Đời sống   •   Thứ ba, 01/02/2022, 14:05 PM

Chợ Việt xưa và nay: Mai vàng và áo dài chợ Tết Huế

Nói đến Tết Việt là phải nói đến chợ Tết. Muốn có Tết thì phải có chợ Tết. Chợ Tết không phải là chợ thông thường, dù vẫn tấp nập mua bán, tấp nập hơn chợ thường ngày rất nhiều, tới mức người ta phải nói “Đông như chợ Tết”, mà còn được nâng lên thành đặc sản, thành văn hóa.

Chợ gắn với những vùng đất, những khu vực cụ thể. Và vì thế trở thành một “món Tết” rất thú vị ngang với những “món” ăn chơi khác. Ăn chơi, bởi lâu nay, hồi còn khó khăn ấy, người ta chỉ lo ăn Tết, cả năm đầu tắt mặt tối, mong có ba ngày Tết để ăn uống cho thỏa. Đói mấy thì đói, Tết vẫn có những ngon hơn ngày thường để ăn và ăn no. Rồi sau đấy, cái ăn không còn là mối lo nữa, thì người ta lo chơi Tết. Đã có nhiều gia đình trẻ, cứ Tết là khóa cửa đi chơi, có điều kiện thì ra nước ngoài, không thì trong nước, đi chơi Tết.

Một trong những điểm để “chơi” Tết là chợ Tết.

Mỗi vùng có một đặc sản chợ Tết, phù hợp với sản vật và thói quen của vùng ấy, ngoài những thức rất chung như lương thực, thực phẩm, thịt cá, rau gạo...

Gia đình tôi ở Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Ra trường tôi đi một hơi lên Pleiku, nhưng cứ Tết là lại về. Về để hưởng không khí Tết quê, để chìm mình vào cái không khí đặc quánh Tết quê ấy.

Chợ Tết Huế có mấy “đặc sản” mà dẫu có đi tận đâu tôi vẫn mải miết nhớ.

Đầu tiên là cái mùi nhang trầm bảng lảng khắp nơi. Mỗi vùng có một cách làm hương, người Bắc là hương bài, người Nam hương sắc như mùi nước hoa, còn người Huế là mùi trầm thoang thoảng. Không chỉ trong từng nhà, mà ở cả chợ, nhất là các gian bán tạp hóa. Cái mùi hương trầm Huế rất đặc trưng, khác trầm những nơi khác, hỏi khác thế nào rất khó giải thích, phải tới khi đứng ở đấy, giữa ngào ngạt tinh túy ấy, mới cảm nhận được.

Thế giới hương của người Huế là từ phía Nam Giao trở lên, nơi có rất nhiều chùa và lăng tẩm. Ở đấy người ta sản xuất hương như một tín ngưỡng, kỹ càng, kỳ khu và đầy tính nghệ thuật.

Nữa là áo dài. Ngày xưa, phàm là con gái Huế, ra đường là phải áo dài và đội nón. Đó là một khuôn phép, ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Gái Huế nhẹ nhàng, dịu dàng, lễ phép, chậm rãi, khoan thai... ngoài sự dạy dỗ, giáo dục của gia đình, còn bị chi phối từ những tà áo dài kia. Nhớ những lần tôi, khi đương là sinh viên văn khoa của trường Đại học Tổng hợp Huế, đứng ở ban công Morin nhìn các em nữ sinh Hai Bà Trưng, Quốc học đi học rợp cầu Trường Tiền rồi tràn xuống Lê Lợi. Mưa nhưng họ vẫn không chạy, vẫn chậm rãi khoan thai bước, cặp sách ôm trước ngực, nón che đầu, tóc thề lất phất, cứ thế, Huế trôi trên đường Lê Lợi.

Và các bà các chị đi chợ cũng áo dài.

Tôi về khi áo dài đã hiếm, do khó khăn, người ta dỡ áo dài ra sửa thành áo cụt. Thế mà, vẫn thấy những mệ, những dì, những chị áo dài gánh đồ ăn đi bán. Họ xuất phát từ Cồn Hến, từ những làng ngoại ô, gánh những là bún, bánh canh, bánh bèo nậm lọc... vào phố bán. Họ đều mặc áo dài. Tất nhiên không phải màu trắng nữ sinh. Đa phần màu sậm, nâu sậm, tím sậm... Những gánh đồ ăn ấy trở thành một đặc sản Huế.

Xem những ảnh cũ chợ Đông Ba thấy phụ nữ Huế mặc áo dài bán hàng, đi chợ, thích lắm.

