 24 tỷ đồng (2017), 43,9 tỷ đồng (2018) và 58,3 tỷ đồng (2019). Có thể thấy, doanh nghiệp tăng trưởng khá mạnh ở 2 năm sau, tuy nhiên về lợi nhuận lại không được như mong đợi. Cụ thể, trong khi năm 2016, SOTO báo lãi hơn 4,2 tỷ đồng thì đến năm 2017 và 2018, lợi nhuận chỉ còn lẹt đẹt vài trăm triệu đồng.
Đáng chú ý, ở năm 2019, mặc dù có doanh thu cao gấp 2 lần so với năm 2016, nhưng doanh nghiệp này lại báo lỗ gần 278 triệu đồng.
Cũng trong giai đoạn này, tài sản của SOTO tăng gấp 2,7 lần sau 3 năm. Cụ thể, tổng tài sản từ 2016-2019 lần lượt đạt các mức 104,4 tỷ đồng, 125,6 tỷ đồng, 195,9 tỷ đồng và 282,2 tỷ đồng.
Đặc biệt, nợ phải trả của SOTO tăng rất mạnh ở giai đoạn này. Cụ thể, năm 2016, nợ phải trả SOTO ghi nhận ở mức 12,2 tỷ đồng, sau đó tăng lần lượt lên 37,9 tỷ đồng (năm 2017), 108,9 tỷ đồng (năm 2018). Cuối năm 2019, nợ phải trả của doanh nghiệp này đã tăng lên mức 197,2 tỷ đồng. Như vậy, nợ phải trả của SOTO đã tăng lên gấp 16 lần sau 3 năm.
Trong khi đó, tính đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của SOTO là 84,9 tỷ đồng, chỉ gần bằng 1 nửa nợ phải trả.