Đề xuất đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng nâng cấp cao tốc La Sơn - Hòa Liên
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có Tờ trình số 3800/TTr – GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên.
Đây là lần thứ 2 trong vòng 3 tháng qua, Bộ GTVT trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên lên cấp có thẩm quyền. Trong lần trình mới nhất, Bộ GTVT cho biết là đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo kết quả thẩm định và góp ý của các bộ, ngành liên quan.
Theo đề xuất, Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên có điểm đầu (La Sơn) tại Km0, kết nối với điểm cuối của tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn, thị trấn La Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; điểm cuối (Hoà Liên) tại khoảng Km66, nút giao Hoà Liên (kết nối với dự án Hòa Liên - Túy Loan đang đầu tư), xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.
Toàn bộ chiều dài dự án khoảng 64,95km sẽ được xây dựng theo quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 22m, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến hiện tại đang khai thác, cấp 80.
Hướng tuyến của Dự án sẽ bám theo tuyến cao tốc La Sơn - Hòa Liên đang khai thác, trường hợp cần thiết sẽ nghiên cứu, điều chỉnh cục bộ để nâng cao khả năng khai thác. Hướng tuyến này là phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng.
Hiện nền đường cơ bản cao tốc La Sơn – Hoà Liên đã hoàn thiện theo quy mô 4 làn xe với chiều rộng nền đường 22m, nên Bộ GTVT đề xuất tiến hành xử lý kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của dự án, an toàn trong khai thác.
Các nút giao trên tuyến vẫn giữ nguyên như hiện tại do đã được xây dựng cơ bản hoàn thiện trong giai đoạn trước đây. Riêng tại vị trí nút giao Tà Lang - Giàn Bí (do UBND TP. Đà Nẵng đầu tư bằng vốn ngân sách địa phương) đầu tư các hạng mục để bảo đảm khai thác đồng bộ, an toàn khai thác tại nút giao.
Công trình cầu, hầm trên tuyến sẽ tận dụng giữ nguyên các cầu, hầm đã được đầu tư với quy mô 4 làn; xây dựng mở rộng các cầu còn lại đảm bảo quy mô 4 làn xe, bề rộng cầu phù hợp với bề rộng nền đường.
Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 3.011 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng khoảng 2.518 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư, chi phí khác khoảng 252 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2 tỷ đồng; dự phòng khoảng 239 tỷ đồng.
Dự án dự kiến bố trí từ nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, trong đó: từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được bố trí để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư là 1,173 tỷ đồng và cân đối từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 được thông báo tại văn bản số 1303/TTg- KTTH ngày 6/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ là 3.009 tỷ đồng.
Bộ GTVT cho biết là Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn La Sơn - Hòa Liên sẽ chuẩn bị đầu tư năm 2023 - 2024, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Được biết, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan đi qua địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng, trùng với quy hoạch chi tiết đường cao tốc Bắc - Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Triển khai quy hoạch, căn cứ nhu cầu về nguồn lực, chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan giai đoạn 1 theo hình thức Hợp đồng BT với tổng mức đầu tư 11.485 tỷ đồng.
Trong đó, đoạn La Sơn - Hòa Liên có quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường 12m.
Quá trình thực hiện, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép sử dụng nguồn vốn còn lại của dự án để thực hiện một số hạng mục theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 22m gồm: Nền đường, các cầu nhỏ và hầm Mũi Trâu.Theo Bộ GTVT, việc mở rộng đoạn tuyến đạt quy mô cao tốc 4 làn xe sẽ nâng cao năng lực khai thác tuyến cao tốc La Sơn - Hòa Liên nói riêng, cùng với các tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Đà Nẵng - Quãng Ngãi hình thành trục giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ của khu vực.