ĐHĐCĐ Coteccons: Tranh luận mục tiêu lãi sau thuế 20 tỷ đồng năm 2022
Đằng sau chỉ tiêu lãi 20 tỷ đồng
Thông tin tại đại hội đồng cổ đông năm 2022, lãnh đạo Coteccons cho biết năm 2021, công ty đạt doanh thu 9.077 tỷ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 24 tỷ đồng, hoàn thành 7% kế hoạch. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2006, phản ánh một năm đầy khó khăn của Coteccons.
Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2021 vẫn chưa phải là “đáy”. “Đáy” nằm ở năm 2022, khi Coteccons công bố mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ 20 tỷ đồng (trong khi mục tiêu doanh thu thuần là 15.010 tỷ đồng, tăng trưởng 165% so với năm 2021).
Diễn biến nghịch chiều của doanh thu và lợi nhuận mục tiêu năm 2022, do vậy, đã trở thành chủ đề được quan tâm nhất mùa đại hội năm nay.
Trả lời cổ đông về mục tiêu lợi nhuận siêu thấp này, chủ tịch Coteccons, ông Bolat Duisenov, cho biết có 5 nguyên nhân.
Một là dự phòng tài chính cho nợ xấu. Theo ông Bolat, ngành xây dựng có “đặc trưng” nợ xấu, do đó công ty phải lập quỹ dự phòng. Hiện, Coteccons có tới 16 dự án đang gặp vấn đề nợ xấu và năm 2022 dự kiến phải trích lập dự phòng tới 95 tỷ đồng.
Hai là chi phí nguyên vật liệu toàn cầu cũng như tại Việt Nam đang gia tăng, chỉ xét riêng chi phí làm bê tông cũng đã tăng 20%.
Ba là dư âm của những khó khăn giai đoạn 2020 – 2021 vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng mạnh tới tình hình sản xuất – kinh doanh năm 2022.
Bốn là Coteccons luôn coi con người là tài sản quý giá nhất của công ty, bởi vậy bất chấp hoàn cảnh khó khăn, công ty vẫn chăm sóc cho sinh kế của người lao động. “Nhiều công ty chỉ bảo vệ lợi nhuận mà mất đi nhân viên, nhưng tôi không muốn người Coteccons phải chịu thiệt thòi. Tôi sẵn sàng hi sinh lợi ích ngắn hạn vì lợi ích dài hạn. Tôi cho rằng đó là điều đúng. Tôi vẫn đang nỗ lực từng ngày và tin rằng điều này sẽ mang lại quả ngọt cho công ty trong tương lai”, ông Bolat nói.
Năm là ngay trong hoàn cảnh khó khăn, Coteccons vẫn không thỏa hiệp về chất lượng, luôn tuân thủ cam kết về chất lượng, tiến độ với chủ đầu tư dù chi phí lên cao.
Theo ông Bolat, backlog năm 2021 của Coteccons đạt 25.000 tỷ đồng. Quý I/2022, giá trị hợp đồng ký mới đạt 10.000 tỷ đồng. Coteccons thắng thầu 9 dự án, Unicons (công ty con) trúng thầu 10 dự án. Tuy nhiên, một dự án phải xây dựng 2 – 4 năm mới có thể hoàn thành. Bởi vậy những gì Coteccons đang nỗ lực chưa thể cho kết quả ngay trong năm 2022. “Chúng ta sẽ thấy kết quả vào năm 2023 và những năm sau đó. Chúng tôi xác định chiến lược phát triển bền vững, dài hạn. Nếu muốn làm đẹp số liệu, chúng tôi hoàn toàn có thể đẩy biên lợi nhuận lên cao để có được kết quả tức thì, nhưng về dài hạn thì sao?”, ông Bolat đặt câu hỏi.
Chủ tịch Coteccons cho biết công ty đặt mục tiêu tới năm 2025, doanh thu sẽ đạt 3 tỷ USD, vốn hóa thị trường đạt 1 tỷ USD. Để làm được điều này, công ty xác định 5 ưu tiên chiến lược: mô hình kinh doanh khác biệt, nguồn nhân lực vượt trội, dòng sản phẩm dịch vụ đa dạng, marketing – PR sáng tạo và đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động. Các phân khúc ngành xây dựng mà Coteccons tham gia gồm: dân dụng, công nghiệp, thương mại, hạ tầng – giao thông…
Giải thích thêm với cổ đông về vấn đề chỉ tiêu lợi nhuận, bà Cao Thị Mai Lê, kế toán trưởng Coteccons, cho biết ban lãnh đạo công ty đã tính hết các rủi ro và khó khăn có thể gặp phải trong năm 2022. “Chúng tôi đưa ra bức tranh thực tế để cổ đông nhìn thấy, dù biết rằng sẽ vấp phải chỉ trích”, bà nói.
Đối với 16 dự án có nợ xấu, bà Lê từ chối nêu danh tính của chủ đầu tư, với lý do tôn trọng khách hàng và điều khoản bảo mật thông tin trong hợp đồng. Bà cho biết công ty đang nỗ lực đàm phán với khách hàng; trường hợp bất khả kháng sẽ công bố minh bạch thông tin, cần thiết sẽ đưa ra tòa án để thu hồi nợ.