Hơn mười năm lại đây, Huế phát động phong trào áo dài. Festival Huế năm nào cũng có trình diễn áo dài, trở thành thương hiệu. Và mấy năm nay thì áo dài công sở, cho cả nam giới. Và Tết, tất nhiên là người Huế mặc áo dài. Người Huế mặc áo dài như một hành động tự thân, như một nhu cầu chứ không phải vì phong trào. Tôi về quê đi ăn giỗ, ăn cưới hay có việc họ việc làng mà không mặc áo dài, cứ như là người lạc lõng. Trong tủ quần áo của tôi có mấy bộ áo dài khăn đóng. Trước thì chỉ đàn ông trên 60 tuổi mới mặc, giờ với sự “phục hưng” áo dài mà tỉnh Thừa Thiên Huế phát động, thì chả cứ tuổi nào. Còn phụ nữ thì tất nhiên rồi. Hồi khổ nhất thì trong tủ của mỗi phụ nữ Huế vẫn có ít nhất một bộ áo dài. Đám hỏi, đám cưới, giỗ và Tết là mang ra mặc.

Chợ Tết Huế, vì thế, sẽ không thể thiếu áo dài. Và màu sắc áo dài ấy sẽ tưng bừng thêm với màu sắc của hoa, mà hai loại hoa đặc sản Huế là Hoàng mai và hoa giấy Thanh Tiên.

Mai là đặc sản miền Nam, mỗi nơi một giống khác nhau. Người sành mai cho rằng màu vàng mai Huế vương giả hơn, quý phái hơn, sang trọng hơn và lá luôn xanh. Nếu như mai thế Bình Định, Phú Yên khi nở hoa thì rừng rực một màu vàng từ ngọn tới gốc, thì mai Huế thong thả hơn, lá xanh hoa vàng xen nhau. Và vì thế, bộc lộ hết sức quý phái sang trọng, đan xen trữ tình dịu dàng chứ không dữ dội, vừa kiêu hãnh vừa e ấp khiêm cung, tạo nên đặc trưng cung đình.

Làng Thế Chí Tây của tôi là làng mai nổi tiếng xứ Huế. Trăm năm trước có người mang giống mai từ triều đình về, lai tạo, và hợp chất đất, nên sinh ra một loại mai đặc trưng, để giờ làng trở thành làng nghề truyền thống trồng mai. Dân làng chơi mai như nghệ sĩ và bán mai như công ty kinh doanh. Có những cây mai trị giá gần tỉ đồng. Tất nhiên, Tết không thể thiếu cảnh nhộn nhịp người khắp nơi về làng ngắm mai, mua mai, biến nơi đây thành một khu chợ đặc biệt. Mấy năm trước, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã phát động một phong trào trồng mai trước cửa nhà, cổng công sở, ngoài đường. Mai Huế lại càng có điều kiện tưng bừng trong Tết.

Cũng Huế, có một làng hoa nữa rất thú vị, là hoa giấy. Làng hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, nguyên là làng làm hoa giấy để phục vụ thờ cúng, có tuổi nghề hơn ba trăm năm, giờ chuyển sang làm hoa trang trí, nhất là hoa sen. Sen Tịnh Tâm Huế cũng nổi tiếng cùng các vùng sen Việt Nam như sen Tây Hồ, sen Kim Liên, sen Đồng Tháp. Giờ sen Tịnh Tâm cũng được nhân giống ở nhiều vùng trong tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng hoa sen giấy Thanh Tiên vẫn có giá trị riêng. Tết ở các chợ Huế không thể thiếu những sắc hoa Thanh Tiên này. Tôi rất ấn tượng với những cái xe đạp cắm đầy hoa giấy nhiều màu sắc, vừa trang trí vừa hữu dụng, vừa phục vụ vừa trưng bày. Một số khu du lịch đã mang nghề hoa giấy Thanh Tiên về vừa để lưu giữ vừa để giới thiệu và cả kinh doanh...

Thì đã nói, chợ Tết đa phần là giống nhau, nhưng đi sâu nhìn kỹ, thì lại thấy có những nét khu biệt. Để, người đi đâu làm đâu, Tết là nhớ để về. Không phải để ăn tết nữa, dù đặc sản ẩm thực quê vẫn mời gọi hấp dẫn, mà để lặn vào không khí Tết, vào hương vào hoa, vào tâm thức vùng đất, mà rưng rưng hoài niệm, mà hít thở xuýt xoa... Quê hương đấy, ruột rà, ký ức đấy, thăng hoa đấy...

Và những tour du lịch chợ Tết, tại sao không nhỉ?

