'Đề nghị có Luật đô thị đặc biệt cho TP. HCM'
Chiều 15/12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP. HCM đã tiếp tục giám sát về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ QH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP. HCM, chủ trì buổi giám sát.
Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 54
Tại buổi giám sát, ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, cho biết qua những lần công bố các chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, quản trị… cho thấy TP. HCM dù cố gắng phấn đấu nhưng việc cải thiện (các chỉ số trên) rất chậm. Một trong những nguyên nhân liên quan đến tổ chức bộ máy, sắp xếp hành chính, nhân sự.
Theo ĐB Ngân, Nghị quyết 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM kéo dài 5 năm, đến năm 2022 thì coi như hết hạn nên cần phải tính lại. Từ đó, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị hai phương án.
Một là xin kéo dài Nghị quyết 54 thêm hai năm nữa vì trong hai năm 2020 và 2021 vướng dịch Covid-19 hoặc bổ sung một số điều cần điều chỉnh nhưng việc này sẽ kéo dài hơn.
Hai là đề nghị QH có Luật đô thị đặc biệt (ĐTĐB) cho TP. HCM vì Hà Nội đã có Luật Thủ đô rồi.
Tương tự, ĐB Huỳnh Hồng Thanh, Phó ban Đô thị HĐND TP. HCM, nêu vấn đề: Trong Luật Thủ đô của TP Hà Nội có đề cập đến các dự án trọng điểm nếu Hà Nội không cân đối được ngân sách thì sẽ được sự hỗ trợ của trung ương. ĐB Thanh cho rằng nhờ đó mà Hà Nội mới làm được nhiều dự án vành đai. “Làm sao đưa câu đó vào Nghị quyết 54 (sửa đổi) của TP. HCM hoặc chuyển nội dung đó thành luật” - ĐB Thanh đề nghị.
Còn ĐBQH Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng VKSND TP. HCM, đề nghị những gì UBND TP. HCM phân cấp được, nhanh thì phân cấp cho TP Thủ Đức vì hiện nay chiếc áo của TP Thủ Đức đã quá chật.
Ông kể huyện Bình Chánh là địa bàn rộng, nếu cơ cấu cán bộ theo khung thì dù cán bộ giỏi cỡ nào cũng không quản lý xuể. Bởi phần đông là dân nhập cư, quản lý rất khó khăn, kéo theo các vấn đề xã hội, đặc biệt là xây dựng trái phép và nhiều việc phải chạy theo. “Nếu đơn vị trên 100.000 dân thì một là tăng biên chế, hai là thành lập mới vì với bộ máy như thế thì không thể theo kịp tình hình” - ĐB Sang đề xuất.
“Chuyện nhỏ” từ cái bảng tên đường
Theo ĐB Cao Thanh Bình, sau khi sáp nhập, có một số việc “không lớn” nhưng chưa được làm đồng bộ. Chẳng hạn việc thay đổi bảng tên, biển hiệu, cũng một tuyến đường nhưng có nơi để quận 9, quận 2, quận Thủ Đức, có nơi đề TP Thủ Đức.
Chọn “cán bộ chuẩn” sau khi sắp xếp
ĐB Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. HCM, nêu vấn đề: Sau một thời gian sắp xếp các đơn vị hành chính, đã có nhiều việc “không có hướng ra”, vì đó toàn là những việc mà TP. HCM không thể quyết được.
Ông dẫn chứng TP Thủ Đức với 1,2 triệu dân, 34 phường mà chỉ có ba phó chủ tịch TP; số lượng biên chế thì giảm dần trong khi công việc hằng ngày giải quyết không xuể.
Đối với rà soát trụ sở làm việc, nhà ở công sau khi sáp nhập, ĐB Cao Thanh Bình cho biết có hiện tượng “xí phần”, một số trụ sở khác phải sửa chữa, nâng cấp, nếu không sắp xếp khoa học thì sẽ lãng phí rất lớn. Ông đề nghị nên đấu giá tài sản dôi dư để lấy kinh phí tái đầu tư hạ tầng hiệu quả hơn.
Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP. HCM đề nghị tận dụng việc sắp xếp biên chế để chuẩn hóa cán bộ. “Có những cán bộ cũ chưa đạt chuẩn thì bây giờ cần sắp xếp đảm bảo cán bộ đúng chuyên môn, cán bộ nào không đúng chuyên môn thì chia sẻ tâm tư sau đó giải quyết chính sách. Chứ không khéo giải quyết dôi dư xong quay lại thì thấy còn cán bộ chưa đạt chuẩn” - ĐB Bình nói.
Chia sẻ về thời điểm HĐND TP. HCM thông qua Nghị quyết 06/2020 thực hiện Nghị định 34/2019 sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, ĐB Cao Thanh Bình cho biết các ĐB rất buồn. “TP. HCM là đơn vị cuối cùng trong cả nước thực hiện Nghị định 34, sau khi trung ương có nhiều văn bản phê bình” - ông Bình nói và chia sẻ với các xã có hơn 100.000 dân nhưng cũng có bấy nhiêu cán bộ.
Phát biểu kết luận, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH TP. HCM, cho biết sẽ đồng hành cùng TP. HCM trong đánh giá các nghị quyết của QH, trong đó có Nghị quyết 54. Từ đó, kiến nghị với trung ương để có cơ chế đặc thù cho TP. HCM, đặc biệt là cho TP Thủ Đức để sắp xếp lại bộ máy, giúp Thủ Đức có đủ điều kiện thực hiện mục tiêu đặt ra khi sáp nhập.
Đối với việc đề xuất cơ chế đặc thù cho TP. HCM, ĐB Tuyết đề nghị các sở, ngành tham gia đề xuất theo hướng phải làm được, tăng tính chủ động cho TP, tránh việc trung ương nói cho TP nhiều nhưng tại TP không làm được.
“Nếu sửa Nghị quyết 54, ban hành mới hay ban hành luật hoặc ban hành nghị quyết chuyên đề về TP Thủ Đức sẽ có sự tham gia chặt chẽ của ĐBQH TP” - ĐB Tuyết khẳng định.
Cần giải quyết căn cơ những việc TP. HCM đang… “bơi”
ĐB Ngân đề nghị TP. HCM nên đặt hàng Hội Luật gia TP, Đoàn Luật sư TP nghiên cứu một luật giải quyết căn cơ những vấn đề mà TP đang “bơi”, đang vướng. “Biên chế của một phường 30.000 dân, 100.000 dân hay 150.000 dân thì tổ chức bộ máy thế nào? Hay như lực lượng cán bộ không chuyên trách vừa qua họ chiến đấu như cán bộ chuyên trách nhưng thu nhập rất thấp” - ĐB Ngân nêu dẫn chứng và đề nghị các sở, ngành nên ngồi lại với nhau.
“Đề nghị lãnh đạo TP ra đề án giao cho cơ quan chủ trì, soạn, xem xét có cơ chế đặc thù cho TP bằng cách luật hóa một số nội dung trong Nghị quyết 54. Nhưng trong quá trình chuẩn bị nếu làm không kịp thì xin gia hạn Nghị quyết 54 hai năm do ảnh hưởng đại dịch Covid-19” - ĐB Ngân nhấn mạnh và kiến nghị nên xem xét cơ chế tách xã đối với một số xã quá đông, không thể xin thêm bộ máy.