Xếp hạng tín nhiệm là 'lớp phòng thủ' trong đầu tư trái phiếu
Trước việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có nhiều vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Hiện các quy định đang kiểm soát các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với ba mục tiêu: Kiểm soát tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, kiểm soát tài sản đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu và kiểm soát hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu đúng mục đích, hiệu quả, minh bạch.
Tuy nhiên, với ba mục tiêu này, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc kiểm soát trái phiếu của Việt Nam chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài mục tiêu kiểm soát tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, các mục tiêu còn lại đều không phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm thế giới.
Theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không cần tài sản đảm bảo và cũng không có quy định nào buộc các doanh nghiệp phải sử dụng vốn huy động đúng mục đích. Quy định tại nhiều nước trên thế giới cho thấy, các doanh nghiệp huy động trái phiếu được toàn quyền sử dụng nguồn vốn từ các nhà đầu tư.
Ông Nghĩa cho rằng, việc kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp bằng cách kiểm soát tài sản đảm bảo và mục đích sử dụng vốn là không hợp lý và gây lãng phí rất lớn cho công tác quản lý của các cơ quan ban ngành.
"Quy định về tài sản đảm bảo chỉ phù hợp với những doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp thì lấy đâu ra tài sản đảm bảo. Khi phát hành trái phiếu họ chỉ có ý tưởng, kế hoạch kinh doanh, không lẽ họ không được phát hành trái phiếu", ông Nghĩa chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc buộc ngân hàng trung ương, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn là việc làm vô cùng tốn kém và không hiệu quả.
"Tiền từ trái phiếu không giống như nguồn tiền cho vay từ các ngân hàng. Do vậy, rất khó để kiểm tra mục đích sử dụng. Hơn nữa, việc kiểm soát này chỉ có các ngân hàng mới làm được vì dòng tiền từ ngân hàng ra, họ có thể giải ngân chậm hay nhanh, chứ tiền thu được từ phát hành trái phiếu làm sao làm được như vậy", ông Nghĩa cho hay.
Cũng theo vị chuyên gia này, các nước trên thế giới có cách làm khác để kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, họ đề cao xếp hạng tín nhiệm với các tiêu chí quan trọng như đòn bẩy tài chính doanh nghiệp, thanh khoản, dòng tiền, lợi nhuận... Những xếp hạng này được công khai minh bạch, nhà đầu tư nhìn vào đó để quyết định đầu tư.
Trước thực trạng tại Việt Nam, ông Nghĩa cho rằng, để kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ nên tập trung vào các quy định công bố tài chính, kiểm toán định kỳ và xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành.
Trong đó, xếp hạng tín nhiệm là việc làm vô cùng quan trọng. Các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy nhanh, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia xếp hạng để dẫn dắt cho thị trường. Có thể có những doanh nghiệp xếp hạng hơi yếu thì cần thêm yêu cầu về tài sản đảm bảo nhưng tài sản đảm bảo không thể là điều kiện tiên quyết để kiểm soát doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Trái phiếu doanh nghiệp là thị trường có ý nghĩa rất lớn đối với ngành sản xuất nói chung và bất động sản nói riêng. Để thị trường phát triển dài hạn, các doanh nghiệp có nguồn vốn phát triển dự án, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có giải pháp quản lý kịp thời để giúp thị trường phát triển minh bạch, bền vững, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng, phát hành trái phiếu là quyền của các doanh nghiệp. Luật Chứng khoán, Nghị định 153 đã quy định rõ về phát hành trái phiếu, đây là công cụ hỗ trợ về vốn cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp.
"Cần hiểu rằng, khi vận hành nền kinh tế theo nguyên tắc kinh tế thị trường thì khi xảy ra sự cố cũng cần tuân theo nguyên tắc kinh tế thị trường để giải quyết. Vì vậy, ngoài các biện pháp kiểm soát doanh nghiệp, khi quyết định đầu tư, tự các trái chủ, người có tiền phải nghiên cứu kỹ doanh nghiệp trước khi đầu tư để tránh rủi ro. Quy luật rủi ro đi cùng lợi ích là điều tất yếu trên thị trường", ông Kiên nhận định.
Còn về thực trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng ngân hàng chống lưng để phát hành trái phiếu, không dùng nguồn tiền đó để phát triển các dự án sẵn có mà dùng để mua gom đất, ông Nghĩa cho rằng, Chính phủ cần phải có cơ chế khác để kiểm soát việc này.
Đi mua đất, gom đất, gom tài nguyên chính là tự diễn biến, tự chuyển hóa của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu các quy định về đánh thuế bất động sản, đánh thuế đất không sử dụng nhằm chặn đứng đầu cơ tài nguyên dài hạn.