Cách xử lý khi thang máy gặp sự cố
Nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thang máy
Theo thông tin ban đầu, 23h ngày 19/10, chị N.H.A (21 tuổi, trú tại quận Đống Đa) cùng bạn đi thang máy tại tòa nhà ở số 51 ở phố Kim Mã từ tầng 8 xuống tầng 1. Khi thang máy đến tầng 7 thì bị kẹt lại. Chị N.H.A cùng bạn nhanh chóng gọi cứu hộ và được bảo vệ tòa nhà phá cửa thang máy để thoát ra ngoài. Tuy nhiên, trong lúc trèo ra khỏi thang máy, chị A. bất ngờ bị rơi từ tầng 7 xuống tầng 1 theo đường hố thang và không may đã tử vong.
Xem thêm Thang máy gặp sự cố, cô gái trẻ rơi từ tầng 7 tử vong
Đây không phải trường hợp duy nhất gặp nạn khi sử dụng thang máy. Trước đó, đã có rất nhiều những vụ việc thương tâm khác xảy ra do sử dụng thang máy không đúng cách, thang máy gặp trục trặc,....
Mặc dù thang máy đang dần trở thành một phương tiện vận hành quen thuộc với người dân, nhưng do tính chất vận hành, thang máy cũng tiềm ẩn một số nguy cơ:
1. Thang ngừng hoạt động khiến người bị nhốt bên trong
Đây là trường hợp thường thấy nhất, xảy ra do lỗi điều khiển, mất điện, dây cáp, động cơ,....
2. Cửa thang máy bị kẹt gây nguy hiểm với người sử dụng
Cảm biến của cửa kém hoặc xảy ra lỗi khiến cửa thang không cảm nhận được sự ra vào của người sử dụng. Tình huống này khiến người đi qua cửa thang dễ bị kẹp lại.
3. Cửa và cabin hoạt động không chính xác tạo ra hố “tử thần”
Lỗi này khiến cửa và cabin không đồng nhất, khi cửa mở cabin vẫn còn đang ở tầng dưới hoặc tầng trên. Vì thế, sau cửa chính là hố “tử thần” khiến người sử dụng gặp nguy hiểm tính mạng.
4. Sự cố thang máy rơi tự do
Thang rơi tự do vì đứt cáp, tuột cáp, kém chất lượng,.... khiến người sử dụng gặp chấn thương nặng.
Những lưu ý khi sử dụng thang máy
Để tránh gặp sự cố và hạn chế nguy hiểm khi di chuyển bằng thang máy, người sử dụng cần lưu ý một số điểm sau:
1. Luôn quan sát các nút nhấn gọi máy, bấm chọn tầng dứt khoát.
2. Khi ra vào thang chú ý nhìn dưới chân để đảm bảo an toàn
3. Không bước vào thang máy khi đã quá tải trọng
4. Không đi thang máy nếu có sự cố hỏa hoạn
5. Hạn chế di chuyển với những thang máy đã cũ
6. Hạn chế di chuyển một mình trong thang máy
7. Không để trẻ nhỏ di chuyển một mình trong thang máy
8. Giữ khoảng cách an toàn với cửa
Trong trường hợp thang máy gặp sự cố, người sử dụng phải ổn định tinh thần, lấy lại sự bình tĩnh và có các biện pháp xử lý thích hợp.
Khi thấy thang máy không hoạt động, nên báo ngay cho Ban Quản lý tòa nhà hoặc người có liên quan để họ nhanh chóng xử lý và không di chuyển bằng thang máy khu vực đó nữa.
Khi thang máy ngừng hoạt động, chờ thang ổn định và đưa bạn đến tầng gần nhất, sau đó, hãy ấn nút gọi cứu hộ và liên lạc ngay với bảo vệ tòa nhà nếu đó là khu vực bạn sinh sống. Đặc biệt, khi ra khỏi thang, cần chú ý thang đã có sự ổn định, ra ngoài một cách nhanh chóng và chú ý dưới chân.
Đối với trường hợp thang rơi tự do, người sử dụng cần nằm hoặc ngồi xuống sát nền thang, dựa sát vào mặt bao quanh thang và ôm lấy đầu để giảm thiểu thương tích. Chú ý không hoảng loạn, không xô đẩy, vì những hành động đó sẽ gây ra nhiều thương tích hơn.
Thang máy giúp cuộc sống của con người trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn của bản thân và những người xung quanh, bạn nên tìm hiểu kỹ về cách sử dụng thang máy và cẩn trọng khi di chuyển.