Thành viên Tập đoàn Đạt Phương (DPG) 'bỏ túi' khách sạn Casamia Hội An hơn 546 tỷ đồng
Thành viên Tập đoàn Đạt Phương (DPG) 'bỏ túi' khách sạn Casamia Hội An hơn 546 tỷ đồng
Dự án khách sạn Casamia Hội An có quy mô khoảng 10.275,3m2, thuộc địa giới hành chính thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Tổng mức đầu tư khoảng 546,2 tỷ đồng; trong đó, vốn góp của Đạt Phương Hội An là 109,2 tỷ đồng.
Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng khu khách sạn, khu nhà hàng để kinh doanh các dịch vụ: lưu trú, ăn uống, spa, hội thảo và các dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của khách du lịch.
Khách sạn Casamia Hội An bao gồm khu khách sạn cao 5 tầng và 1 tầng hầm; khu nhà hàng, spa cao 3 tầng; hồ bơi; cây xanh; giao thông nội bộ và các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Thời hạn hoạt động của dự án đến ngày 06/02/2068. Về tiến độ, từ tháng 01/2022 đến tháng 6/2022 sẽ thực hiện các thủ tục đầu tư, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng; còn từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2024 sẽ triển khai xây dựng công trình, lắp đặt thiết bị, đưa dự án vào hoạt động.
Về chủ đầu tư, Đạt Phương Hội An là công ty con của là công ty con của Công ty Cổ phần Đạt Phương (HoSE: DPG), được thành lập vào năm 2017, đóng trụ sở chính tại thành phố Hội An, Quảng Nam.
Khi mới thành lập, vốn điều lệ của Đạt Phương Hội An là 60 tỷ đồng, được góp vốn bởi 3 cổ đông. Cụ thể, Tập đoàn Đạt Phương góp 32,4 tỷ đồng, tương đương 54% vốn điều lệ, Lương Minh Tuấn góp 21,6 tỷ đồng, tương đương 36% vốn điều lệ còn Đàm Đại Thắng góp 6 tỷ đồng, tương đương 10% vốn điều lệ. Sau đó, Lương Minh Tuấn đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 10% đồng thời Tập đoàn Đạt Phương tăng tỷ lệ sở hữu lên 80%.
Năm 2018, Đạt Phương Hội An đã tăng vốn điều lệ lên 110 tỷ đồng, và tiếp tục tăng lên 190 tỷ đồng cùng năm. Đến tháng 11 năm nay, công ty này lại giảm vốn điều lệ xuống 171 tỷ đồng.
Tại tỉnh Quảng Nam, Đạt Phương Hội An đang là chủ đầu tư khu đô thị Cồn Tiến. Dự án này là một trong những quỹ đất mà Đạt Phương Hội An được hoàn trả sau khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Km0+317 cầu Đế Võng trên tuyến đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đạt theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT).
Dự án được UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư vào năm 2018, có quy mô khoảng 31,1ha với tổng mức đầu tư ban đầu dự kiến là 518 tỷ đồng.
Còn DPG được thành lập từ năm 2002, hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây lắp các công trình giao thông xây lắp, và đang lấn sân sang thị trường bất động sản.
Những dự án nổi bật của DPG có thể kể đến như: cầu Niệm 2 và đường dẫn (Hải Phòng); cầu Bình Ca (Tuyên Quang); Cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn); cầu Đò Lèn vượt đường sắt (Thanh Hoá); cầu Bến Thuỷ II (Nghệ An); cầu Cửa Đại (Quảng Nam); nút giao Trường Hải (Quảng Nam); cầu Đại Phước (Đồng Nai); cầu Thủ Thiêm, Đồng Nai, An Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh); Kinh Xáng (Tiền Giang), BOT tuyến tránh thành phố Sóc Trăng; đường trung tâm Bãi Trường (Phú Quốc), cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang)…
Trong lĩnh vực đầu tư thuỷ điện, DPG hiện đang vận hành 3 nhà máy gồm: thuỷ điện Sông Bung 6 – tổng công suất lắp máy 29MW (Quảng Nam); dự án thuỷ điện Sơn Trà 1A và 1B – tổng công suất lắp máy 60MW (Quảng Ngãi). Dự án thuỷ điện Sơn Trà 1C hiện đang triển khai thi công và dự kiến sẽ đưa vào vận hành trong tháng 6/2021 với công suất 9MW.
Các dự án bất động sản mà DPG đang triển khai hầu hết tập trung tại địa bàn tỉnh Quảng Nam. Ngòai dự án khách sạn Casamia Hội An và khu đô thị Cồn Tiến kể trên, DPG còn thực hiện một loạt dự án khác như: khu đô thị Đồng Nà (tại phường Cẩm Hà, TP Hội An) có diện tích 6,4ha; khu đô thị Bình Dương có tổng mức đầu tư 4.647,2 tỷ đồng, trên diện tích 183 ha thuộc địa phận huyện Thăng Bình; quần thể Biệt thự nổi Sinh thái Casamia tại Hội An tại thôn Võng Nhi, xa Cẩm Thanh, TP Hội An,...
Xét tình hình kinh doanh, năm 2021, DPG có doanh thu thuần 2.545 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 874 tỷ đồng, tăng 47%.
Về tài sản, tại ngày kết năm 2021, tổng tài sản của DPG là 5.5959 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 2.769 tỷ đồng, tăng 59%; tài sản dài hạn là 3.189 tỷ đồng, tăng 3,5%.
Cơ cấu tài sản có điểm nổi bật là sự gia tăng của các khoản phải thu ngắn hạn, tăng 12% so với đầu năm, đạt 641 tỷ đồng, chủ yếu là khoản “phải thu ngắn hạn của khách hàng” trị giá 487 tỷ đồng: gồm 33 tỷ đồng từ Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai (hợp đồng BT dự án công trình cầu Km0+317 trên tuyến đường dẫn phía bắc cầu Cửa Đại, đổi lấy khu đô thị Đồng Nà 6ha, khu đô thị Võng Nhi 15ha, khu đô thị Cồn Tiến 30ha, khu đô thị Nổi Rang 25ha ở TP. Hội An và huyện Duy Xuyên – Quảng Nam); 98 tỷ đồng từ Công ty Địa ốc Đại Quang Minh, 99 tỷ đồng từ Tổng công ty Điện lực Miền Trung...
Ngoài ra, công ty có 43 tỷ đồng là khoản phải thu về cho vay dài hạn cùng 619 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang (chủ yếu là các dự án khu đô thị).
Nợ phải trả tại ngày 31/12/2021 là 4.176 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong cơ cấu nợ, điểm nhấn là sự gia tăng của khoản nợ vay, trong đó: vay ngắn hạn tăng 17% lên 1.017 tỷ đồng; vay dài hạn tăng 10% lên 1.689 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm nêu trên là 1.782 tỷ đồng, tăng 26% so với đầu năm. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của DPG là 2,3 lần, riêng nợ vay/vốn chủ sở hữu là 1,5 lần. Với đặc thù ngành xây dựng, hệ số nợ này không phải là quá cao và gây lo ngại.
Chi tiết quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư khách sạn Casamia Hội An xem tại đây