'Coteccons đã thực sự trở lại cuộc đua'
Mưa đã tạnh?
Với ngành xây dựng Việt Nam, Coteccons (HoSE: CTD) là một tượng đài, không chỉ bởi đã duy trì được tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc qua các năm mà còn vì đã xây dựng nên những công trình mang tính biểu tượng cho Việt Nam.
Song, kể từ năm 2019, CTD bắt đầu đi xuống. Ban đầu, sự đi xuống là do khó khăn chung của thị trường, nhưng về sau là do nội bộ công ty phát sinh mâu thuẫn. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là sự ra đi của nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương cùng cộng sự vào cuối năm 2020. Kể từ đó, CTD chìm vào khó khăn: “trắng” hợp đồng ký mới vào giai đoạn cuối năm 2020, bị đối tác hoài nghi về năng lực triển khai dự án và mất mát nhân sự.
Những khó khăn này đã phản ánh ngay lập tức vào kết quả kinh doanh các quý năm 2021 của CTD. Gần nhất là quý III, doanh thu thuần của công ty giảm tới 61% so với cùng kỳ và thay vì có lãi, công ty báo lỗ sau thuế 12 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần giảm 40% và lợi nhuận sau thuế giảm 76% so với cùng kỳ năm trước.
Tất nhiên, kết quả kinh doanh u ám này có sự tác động rất lớn của dịch bệnh và khó khăn chung của ngành xây dựng song không thể phủ nhận yếu tố nội bộ công ty. Bởi nhìn sang đối thủ lâu năm là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC), trong cùng một bối cảnh, công ty này vẫn kinh doanh có lãi.
Nói với Tạp chí Đầu tư Tài chính, chủ tịch CTD Bolat Duisenov đã phải dùng chữ “rất tệ” khi nhận xét về kết quả kinh doanh 9 tháng. Ông cũng không giấu giếm rằng dự kiến cả năm nay, doanh thu của công ty cao nhất chỉ là 9.000 tỷ đồng, một con số quá khiêm tốn so với đỉnh cao 2018 (28.561 tỷ đồng) và cách biệt đáng kể với năm liền trước đó (14.558 tỷ đồng).
Nhưng ông Bolat Duisenov cũng hàm ý rằng cơn mưa đã tạnh. Một năm cầm quyền ở CTD, vị chủ tịch người Kazakhstan đã tập trung vào tái cấu trúc công ty và tự tin đang đi đúng lộ trình. “Quá trình tái cấu trúc sẽ gồm 3 giai đoạn: chuẩn hóa – chuyển đổi – mở rộng đầu tư.
Ở thời điểm hiện tại, có thể nói chúng tôi đã hoàn thiện giai đoạn 1. Từ 2022, chúng tôi sẽ tập trung vào hiệu suất làm việc, phát triển nhân tài. Bên cạnh đó, giai đoạn 2 cũng sẽ tập trung vào các chính sách, quy trình làm việc, phát triển ý tưởng và công cụ hỗ trợ cho việc chuyển đổi”.
Đáng kể nhất là ông Bolat Duisenov cho biết CTD đã chú trọng phát triển thêm mối quan hệ với các khách hàng mới, tăng cường hiệu quả của phòng đấu thầu và phát triển kinh doanh. “Điều này đảm bảo cho việc phát triển bền vững của công ty không phụ thuộc vào bất kì cá nhân nào”, ông nói đầy hàm ý.
Trên thực tế, hoạt động kinh doanh quý IV của CTD cũng đã cho thấy những tia nắng đầu tiên sau cơn mưa dài 9 tháng. Trong 2 tháng đầu của quý IV, công ty đã thắng hơn 20 dự án với tổng giá trị lên đến 10.000 tỷ đồng, nâng tổng số dự án công ty trúng thầu tính đến ngày 9/12 lên con số 40 với giá trị 25.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ biến động nhân sự được kiểm soát ở dưới mức 20%. CTD cũng ghi nhận nhiều nhân sự cũ quay lại.
“Thời gian vừa qua, tôi và công ty đã trải qua những chuyện mà chúng tôi chưa bao giờ nếm trải. Nhưng chúng tôi đã và đang nỗ lực hết sức. Một năm từ khi tôi ngồi vị trí chủ tịch Coteccons, tại thời điểm này, tôi có thể nói rằng Coteccons đã thực sự trở lại cuộc đua”, ông Bolat Duisenov nhấn mạnh.
Đường còn dài
Như trên đã nói Coteccons là một tượng đài. Tục ngữ nói rất hay “con sâu trăm chân, chết cũng chẳng ngã”. Kết quả 9 tháng năm 2021 của CTD rất tệ nhưng vẫn tồn tại những điểm sáng làm nền tảng: sạch nợ vay, nhiều tiền mặt (khoảng 3.000 tỷ đồng) và dòng tiền kinh doanh tính theo quý bắt đầu dương.
Trong một thị trường xây dựng đang cạnh tranh dữ dội về giá, nơi nhiều đơn vị sẵn sàng giảm lợi suất để lấy doanh thu, ông Bolat Duisenov khẳng định CTD sẽ không lao theo cuộc đua này, thay vào đó là chất lượng sản phẩm và giá trị dịch vụ cộng thêm mà khách hàng nhận được.
Trong kỷ nguyên mới của CTD, ông đề cập đến khái niệm “Coteccons Inside” – những giá trị khác biệt của công ty này đối với phần còn lại, gồm: giải pháp xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn bền vững với môi trường, đa dạng hóa hệ sinh thái dịch vụ và sản phẩm để tối ưu hoá giá trị lợi ích cho khách hàng, tập trung vào trải nghiệm khách hàng…
Trong giai đoạn tới, CTD sẽ tập trung vào 4 mục tiêu quan trọng. Một là đa dạng hoá công nghệ kỹ thuật để có thể nhận bất kỳ công trình nào, tiếp tục lấn sân sang các ngành nghề mới. Hai là cam kết tương lai bền vững và các giải pháp xây dựng xanh, cung cấp giải pháp giảm thiểu carbon trong các công trình. Ba là cải thiện chất lượng dịch vụ, giúp cho khách hàng cảm thấy tiện lợi và thoải mái. Bốn là, trong 5 năm tới, Coteccons không muốn chỉ là nhà thầu thông thường mà còn muốn là đối tác tư vấn toàn diện về tài chính, thiết kế, marketing, giải pháp năng lượng, quản lý tiện ích.
Với những định hướng lớn nêu trên, giới quan sát có thể thấy CTD dưới thời của Bolat Duisenov đang có sự thay đổi rất đáng kể. Dường như, ông Bolat đang muốn truyền tải một thông điệp về tương lai gắn bó lâu dài với con thuyền CTD, xóa đi những nghi ngại cũ.
Khi được hỏi về điều này, vị chủ tịch người Kazakhstan trả lời khéo léo: “Vị trí hiện tại ở Coteccons có thể xem là sứ mệnh của bản thân thôi. Tôi đang đứng trên cương vị là chủ tịch của Coteccons chứ không phải một vị trí nào khác ở Kusto Group. Tôi đang tập trung tối đa bằng cả trái tim của mình tại nơi đây. Tôi và ban điều hành tin tưởng vào đội ngũ nhân sự giàu kinh nghiệm của Coteccons, không ai trong chúng tôi chỉ muốn xây dựng một công ty tầm thường, chúng tôi muốn kiến tạo một công ty phi thường”.
Ông Bolat đã nói. Còn thị trường, vẫn đang ngóng chờ một ngày CTD trở lại và lợi hại hơn xưa.