Sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ: Tiềm năng nhưng nhiều rủi ro
Nghị quyết 54/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 vừa được Chính phủ ban hành nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tối thiểu đạt 85% GDP và dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 20% GDP.
Mục tiêu này cho thấy trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn trung và dài hạn ngày càng quan trọng với doanh nghiệp trong bối cảnh ngân hàng siết chặt chất lượng tín dụng.
Thực tế cho thấy sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã theo đúng chủ trương, định hướng.
Đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh cho thấy các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn, nắm bắt cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thời gian qua, một số trường hợp vi phạm liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được các cơ quan quản lý ra quyết định xử lý, cùng với đó là thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ với Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 về các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Việc Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, bắt giam đã cho thấy quyết tâm làm trong sạch thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh quan điểm tuân thủ, thượng tôn pháp luật, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm pháp luật lợi dụng để thao túng thị trường chứng khoán thu lợi bất chính.
Bộ Tài chính cho biết những vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua cũng là những sự việc rất đáng tiếc, tuy nhiên qua đó cũng thấy được quyết tâm của cơ quan quản lý trong việc làm minh bạch đối với thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Những doanh nghiệp sai phạm, lừa đảo nhà đầu tư qua phát hành trái phiếu chỉ là thiểu số, còn lại hầu hết các doanh nghiệp thực hiện phát hành trái phiếu huy động vốn để phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, cần có chính sách phù hợp và hành lang pháp lý chặt chẽ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển và tận dụng được nguồn vốn từ thị trường trái phiếu.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định cũng như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung, dài hạn với nền kinh tế, cần phải tiếp tục phát triển, giảm sự lệ thuộc vốn của doanh nghiệp vào hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp chỉ tốt cho nền kinh tế nếu thị trường này phát triển lành mạnh. Đây cũng là lý do Ngân hàng Nhà nước chính thức siết hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng thương mại vào đầu năm 2022.
Trong khi đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang khẩn trương xây dựng sàn mua bán trái phiếu thứ cấp và siết lại điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế dự kiến được chính thức ban hành trong năm 2022 với quyết tâm hình thành, xây dựng và khai trương cho được thị trường giao dịch trái phiếu riêng lẻ.
"Đây là một thị trường rất tiềm năng nhưng cũng có rất nhiều vấn đề cần giải quyết để giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia và nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ các thị trường tài chính ở Việt Nam," Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng nhận định.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam có đặc thù là lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia rất lớn, vì vậy trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo bền vững và hướng đến quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân, vấn đề đẩy mạnh phát hành trái phiếu theo hình thức chào bán rộng rãi ra công chúng là yếu tố quan trọng nhất, thay vì hình thức phát hành riêng lẻ và phân phối lại như hiện nay.
Việc lập sàn giao dịch cho trái phiếu riêng lẻ sẽ tạo ra một chợ giao dịch sôi động cho các nhà đầu tư, làm tăng tính thanh khoản của thị trường này.
Liên quan chất lượng trái phiếu riêng lẻ được niêm yết trên sàn giao dịch thứ cấp, Bộ Tài chính cho biết sẽ đưa ra nhiều quy định để chặn trái phiếu “rác.”
Bộ Tài chính đã tiến hành đánh giá tình hình thị trường để xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hướng tới sự phát triển an toàn, bền vững của thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành, nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành, đồng thời giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, dự thảo lần này quy định cách thức xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được phép đầu tư và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Theo dự thảo của Bộ Tài chính, ngoài trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải đại chúng chỉ được lên sàn nếu đáp ứng một số điều kiện, như có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc và lãi khi đến hạn.
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm giao dịch trên hệ thống từ 30 tỷ đồng trở lên; hoạt động kinh doanh của năm liền kề trước năm giao dịch trên hệ thống phải có lãi và không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán.
Việc hình thành thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp với luật lệ rõ ràng được kỳ vọng sẽ làm lành mạnh hóa kênh phân phối trái phiếu doanh nghiệp, đẩy lùi nạn chào bán tràn lan, phớt lờ các quy định pháp luật hiện nay.
Bộ Tài chính khẳng định thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường quản lý giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ để phát hiện và xử lý nghiệm các hành vi vi phạm, tăng cường tính minh bạch của thị trường để đảm bảo thị trường trái phiếu doanh nghiệp trở thành một kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả cho doanh nghiệp.