Đà Nẵng nói gì về vụ có thể bồi thường 2.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án ven sông Hàn?
Phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn đang là chủ đề “nóng” trong thời gian gần đây. Vấn đề đặt ra là làm sao để điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn để hài hòa các mặt cảnh quan của thành phố.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, qua các lần điều chỉnh, dự án được quy hoạch theo hướng tốt hơn khi tổng diện tích dự án điều chỉnh giảm còn 117.311m2. Trong đó, diện tích đất phần đất liền: 107.311m2, diện tích phần đất mặt nước, cầu tàu giảm từ 63.003m2 còn 10.000m2.
Ranh giới mặt nước cách luồng tàu chạy (do Cảng vụ Đà Nẵng quản lý) tăng từ 30m lên 60-200m, nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đường thủy; tăng diện tích công viên, cây xanh từ 7.065m2 thành 24.415m2.
Khu vực phía sông điều chỉnh từ 13 khối tháp cao tầng còn 2 khối tháp (chiều cao từ 16-33 tầng) và 57 căn biệt thự, góp phần giảm áp lực về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tại khu vực; bố trí lối đi công cộng ven sông rộng 8m, không xây dựng tường rào, cổng vào khu vực phía sông, tạo thuận tiện cho người dân tiếp cận không gian dọc bờ sông.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam, phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông đã được UBND thành phố thống nhất và đã có báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND về ưu điểm là tạo thêm một số không gian công cộng ven sông phục vụ lợi ích cộng đồng.
Từ đó, địa phương sẽ hình thành tuyến đường đi bộ ven sông rộng 20m xuyên suốt phục vụ cho người dân tiếp cận không gian ven sông. Tuy nhiên, về mặt kiến trúc cảnh quan, việc tổ chức nhà thấp tầng dàn trải, kéo dài, sẽ không phát huy được lợi thế của dự án tại vị trí ven sông có tầm nhìn thoáng rộng, hiệu quả chiếu sáng về đêm cho sông Hàn không cao.
Ngoài ra, việc thành phố phải bỏ ra khoảng 2.000 tỷ đồng để bồi thường là điều cần phải cân nhắc trong bối cảnh hiện nay.
Đối với phương án quy hoạch do các chủ đầu tư đề xuất, UBND thành phố xét thấy cơ bản phù hợp với định hướng của đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, nhưng cũng cần nghiên cứu các giải pháp về quy hoạch để có thêm diện tích cho các không gian mở kết nối thông suốt từ đường Trần Hưng Đạo và Lê Văn Duyệt về phía sông, dành không gian cho trục cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt phục vụ công cộng; đồng thời, cần quan tâm các giải pháp chiếu sáng cho các công trình cao tầng, góp phần tôn tạo cảnh quan sông Hàn về đêm.
Đối với việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch dự án Bất động sản và Bến du thuyền, dự án Olalani, ông Nam cho rằng, nguyên tắc đầu tiên là phải phù hợp với quy hoạch chung thành phố.
"Bên cạnh đó, cần xem xét đồng bộ, hài hòa cảnh quan tổng thể; ưu tiên dành không gian xanh phía sông cho công viên và phục vụ công cộng; bố trí đường cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt", Phó Chủ tịch Lê Quang Nam nêu rõ.
"Đề xuất xây cao tầng với khoảng cách các tòa tháp theo quy hoạch dự án Bất động sản và Bến du thuyền, dự án Olalahi được phê duyệt trước đây là có thể xem xét nhằm phát huy tầm nhìn thoáng rộng từ phía bờ Tây sông Hàn", ông Nam nhận định.