'Thắt lưng buộc bụng, chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn vẫn có thể tồn tại'
Nhìn lại năm 2022, Chủ tịch HĐQT Khang Land đánh giá đó là một năm biến động lớn của thị trường bất động sản. Đây được coi là một chuỗi nối tiếp những biến động của năm 2020 và 2021, bắt nguồn từ dịch Covid-19, sau đó đến sự biến động về lạm phát, giá cả leo thang. Đến 2022, cùng với những ảnh hưởng của dịch bệnh, các lệnh điều tiết về chính sách vĩ mô của Chính phủ đã tác động không nhỏ đến thị trường, khiến cho thanh khoản thị trường suy giảm mạnh từ quý II/2022.
Trong bối cảnh này, khó khăn là không tránh khỏi. Thứ nhất, tâm lý khách hàng đang chờ đợi giá tiền rẻ hơn khiến thị trường mất thanh khoản. Thứ hai, thị trường đang thiếu những sản phẩm chất lượng và pháp lý tốt. Thứ ba là room tín dụng bị siết. Thứ tư là do các chính sách quản lý của nhà nước tác động đến thị trường.
Điều đó ảnh hưởng đến doanh thu, các hoạt động bán hàng của doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các cán bộ công nhân viên đang hoạt động trên các chi nhánh toàn quốc.
So với 2 năm dịch bệnh, khó khăn hiện giờ còn tệ hơn rất nhiều. Mặc dù giai đoạn 2020-2021, thị trường bị giới hạn bởi rào cản tiếp xúc với khách hàng, nhưng thị trường vẫn luôn dồi dào cả về nguồn cung cũng như nguồn cầu. Mỗi lần nới lỏng giãn cách chỉ khoảng 3-4 tháng/lần nhưng ít nhất chúng ta vẫn có đủ thời gian để hồi sức. Còn so với đợt này, toàn bộ thị trường gần như tê liệt, mức độ thiệt hại về tiền sẽ lớn hơn rất nhiều lần.
“Chúng tôi đã phải tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp, cắt giảm nhân sự và tối ưu hóa chi phí, tăng số lượng thành chất lượng, tăng mức độ tinh nhuệ của nhân sự lên. Trong thời gian tới, ngoài việc tinh giản và tái cấu trúc doanh nghiệp cũng như nâng cấp nội lực, công ty cũng sẽ đánh giá lại thị trường và lựa chọn những sản phẩm có giá trị cốt lõi, đem lại giá trị thật sự cho khách hàng”, Chủ tịch Khang Land chia sẻ.
Ngoài ra, công ty cũng sẽ đưa ra các tiêu chí lựa chọn sản phẩm khắt khe nhất, qua đó cung ứng tới khách hàng những sản phẩm có nhiều giá trị như chất lượng sản phẩm, tiện ích, dịch vụ, uy tín, năng lực thực hiện và khả năng hoàn thành của chủ đầu tư, vị trí, pháp lý…
Để các doanh nghiệp tự cứu mình và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, ông Cao cho rằng giải pháp đầu tiên là phải đa dạng hóa nguồn thu, cắt giảm chi tiêu, đồng thời nâng cấp về công nghệ và con người. Bên cạnh đó, rà soát lại những điểm hạn chế, những điểm còn yếu kém trong giai đoạn trước đây để rút ra bài học cho mình.
Về mặt tài chính, áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng” và chuẩn bị cho cả kịch bản thị trường có thể xấu hơn để vẫn có thể tồn tại, vượt qua được. Cuối cùng, doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đánh giá lại xu thế lựa chọn những sản phẩm một cách kỹ lưỡng để thỏa mãn được các tiêu chí đầu tư của khách hàng.
“Tôi cho rằng, trong giai đoạn này, những doanh nghiệp làm ăn không chuẩn chỉnh, quản trị yếu, tài chính yếu và lối tư duy phát triển không có giá trị cốt lõi, phát triển lệch lạc, làm ăn phạm pháp, có những yếu tố mang tính chất trục lợi cho bản thân, xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng sẽ bị đào thải mạnh mẽ”, vị chủ tịch nói.