Thiếu vật liệu làm dự án cao tốc Bắc-Nam: Hai Bộ dồn sức gỡ vướng
Trước thực trạng nguồn cung vật liệu xây dựng đắp nền đường cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường đang gặp khó khăn, chiều 14/2, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Giao thông vận tải đã họp, tìm cách gỡ vướng trong triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam.
Còn thiếu hụt khoảng 10,8 triệu m3 đất đắp
Ngày 11/2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, tại Nghị quyết số 18/NQ-CP, Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện ngay công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; và các quy hoạch khác có liên quan đảm bảo để các nhà thầu có thể khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường ngay sau khi ký hợp đồng xây dựng.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các thủ tục chuyển đổi đất rừng sản xuất sang đất hoạt động khoáng sản (nếu có); hướng dẫn các nhà thầu thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế, phí, lệ phí theo quy định.
Về các mỏ vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 về cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác, nâng công suất khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án trên.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định các Nghị quyết trên đã cơ bản tháo gỡ được vướng mắc về nguồn vật liệu đất đắp nền đường cung cấp cho các dự án thành phần. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện nay vẫn còn thiếu hụt khoảng 10,8 triệu m3 đất đắp tại 6 dự án thành phần.
Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ dự án
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi kiểm tra hiện trường thi công các dự án thành phần thuộc "dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020" và "dự án đường cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ," ngày 6/2/2022, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất sử dụng tro sỉ, cát biển làm vật liệu đắp nền đường.
Thi công một đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Tiếp đó, ngày 8/2, Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phối hợp, đề xuất nghiên cứu sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cho các dự án thành phần thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại cuộc họp lần này, đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp phục vụ cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Về việc hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết Tổng cục sẽ tích cực chủ động, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét giải quyết.
Đối với tiềm năng cát biển làm vật liệu san lấp phục vụ cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện chưa có tiêu chuẩn Việt Nam cho việc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp.
Do vậy, đại diện lãnh đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, lãnh đạo Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) đề xuất hai Bộ nghiên cứu để làm rõ tiềm năng, chất lượng, khả năng sử dụng, điều kiện khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng đáy biển đồng thời đánh giá tác động đến môi trường khi khác thác.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại diện lãnh đạo các đơn vị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên và Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ giao các đơn vị của 2 Bộ theo chức năng nhiệm vụ được phân công, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc theo quy định tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ để đảm bảo tiến độ dự án.