Cơn điên của cổ phiếu bất động sản tầm trung
Trong phiên giao dịch chứng khoán sáng ngày 16/11, cổ phiếu L14 của Licogi 14 ghi nhận mức giá kỷ lục là 300.000 đồng/cổ phiếu. Dù kết thúc phiên ở mức thấp hơn, 286.000 đồng/cổ phiếu, đây vẫn là mức thị giá cao nhất trên cả 3 sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay.
Cổ phiếu L14 vươn lên trở thành cổ phiếu nóng sau chuỗi ngày tăng giá liên tục từ đầu năm. Chỉ riêng từ đầu tháng 11 đến nay, giá cổ phiếu L14 đã tăng tăng 46%. Còn nếu tính từ đầu năm, giá cổ phiếu đã tăng gần 6 lần.
Diễn biến giá cổ phiếu L14 có thể miêu tả chính xác “cơn điên” cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản thời gian qua. Dòng tiền trên thị trường chứng khoán chảy rất mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản, biến nhiều công ty vốn hóa nhỏ, gần như không có giao dịch, thị giá ở mức thấp bất ngờ tăng vọt.
Chẳng hạn, đầu tháng 9, cổ phiếu API của Công ty Đầu tư châu Á – Thái Bình Dương (APEC Investment) chỉ có 20.000 đồng/cổ phiếu nhưng sau khi 2 quỹ ngoại bán ra hơn 35% vốn, cổ phiếu này đã tăng liên tục. Đến ngày 17/11 API có giá 99.000 đồng/cổ phiêu, tăng 5 lần sau hơn 2 tháng.
Nếu tính từ đầu năm đến nay, rất nhiều cổ phiếu bất động sản có mức tăng bằng lần. Có thể kể tới những cái tên như cổ phiếu của APEC Investment (tăng 423%); Công ty Đầu tư nhà đất Việt (350%); Licogi 14 (282%); Công ty Đệ Tam (188%); Tập đoàn BGI (170%); CEO Group (154%); DRH Holdings (120%)…
Đáng chú ý, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp không có hoạt động, mất thanh khoản cũng bất ngờ "sống dậy". Cổ phiếu TGG của Công ty Louis Capital (tiền thân là Công ty Xây dựng và đầu tư Trường Giang) từ giá chỉ 2.000 đồng vào thời điểm đầu năm lên mức 75.000 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 9.
Một cổ phiếu khác liên quan đến Louis Capital như BII của Công ty Louis Land cũng tăng mạnh từ mức giá 3.000 đồng/cổ phiếu lên 35.000 đồng/cổ phiếu. Dù thị giá những cổ phiếu này đã nhanh chóng giảm mạnh sau khi đạt đỉnh, thị giá hiện tại vẫn tăng hàng chục lần so với thời điểm đầu năm.
Tốc độ tăng chóng mặt thị giá cổ phiếu còn đưa hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản trở thành công ty có vốn hóa tỷ đô như như Nhà Khang Điền, Nam Long, IDICO hay DIG.
Trong đó, giá cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đã tăng hơn 3 lần, từ mức 20.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm lên mức 67.000 đồng/cổ phiếu.
Đà tăng thị giá diễn ra bất chấp việc DIG phát hành lượng lớn cổ phần nhằm bổ sung vốn kinh doanh. Đầu tháng 10, công ty đã hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 75 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng, huy động 1.500 tỷ đồng đầu tư vào Dự án Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu. Trong đó, 2 tổ chức tham gia là Chứng khoán Liên Việt mua 2 triệu cổ phiếu và Công ty Đầu tư Phát triển Thiên Tân mua 38 triệu đơn vị, chiếm hơn một nửa tổng lượng cổ phiếu phát hành.
Trái ngược với đà khởi sắc của ngành, giá cổ phiếu những doanh nghiệp bất động sản đầu ngành lại tỏ ra im ắng. Bộ ba cổ phiếu Vingroup (VIC), VinHomes (VHM), Novaland (NVL) gần như không tăng giá. VinHomes đi ngang trong suốt cả năm qua dù kết quả kinh doanh rất khả quan. Cổ phiếu Vingroup có đợt nổi sóng hồi tháng tư sau đó bước vào giai đoạn điều chỉnh. Còn Novaland có giai đoạn tăng mạnh nửa đầu năm sau đó đi ngang cho đến hiện nay
Đáng chú ý, biến động tăng giá cổ phiếu bất động sản trên thị trường chứng khoán hoàn toàn lạc nhịp với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Công ty Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay ghi nhận doanh thu 9 tháng đạt 86 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp âm 48,7 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc ghi nhận lỗ 33 tỷ so với cùng kỳ là do ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh tại các địa phương, khiến doanh thu công ty mẹ và các công ty con bị giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo công ty ghi nhận 3 quý lỗ liên tiếp nâng tổng lỗ luỹ kế của doanh nghiệp lên 693 tỷ đồng, chiếm tới 77% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Tổng tải sản của NVT tính đến 30/9/2021 đạt 859 tỷ đồng, nợ phải trả ngắn hạn và dài hạn tăng rất mạnh, gấp 3,4 lần so với đầu năm.
Bất chấp hoạt động kinh doanh thua lỗ nặng nề, giá cổ phiếu NVT của Ninh Vân Bay vẫn tăng hơn 100% từ đầu năm đến nay, từ mức giá 5.200 đồng/cổ phiếu lên trên 11.000 đồng/cổ phiếu.
Trong trường hợp của DIG, dù giá cổ phiếu tăng nóng, tình hình kinh doanh của Công ty lại không tương xứng khi quý 3/2021, công ty công bố lợi nhuận giảm mạnh 44%. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 139 tỷ đồng, chỉ mới thực hiện được 9% chỉ tiêu cả năm.
Tập đoàn CEO ghi nhận luỹ kế 9 tháng đầu năm 2021 đạt doanh thu 406 tỷ đồng, giảm 40,5%. Công ty cũng lỗ sau thuế 224 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Kinh doanh trì trệ khiến dòng tiền kinh doanh trong kỳ cũng chuyển từ dương 112 tỷ sang âm hơn 144 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư tài chính cũng âm 81 tỷ, dẫn đến dòng tiền thuần trong kỳ của CEO đang âm hơn 169 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản CEO vào mức 7.012 tỷ đồng, giảm so với đầu kỳ, trong đó tiền mặt công ty giảm đáng kể. Bất chấp tình hình kinh doanh bi đát, giá cổ phiếu CEO tăng miệt mài thời gian qua. Hiện thị giá cổ phiếu công ty đạt 26.200 đồng/cổ phiếu, tăng 154% so với đầu năm.
Sự lệch pha giữa kết quả kinh doanh của doanh nghiệp với đà tăng giá của cổ phiếu khiến các chỉ số định giá doanh nghiệp trở nên méo mó. Chỉ số PE của Licogi 14 đã gần 150 lần – cho thấy giá cổ phiếu đã tăng quá cao so với khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp. Tương tự, nhiều doanh nghiệp cũng có mức PE “khủng” như LDG (107 lần), DIG (42 lần), API (40 lần)…