Thông qua nhiều nội dung quan trọng
Với tỷ lệ tán thành cao, đại hội đồng cổ đông Coteccons năm 2022 đã thông qua tất cả tờ trình của HĐQT.
Cụ thể, đại hội thông qua việc giảm vốn điều lệ từ 792,55 tỷ đồng xuống 788,308 tỷ đồng do công ty mua lại cổ phiếu ESOP. Trước đó, trong năm 2021, HĐQT đã triển khai việc mua lại cổ phiếu của cán bộ nhân viên đã nghỉ việc theo chương trình ESOP năm 2018 với tổng số 424.200 cổ phiếu đã mua/483.500 cổ phiếu đăng ký mua. Nguồn vốn thực hiện mua lại là 23,755 tỷ đồng (giá mua 56.000 đồng/cổ phiếu, bằng giá phát hành theo quy chế ESOP năm 2018).
Đại hội cũng thông qua việc chuyển đổi năm tài chính từ 1/1 – 31/12 thành 1/7 – 30/6 năm sau. Năm tài chính đầu tiên áp dụng sau khi được đại hội thông qua bắt đầu từ 1/1/2023 và kết thúc ngày 30/6/2023 (6 tháng).
Về phương án phát hành cổ phiếu ESOP từ nguồn cổ phiếu quỹ, đại hội thông qua phương án năm 2022 sẽ phát hành 554.785 cổ phiếu quỹ, chiếm 0,75% số cổ phiếu đang lưu hành (tương đương 10,3% tổng số cổ phiếu quỹ); năm 2023 sẽ phát hành 792.550 cổ phiếu quỹ, chiếm 1,07% số cổ phiếu đang lưu hành (tương đương 14,74% tổng số cổ phiếu quỹ).
Điều kiện chào bán là doanh thu năm 2022 theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán đạt từ 15.000 tỷ đồng trở lên. Giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Đối tượng được mua là thành viên ban tổng giám đốc, cán bộ quản lý chủ chốt và các cán bộ nhân viên khác. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Toàn bộ số tiền thu được từ bán cổ phiếu quỹ được bổ sung vốn lưu động cho công ty.
Về thời gian thực hiện, cổ phiếu quỹ phát hành năm 2022, ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT lựa chọn thời điểm cụ thể năm 2022 để triển khai, sau khi nhận được văn bản chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; cổ phiếu quỹ phát hành năm 2023 sẽ được thực hiện trong năm 2023, sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và có văn bản chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Về nhân sự, đại hội miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của bà Trịnh Quỳnh Giao đồng thời thông qua số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027 gồm 7 người gồm: Bolat Duisenov, Talgat Turumbayev, Hewig Guido H. Van Hove, Tan Chi Tiong, Phạm Quang Vũ, Võ Hoàng Lâm, Tống Văn Nga.
Đại hội cũng bầu 3 thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022 – 2027 gồm: Trần Văn Thức, Đoàn Phan Trung Kiên và Zatayev Zhaidarzhan.
Chủ tịch Coteccons: “Hơn 1,5 năm qua, da tôi dày hơn, mặt dày hơn”
Một điểm đáng chú ý trong mùa đại hội năm nay của Coteccons là chủ tịch Bolat Duisenov đã có chia sẻ khá thẳng thắn về áp lực ông phải chịu trong 1,5 năm chèo lái công ty, kể từ khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương rời đi.
“Tôi đảm nhiệm vị trí này đã được 1,5 năm. Đây là đại hội cổ đông thứ 2 của tôi, trên cương vị chủ tịch HĐQT. Tôi cũng chia sẻ thật, tôi nhận được hàng trăm tin nhắn của cổ đông, nhà đầu tư, một số là than phiền, một số khác còn đe dọa. Tôi thấy 1,5 năm qua, da tôi dày hơn hẳn, mặt dày hơn. Nhưng tôi muốn cảm ơn các cổ đông đã luôn đồng hành và tương tác, dù trực diện, với chúng tôi.
“Chúng ta hãy nhìn vào thị trường, nhìn vào các công ty khác, trong ngành xây dựng, rất nhiều đơn vị khó khăn. Họ sụt giảm biên lợi nhuận trầm trọng. Và rất nhiều công ty vì khó khăn đã cắt giảm chất lượng công trình. Nhưng Coteccons thì không. Chúng tôi cũng không vì thấy ngành xây dựng khó khăn mà nhảy sang ngành khác. Chúng tôi khẳng định mình là nhà xây dựng hàng đầu, dù thuận lợi hay khó khăn vẫn luôn theo đuổi chuyên môn của mình. Chúng tôi sẽ làm những gì tốt nhất.
“Tôi khẳng định Coteccons có nền móng vững chắc, bất chấp những tin đồn hay các bài viết nói về chúng ta như thế nào. Thị trường đang phát triển trở lại, chúng ta cần đi đường dài. Hãy nhìn vào tương lai, các đồng nghiệp của tôi. Những gì chúng ta làm bây giờ sẽ có kết quả trong tương lai. Còn năm 2021 đã qua, thật tồi tệ nhưng tất cả chúng ta đã làm hết sức mình. Tôi khẳng định không có ai ở Coteccons năm qua làm việc với 50% sức lực. Tất cả đều làm 100 % và hơn 100% sức lực của mình”.