Lúc này những tất tưởi, lo toan, những dồn nén, căng thẳng, những tằn tiện chi li, những hào phóng buông xả... vì Tết không còn nữa, chỉ còn những sắc màu Tết, những hân hoan Tết, những mong mỏi Tết... để về chơi chợ Tết...

Nhà văn Văn Công Hùng

Chợ Việt xưa và nay: Nôn nao mùi chợ Tết xưa

Quê tôi huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, vốn thuộc miền Kinh Bắc xưa, là nơi có truyền thống buôn bán từ lâu đời nên chợ búa khá phát triển. Nhưng không phải làng nào cũng có chợ. Trong vùng, chỉ có một số nơi thuận tiện đường giao thông, tập trung dân cư đông, thì mới mở chợ mà thôi.

Lễ kỷ niệm 29 năm thành lập CLB Thái Cực Đông Gia quận 3: Chặng đường phát triển vững mạnh

Đời sống   •   Thứ tư, 20/11/2024, 23:20 PM
Ngày 20-11 tại Nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (quận 3), bộ môn Đông Gia Thái Cực thuộc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Quận 3 đã tổ chức chương trình kỷ niệm 29 năm thành lập với sự tham gia của hơn 300 vận động viên. Đây là một trong những CLB thể thao nổi bật của TP.HCM, đã và đang đóng góp tích cực vào phong trào thể dục thể thao của quận và thành phố.

CLB Phóng viên Đời sống – Xã hội quyên góp hơn 100 triệu đồng hướng về đồng bào vùng bão lũ

Đời sống   •   Thứ hai, 16/09/2024, 10:32 AM
Với tinh thần thiện nguyện, Câu lạc bộ Phóng viên Đời sống Xã hội TP.HCM đã phối hợp với đội bóng Jade Royal và các nhà tài trợ tổ chức trận đấu bóng đá mang tên “Một trái tim, triệu yêu thương”. Sự kiện nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay đóng góp hỗ trợ đồng bào miền Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão lũ.

Kết thúc Cuộc đua xe đạp Về Điện Biên Phủ - 2024 Cúp Báo Quân Đội nhân dân: Phạm Lê Xuân Lộc giành 4 danh hiệu cá nhân chung cuộc.

Đời sống   •   Thứ hai, 06/05/2024, 08:01 AM
Chiều 5/5, giải đã kết thúc sau khi các tay đua thi đấu chặng 5 chạy 17 vòng quanh TP.Điện Biên Phủ dài 40,8 km, với chiến thắng thuộc về tay đua Nguyễn Văn Bình (TP.HCM Vinama) khi rút thắng trước tốp đông ở chặng đua cuối, tay đua trẻ Phạm Lê Xuân Lộc (Quân Đội) đã giành cả 4 danh hiệu cá nhân chung cuộc của giải và đội Dược Domesco Đồng Tháp đã bảo vệ thành công chức vô địch đồng đội.

Chặng 4 Cuộc đua xe đạp Về Điện Biên Phủ - 2024 Cúp Báo Quân Đội nhân dân: Các danh hiệu lại thay đổi

Đời sống   •   Thứ bảy, 04/05/2024, 15:33 PM
Sáng 04/5, các tay đua thi đấu chặng 4 từ TP.Sơn La đi TP.Điện Biên Phủ (Điện Biên) dài 155 km, với tay đua trẻ Phạm Lê Xuân Lộc (Quân Đội) đã giành lại danh hiệu áo vàng và chắc chắn giành giải áo chấm đỏ - vua leo núi sau khi vượt qua hai đèo Pha Đin và Tằng Quái. Đội Dược Domesco Đồng Tháp đã làm cuộc lật đổ ở 10 km cuối để vượt qua đội TP.HCM và vươn lên dẫn đầu giải đồng đội sau chặng đua quyết định này. Tay đua Nguyễn Hướng (Le Fruit Đồng Nai) đã rút thắng trước tốp đi đầu dể giành chiến thắng chặng, về nhất với thành tích 4h 11’53” - tốc độ trung bình 36, 922 km/h.

FedEx hợp tác mang dịch vụ chăm sóc sức khỏe tim mạch miễn phí đến cho trẻ em nông thôn Việt Nam

Đời sống   •   Thứ bảy, 04/05/2024, 10:05 AM
FedEx Express, công ty con của Tập đoàn FedEx Corp. (NYSE: FDX), một trong những công ty chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới phối hợp với Tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) năm thứ 13 liên tiếp triển khai Chương trình 'FedEx Mang Nhịp Đập Đến Trái Tim' tạo điều kiện cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh tại các vùng nông thôn Việt Nam được thăm khám và điều trị y tế miễn phí.