Những doanh nhân tuổi Nhâm Dần nổi bật trên thương trường
Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch T&T
Ông Đỗ Quang Hiển sinh năm 1962 tại Hà Nội. Trước khi dấn thân vào con đường kinh doanh, ông đã từng có thời gian công tác tại Xí nghiệp sửa chữa máy thu hình và Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia.
Năm 1993, ông Hiển thành lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T (tiền thân của Tập đoàn T&T). Ban đầu, công ty chủ yếu kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị viễn thông… Đến nay, Tập đoàn T&T đã trở thành một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam với tổng tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng, hoạt động đa dạng với 7 lĩnh vực chính gồm Tài chính & Đầu tư; Bất động sản; Công thương; Nông nghiệp, lâm nghiệp & Thủy sản; Hạ tầng giao thông, cảng biển & Logistic; Năng lượng và Môi trường; Y tế, Giáo dục và Thể thao.
Doanh nhân Đỗ Quang Hiển bước chân vào lĩnh vực ngân hàng từ năm 2006 với việc đầu tư vào Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, tiền thân của ngân hàng SHB. Trên cương vị Chủ tịch SHB, ông Hiển đã đưa ngân hàng này phát triển lot top những ngân hàng TMCP lớn nhất Việt Nam. Bước sang năm 2022, SHB đã hoàn thành việc nâng vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng.
Với niềm đam mê bóng đá, năm 2006, ông Hiển thành lập CLB Bóng đá T&T Hà Nội. Sau 3 năm thành lập, T&T Hà Nội đã trở thành CLB chuyên nghiệp và đến nay được xem là CLB thành công nhất V-league với thành tích 5 lần vô địch giải bóng đá Quốc gia. Cái tên “bầu Hiển” cũng bắt đầu xuất hiện từ đó.
Ngoài cương vị là Chủ tịch T&T và SHB, ông Hiển còn là Chủ tịch HĐQT của nhiều công ty khác như Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, Bảo hiểm SHB – Vinacomin, Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội… Bên cạnh đó, ông cũng đảm nhận cương vị Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội.
Mới đây, bầu Hiển và người thân vừa chi hơn 1.200 tỷ đồng mua cổ phiếu SHB, đưa tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này lên đến gần 20% vốn cổ phần ngân hàng. Trên sàn chứng khoán Việt Nam, tính đến ngày 12/1/2022, ông Đỗ Quang Hiển đang sở hữu khối tài sản tương đương 1.455 tỷ đồng. Ông Đỗ Quang Hiển cũng được biết đến là một doanh nhân có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch Covid-19 khi cùng với những doanh nghiệp trong hệ sinh thái mà ông sáng lập ủng hộ số tiền gần 1.300 tỷ đồng cho hoạt động này.
Hà Thu Thanh, nữ tướng ngành kiểm toán
Bà Hà Thu Thanh
“Nữ tướng” ngành kiểm toán Hà Thu Thanh sinh năm 1962 tại Hà Nội, tốt nghiệp đại học Tài chính – Kế toán (nay là Học viện Tài chính). Ra trường, bà Thanh được phân công về thẳng Bộ Tài chính công tác. Đến năm 1991, bà được điều chuyển sang làm việc tại Công ty Kiểm toán Việt Nam VACO. Đây là cột mốc đánh đấu sự ra đời của nghề kiểm toán độc lập ở Việt Nam.
Ở tuổi 32, bà Hà Thu Thanh được bổ nhiệm làm Phó giám đốc VACO. Và 4 năm sau đó, bà được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc công ty. Tháng 3/2007, VACO chuyển sang mô hình doanh nghiệp tư nhân và trở thành thành viên đầy đủ của Deloitte toàn cầu với tên gọi Delloite Việt Nam. Ở Delloite Việt Nam, bà Thanh giữ chức Chủ tịch hội đồng thành viên. Bà là người phụ nữ duy nhất trong số 152 lãnh đạo quốc gia của Tập đoàn Deloitte trên toàn cầu.
Đến nay, Deloitte Việt Nam đã trở thành một trong những công ty kiểm toán lớn nhất tại Việt Nam. Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ chuyên ngành bao gồm kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn và giải pháp doanh nghiệp, đào tạo và quản lý nguồn nhân lực cho nhiều loại hình khách hàng từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp Nhà nước đến các dự án quốc tế tài trợ tại Việt Nam.
Không chỉ giữ cương vị Chủ tịch Deloitte Việt Nam, bà Hà Thu Thanh còn là nữ doanh nhân triển khai nhiều chương trình tư vấn, đào tạo nhằm trợ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập. Trong đó, bà đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của quản trị công ty và tăng cường quyền năng cho phụ nữ tại doanh nghiệp.
Nguyễn Duy Hưng, ông trùm chứng khoán Việt
Ông Nguyễn Duy Hưng
Ông Nguyễn Duy Hưng sinh năm 1962 tại Thanh Hóa. Sau khi tốt nghiệp cử nhân Luật, trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, ông Hưng từng có thời gian làm thư ký cho Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1993, ông Hưng cùng một số người bạn thành lập Công ty PAN Pacific với số vốn vài chục triệu đồng, chuyên tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài với hai thương vụ nổi tiếng là khách sạn Metropole và liên doanh nhà máy ô tô Hòa Bình. Tuy nhiên, do những khó khăn về thị trường, ông Hưng đã chuyển hướng kinh doanh của công ty sang dịch vụ vệ sinh công nghiệp.
Năm 1999, ông Hưng sang Thái Lan học về đầu tư và trở về nước thành lập Công ty CP Chứng khoán SSI. Đây là công ty chứng khoán ra đời sớm nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Ban đầu, mức vốn điều lệ của SSI chỉ vỏn vẹn 6 tỷ đồng. Đến nay, SSI là công ty chứng khoán có quy mô lớn nhất thị trường với vốn điều lệ trên 9.847 tỷ đồng và đang có kế hoạch tăng vốn lên 15.000 tỷ đồng trong thời gian sắp tới. Theo báo cáo tài chính quý III/2021, tổng tài sản của SSI đạt 47.600 tỷ đồng, tăng 33% so với hồi đầu năm.
Ngoài việc nắm giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán SSI và Công ty CP Tập đoàn PAN, ông Hưng cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư NDH. Tính đến ngày 12/1/2022, ông Nguyễn Duy Hưng sở hữu khối tài sản tương đương 5.732 tỷ đồng, xếp thứ 35 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Nguyễn Duy Hưng là một trong số ít lãnh đạo doanh nghiệp lớn sử dụng mạng xã hội. Ông thường xuyên đăng tải các ý kiến thẳng thắn trên trang Facebook cá nhân.