Ổn định thị trường trái phiếu: Doanh nghiệp cần làm gì?
Mới đây, thị trường đã ghi nhận một số vụ xử phạt liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và đỉnh điểm là vụ huỷ 9 lô trái phiếu đã phát hành của nhóm Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Sự việc này đã và đang khiến thị trường TPDN trở nên thiếu tích cực trong mắt các nhà đầu tư.
Vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả
Thực tế, những “sự cố” vừa qua được xem là màn khởi động cho quá trình làm "trong sạch hóa" môi trường kinh doanh của Việt Nam, đồng thời khẳng định quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng một hệ thống thị trường bậc cao đúng nghĩa, lành mạnh, minh bạch và bền vững, góp phần bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế hiệu quả nhất.
Thông qua một vài con số, chúng ta có thể thấy rõ sức nóng của thị trường TPDN giai đoạn vừa qua. Cụ thể, tại thời điểm năm 2017, quy mô thị trường mới đạt khoảng 4,9% GDP, thì đến năm 2021 đã tăng lên 16,6% GDP.
Riêng trong năm 2021, các doanh nghiệp phát hành 72.270 tỷ đồng trái phiếu, tăng 56% so với năm liền trước. Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành tại thời điểm cuối năm 2021 khoảng 1,39 triệu tỷ đồng, bỏ xa quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ - điều chưa từng xảy ra trước năm 2018.
Những con số này cho thấy phát hành trái phiếu đã giúp cho nhiều doanh nghiệp có được nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định để đầu tư sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong bối cảnh tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng đang ngày càng khắt khe hơn, nhất là đối với lĩnh vực bất động sản.
Dù trong thời gian qua, do tăng trưởng quá nhanh và quá nóng đã khiến những bất cập của thị trường TPDN ngày càng lộ rõ nhưng không thể phủ nhận thị trường TPDN đã làm tốt vai trò là kênh dẫn vốn hiệu quả dành cho doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.
Do đó, dù có sự cố xảy ra thì cơ quan chức năng, giới chuyên gia vẫn đánh giá cao sự phát triển của thị trường TPDN bởi cung cầu duy trì ở mức cao. Điều này thể hiện rõ tại Nghị quyết 54 cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 vừa được Chính phủ ban hành đã đặt ra mục tiêu, đến năm 2025 quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu tối thiểu 85% GDP, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp 20% GDP.
Việc nhà chức trách xử lý một số vi phạm liên quan đến thị trường TPDN trong thời gian qua, đặc biệt là vụ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị huỷ 9 lô trái phiếu trị giá hơn 10.000 tỷ đồng và thông điệp từ Thủ tướng Phạm Minh Chính về chấn chỉnh thị trường trái phiếu, đấu giá đất và chứng khoán cho thấy những quyết tâm "cải tổ" lại các kênh đầu tư.
Bộ Tài chính đang hoàn thiện các bước để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP theo hướng chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp sẽ khó phát hành ồ ạt như giai đoạn trước.
Minh bạch từ nội tại
Tuy nhiên theo TS. Cấn Văn Lực, sửa đổi để kiểm soát rủi ro là điều cần thiết nhưng không nên thái quá bởi lẽ nếu quá chặt chẽ sẽ “bít cửa” dòng vốn của doanh nghiệp, từ đó tác động tiêu cực đến thị trường, các nhà đầu tư trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế như hiện nay.
Ông Lực cho rằng, để tận dụng triệt để được kênh hút vốn hiệu quả là TPDN thì các nhà phát hành phải thay đổi để tạo dựng được niềm tin đối với các nhà đầu tư, nhất là sau sự việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
“Sau sự việc Tân Hoàng Minh, việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp sẽ trở nên khó khăn hơn nhưng không quá nhiều. Bởi doanh nghiệp nào làm ăn tốt, công khai minh bạch vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu, chỉ các doanh nghiệp lâu nay thiếu minh bạch mới đáng lo ngại”, ông Lực nhận định.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho biết, trong bối cảnh nhiều quy định siết chặt được ban hành nhằm tăng chất lượng nguồn cung, lợi thế phát hành trái phiếu sẽ rơi vào các doanh nghiệp có uy tín, cơ bản tốt.
Để chiếm được lợi thế này, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về quản trị có tính chất bắt buộc như công bố công khai, kịp thời, chính xác các thông tin liên quan đến hoạt động tài chính, kinh doanh và các vấn đề về sở hữu, cổ đông lớn.
Trong đó, trách nhiệm minh bạch đầu tiên phải thuộc về các thành viên hội đồng quản trị. Bởi đây là những người nắm trong tay nhiều quyền hành nhất, nhưng ở không ít công ty, họ thường bị cổ đông than phiền về những hành vi lạm quyền, thậm chí bị đặt mối ngờ về lợi dụng lợi thế để thực hiện các giao dịch nhằm thu vén lợi ích. Ngay chính trong doanh nghiệp, cần có chế tài để bảo đảm tính thực chất hoạt động của thành viên hội đồng quản trị, tránh hình thức.
Trao đổi với The LEADER, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, thị trường TPDN Việt Nam có đặc thù là lượng nhà đầu tư cá nhân lớn và còn khá non trẻ nên việc xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp phát hành sẽ giảm thiểu được phần nào rủi ro. Do vậy, việc hoàn thiện bộ máy quản trị lại càng quan trọng.
Bên cạnh việc minh bạch các thông tin liên quan đến nội tại, sau khi phát hành trái phiếu, ban lãnh đạo các doanh nghiệp cũng cần chủ động công khai quá trình sử dụng, hoàn trả vốn đến các cơ quan chức năng cũng như các nhà đầu tư.
“Đơn vị phát hành phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của hồ sơ phát hành và sử dụng vốn đúng như mục đích đã công bố. Doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định là đã góp phần xây dụng một thị trường huy động bậc cao đúng nghĩa, đảm bảo ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế hiệu quả nhất”, ông Thịnh nhận định.