Nhà gỗ Bắc Bộ 1,5 tỷ đồng đẹp hiếm có ở Hưng Yên, ngày nào "khách cũng vào ra" chiêm ngưỡng
Chủ nhân căn nhà cổ làm từ gỗ mít ở Hưng Yên là ông Chử Văn Bình, người có tình yêu đặc biệt với kiến trúc cổ xưa truyền thống. Bằng tất cả niềm đam mê, ông đã tái hiện, phác họa nên một ngôi nhà cổ xưa của làng quê Bắc Bộ.
Căn nhà cổ của ông Chử Văn Bình (Văn Giang, Hưng Yên) được xây dựng theo phong cách truyền thống của làng quê Bắc Bộ
Dinh thự được khởi công từ năm 2009 gồm nhà chính và nhà con với vật liệu chủ đạo là gỗ mít. Tổng chi phí ông Bình đầu tư, xây dựng căn nhà lên tới 1,5 tỷ đồng.
Căn nhà được làm từ gỗ mít theo lối nhà cổ truyền thống Bắc Bộ
Trong đó, 690 triệu đồng là tiền gỗ mít dựng nhà, 380 triệu đồng là tiền gỗ gụ thiết kế gian thờ, chưa kể khoản chi phí mua gỗ trắc, sến, trầm hương làm đồ dùng, vật dụng thiết yếu.
“Tôi phải cất công, lặn lội hàng năm trời để tìm gỗ, tìm thợ dựng nhà. Tìm thợ đã khó thì tìm gỗ còn khó gấp đôi. Bởi toàn bộ cột trụ làm nhà phải là gỗ to, mà mấy khi tìm được cây mít nào vừa to vừa thẳng” – ông Bình chia sẻ.
Khoảng sân được thiết kế rộng rãi với nhiều cây xanh bao phủ làm dịu mát đi những cái nóng oi ả của ngày hè
Thời gian làm gỗ kéo dài trong vòng 1 năm và được dựng thành nhà trong đúng 26 ngày.
Chỉ tính riêng số gỗ mít làm nhà chính của ông đã lên tới 35 khối. Năm ấy, chủ nhân ngôi nhà cổ phải cất công đi đón bằng được những thợ làm gỗ hàng đầu từ Thạch Thất (Hà Nội) về thiết kế.
Thời gian làm gỗ kéo dài trong vòng 1 năm và được dựng thành nhà trong đúng 26 ngày.
“Ngày đó, tôi phải nhờ tới 20 thanh niên trai tráng, khỏe mạnh nhất trong làng đến dựng nhà hộ. Các khối gỗ to, nặng chịch khiến anh em khuân vác mệt bở cả hơi tai, giờ nghĩ lại mới thấy làm được căn nhà này là biết bao mồ hôi, sức lực” – chủ nhân căn nhà nhớ lại.
Toàn bộ gian thờ gồm hoành phi, câu đối, cửa võng – chiều châu, cuốn thư… đều được làm từ loài gỗ gụ quý hiếm
Dinh thự được xây theo phong cách truyền thống của làng quê Bắc Bộ với lối kiến trúc tinh tế.
Căn nhà chính gồm 3 gian và 2 chái, 1 gian ở giữa là gian chính dùng để thờ cúng, 2 gian còn lại ở bên cạnh dùng làm nơi tiếp khách, trà đạo và nơi nghỉ ngơi tạm thời.
Hai chái là 2 phòng ngủ ở đầu nhà dành cho các thành viên trong gia đình. Nối tiếp với nhà chính là nhà con, gồm bếp ăn, bàn uống nước, khu sinh hoạt tập thể.
Theo lý giải của chủ nhân dinh thự, nhà cổ bắt buộc phải có nhà ngang (nhà chính) và nhà con nối tiếp, vắt vần với nhau thì không gian mới ăn nhập, hiền hòa.
Căn nhà cổ được xây theo hướng Đông Bắc gồm 5 độ Bắc và 85 độ Đông
Căn nhà cổ được xây theo hướng Đông Bắc gồm 5 độ Bắc và 85 độ Đông. Một khoảng nho nhỏ trước cửa được dành làm thành hiên nhà giúp che mưa che nắng.
Khoảng sân được thiết kế rộng rãi với nhiều cây xanh bao phủ làm dịu mát đi những cái nóng oi ả của ngày hè. Nhờ thế, khách chỉ cần bước tới sân là đã cảm nhận được bầu không khí tươi mới, trong lành nhờ những lá phổi xanh lọc khí giữa lòng dinh thự.
Chiếc đồng đồng hồ Pháp cổ 10 côn được ông Bình vô cùng yêu thích được treo ở gian chính trong căn nhà
Những hoa văn chạm trổ tinh tế của căn nhà
Toàn bộ tường bao quanh căn nhà được xây đắp chỉn chu để hòa hợp với phong thủy. Ông Bình phải đón thợ từ Nam Định về đắp tường, toàn bộ chi tiết trên tường được trạm khắc tinh xảo, chính xác trong từng đường nét. Mỗi dáng hình là một kiệt tác nghệ thuật, một ẩn ý sâu xa mà chủ nhân ngôi nhà muốn truyền tải và lưu giữ.
Ngoài kiến trúc độc đáo, ngôi nhà cổ ở Hưng Yên được mọi người yêu thích là bởi mọi nội thất trong nhà đều được chủ nhân dinh thự chọn lựa tỉ mi, hài hòa, ăn nhập với không gian.
Toàn bộ gian thờ gồm hoành phi, câu đối, cửa võng – chiều châu, cuốn thư… đều được làm từ loài gỗ gụ quý hiếm.
Trong đó, bộ câu đối được viết bằng chữ Nho do chính thầy người Việt phác thảo và được dát bằng vàng ta chính hiệu. Đặc biệt, cửa võng – chiều châu được chạm khắc cả 2 phía, trong ngoài đều như nhau tạo ra sự sang trọng, đẳng cấp hiếm có.
Ông Chử Văn Bình (Văn Giang, Hưng Yên) tiếp khách đến tham quan ngôi nhà cổ
Điểm xuyến giữa không gian rộng lớn là những bức hình, câu đối cổ xưa được chủ nhân dinh thự sưu tầm từ mọi miền tổ quốc.
Ở gian chính trong căn nhà, ông Bình đặt chiếc đồng hồ Pháp cổ 10 côn để báo hiệu giờ giấc. Âm thanh phát ra từ chiếc đồng hồ cổ hòa quyện với thanh âm của làng quê tạo ra một bản nhạc không lời hoàn mỹ.
“Mỗi đêm khuya nằm nghe tiếng chuông đồng hồ điểm là tôi lại cảm thấy an nhiên, thư thái lạ thường. Dường như mọi sự xô bồ, tấp nập, vội vã ở ngoại kia đều dừng lại sau cánh cửa. Lâu dần cũng thành quen, tiếng hồ đã trở thành người bạn, người đồng hành không thể thiếu trong gia đình” – ông Bình tâm sự.
Không gian tươi xanh, khoáng đạt của dinh thự từ phía cổng nhìn vào
Tổng chi phí ông Bình đầu tư xây dựng căn nhà lên tới 1,5 tỷ đồng
Với ông Bình, ngôi nhà cổ không chỉ là nơi ở mà còn là kiệt tác cả đời của người con đất Việt mang theo mong mỏi, hoài niệm về những giá trị xưa cũ.