Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất, mối nguy cơ đang lớn dần
Đua lãi suất?
Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) ngày 15/4 vừa tăng mạnh lãi suất huy động một loạt kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất tiền gửi online, kỳ hạn 36 tháng, dành cho số tiền gửi dưới 300 triệu đồng, lãi suất tăng 0,5 điểm %/năm lên 6,1%/năm; từ 10 tỷ đến dưới 50 tỷ đồng, lãi suất tăng 0,6 điểm %/năm lên 6,7%/năm; từ 50 tỷ đồng trở lên là 6,9%/năm. Tương tự như vậy là lãi suất online kỳ hạn 24 tháng, cũng tăng từ 0,4-0,5 điểm %/năm, lên 6-6,8%/năm, dành cho các mức tiền gửi từ dưới 300 triệu đồng đến trên 50 tỷ đồng.
Trước đó, Ngân hàng Quân đội (MBBank) cũng đưa ra biểu lãi suất mới áp dụng từ tháng 4 với xu hướng tăng 0,2 điểm %/năm ở các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng và kỳ hạn dài 36 tháng.
Trong khi đó, từ cuối tháng 3/2022 có 10 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm, cao nhất tới 0,6 điểm % một năm. Cụ thể Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tăng lãi suất gửi tiết kiệm online đến 0,6 điểm %/năm ở kỳ hạn 6 tháng, tăng 0,5 điểm %/năm ở kỳ hạn 9 tháng và 0,2 điểm % ở kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) tăng thêm 0,2 điểm%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) tăng thêm 0,4 điểm %/năm cho lãi suất tiền gửi 12 tháng. Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) tăng thêm 0,3 điểm %/năm lãi suất cho tiền gửi 6 tháng và 0,1 điểm %/năm cho kỳ 12 tháng.
Các ngân hàng TMCP khác như Bản Việt (VietCapitalBank), Đông Nam Á (SeABank), Quốc tế (VIB), Đông Á (DongABank) và Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất tiết kiệm tại quầy từ 0,01-0,2 điểm %/năm. Theo khảo sát, lãi suất tại nhiều ngân hàng đã tăng từ 0,3-0,7 điểm %/năm trong 3 tháng trở lại đây, đưa mặt bằng lãi suất tăng lên đáng kể, cao hơn các dự báo cho cả năm 2022.
Theo giới chuyên môn, ngoài lý do lạm phát có xu hướng tăng, các ngân hàng đang bị thiếu thanh khoản. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết quý I/2022, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt 5,04%. Điều này đồng nghĩa với việc trong 3 tháng đầu năm, các ngân hàng đã bơm ròng gần 526.400 tỷ đồng ra nền kinh tế thông qua kênh cho vay. Mức tăng 5,04% này cao nhất trong một thập niên trở lại đây về nhu cầu tín dụng. Nhu cầu vốn cao khiến nhiều ngân hàng bị giảm thanh khoản.
Từ giữa tháng 1/2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước luôn duy trì trạng thái bơm tiền ra thị trường. Tuy nhiên, bất chấp việc liên tục bơm tiền, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao trên 2%/năm, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này chứng tỏ nhu cầu vốn của các ngân hàng tăng.
Có vẻ như cuộc đua lãi suất sắp bắt đầu. Xét về mức lãi suất huy động cao nhất, không ít ngân hàng đã vượt qua 7%/năm, thậm chí tiến gần tới 8%/năm. Các ngân hàng Á Châu (ACB), Hàng hải (MSB) và Bản Việt (VietCapital) hiện có mức lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm. Ngân hàng Nam Á cao nhất là 7,4%/năm, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) cao nhất là 7,6%/năm và Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) dẫn đầu với lãi suất cao nhất là 7,8%/năm. Nếu thanh khoản vẫn eo hẹp và sức ép lạm phát tiếp tục tăng, chắc chắn lãi suất huy động sẽ còn được đẩy lên. Đặc biệt, với những ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, thanh khoản yếu, dễ đẩy lãi suất huy động trên thị trường dân cư tăng và thúc đẩy cuộc đua lãi suất.
Bất lợi cho doanh nghiệp
Theo giới chuyên môn, khả năng duy trì mặt bằng lãi suất thấp rất thách thức với các tổ chức tín dụng. Dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, lạm phát tháng 4/2022 sẽ tăng từ 0,3-0,4% so với tháng trước và tăng 2,21-2,31% so với cùng kỳ năm ngoái do giá xăng dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Áp lực lạm phát sẽ khiến Ngân hàng Nhà nước thắt chặt cung tiền ra thị trường, do đó không thể giúp các ngân hàng thương mại duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào nữa.
Không những thế, kênh huy động bằng trái phiếu doanh nghiệp (DN) đang ngày một siết chặt, tâm lý của nhà đầu tư trở nên e dè hơn sau vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua, khiến nhiều DN tìm đến kênh ngân hàng, làm nhu cầu vay vốn tăng. Tất cả những yếu tố này tác động sẽ khiến lãi suất huy động tiếp tục tăng và gây áp lực mạnh mẽ lên lãi suất cho vay.
Xu hướng lãi suất tăng khiến các DN không khỏi lo lắng. Ông Nguyễn Hoàng Sơn, giám đốc Công ty TNHH An Sơn (Hà Nội), cho biết, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng kỳ hạn 12 tháng đã tiệm cận mức 7%/năm. Với lãi suất này, cộng thêm biên độ từ 3,5%-4%/năm nữa thì lãi suất vay kỳ hạn 12 tháng hiện ở mức từ 10,5-11%/năm. Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng thì lãi suất cho vay sẽ khó tránh khỏi tăng cao hơn. Trong khi đó thời gian này chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh như xăng dầu, nguyên vật liệu đều đã tăng cao. Lãi suất cho vay lại tăng thì khó chồng khó.
Anh Nguyễn Công Quyết, chủ DN tư nhân tại Thường Tín (Hà Nội), chuyên sản xuất thiết bị điện, than thở, có hợp đồng vay vốn ngân hàng, kỳ hạn 6 tháng, từ cuối tháng 10/2021. Ba tháng đầu lãi suất là 7,9%/năm, sau đó điều chỉ lên 8,4%/năm. Hợp đồng này sắp đến hạn tất toán. Anh Quyết có ý định sẽ tiếp tục vay vốn ngân hàng nhưng mới đây, nhân viên tín dụng nói từ tháng 6 tới lãi suất cho vay sẽ tăng, không còn như mức trước đây nữa.
Các DN lo ngại về xu hướng lãi suất tăng. Trong khi đang gặp khó khăn về dòng tiền, giờ họ lại phải gánh thêm chi phí. "Sức khỏe" của hầu hết DN vừa phục hồi sau đại dịch vẫn còn rất yếu, nếu chi phí tăng cao sẽ dẫn đến thu hẹp hoạt động, không dám nghĩ đến mở rộng đầu tư, tăng sản xuất.
Trong khi đó, gói hỗ trợ 2% vốn vay được Chính phủ ban hành từ đầu năm 2022 đến nay vẫn chưa đi vào thực tế. DN đang khát vốn rẻ tìm không ra, vẫn phải chờ đợi. Lãi suất ngân hàng lại đang rục rịch tăng. Đợi tới khi lãi suất tăng cao, mới đi vào thực hiện thì có khi hiệu quả không còn, các DN than thở.