Nhà đầu tư cần làm gì khi lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý?
Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group.
Ông Lộc cho rằng, với một tập đoàn quy mô hơn 10.000 nhân sự thì việc người “thuyền trưởng” gặp nạn, “con thuyền” sẽ lung lay nhưng có “chìm” hay không là câu chuyện khác. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về pháp lý để có thể điều chỉnh chiến lược đầu tư, không nên bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến thiệt hại.
“Khi một nhà lãnh đạo doanh nghiệp vướng pháp lý, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, đó chỉ là một trong các yếu tố để xem xét đối với khoản đầu tư của mình tại doanh nghiệp đó. Ở góc độ pháp lý, hành vi của một cá nhân là nhà sáng lập hay CEO thường được công chúng gắn liền với hoạt động doanh nghiệp đó. Tuy nhiên với các doanh nghiệp niêm yết thì cơ chế quyết định tập thể đóng vai trò quan trọng và quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó.
Tập thể ở đây là của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và ban giám đốc, bao gồm của tập đoàn và các công ty thành viên có tư cách pháp lý độc lập. Hành lang pháp lý về vấn đề này, trong đó có Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Chứng khoán, có quy định rõ ràng về công tác quản trị để đảm bảo quyền lợi cho nhân viên, cổ đông và khách hàng”, Luật sư Lộc phân tích dưới góc độ luật pháp.
Trên góc độ đầu tư, khi lãnh đạo doanh nghiệp bị vướng pháp lý (kể cả tù tội), ông Lộc cho rằng nhà đầu tư và những người đang nắm giữ tài sản tại các công ty cần trao đổi ngay với đại diện doanh nghiệp về khả năng thực hiện các cam kết. Cùng với đó, nhà đầu tư cần theo dõi các quyết định liên quan từ cơ quan chức năng và cuối cùng là cần thay đổi phương án quản trị rủi ro phù hợp cho khoản đầu tư.
Cũng theo vị luật sư này, các cơ quan chức năng liên quan và bản thân doanh nghiệp, công ty thành viên cùng các công ty liên kết cần có thông cáo để đảm bảo thông tin chính thống đến cổ đông và khách hàng của mình. “Công việc này cần thực hiện rất nhanh chóng và chuẩn xác”, Chủ tịch LP Group nhấn mạnh.
Trước đó, theo thông tin từ Bộ công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) tiến hành điều tra, xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hành vi trên của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đã đủ yếu tố cấu thành tội "Thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự.
Bước đầu, ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 06/QĐ-VPCQCSĐT, các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết. Đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan. Các Quyết định, Lệnh tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 3) phê chuẩn theo quy định pháp luật.
Trước thông tin Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết đã yêu cầu Tập đoàn FLC thực hiện công bố thông tin theo quy định và báo cáo UBCKNN, sở giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.
"UBCKNN sẽ tiếp tục cung cấp đầy đủ thông tin trong phạm vi chức năng thẩm quyền và cùng các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và tính minh bạch của thị trường chứng khoán", thông cáo từ UBCKNN nhấn mạnh.
Cùng với đó, UBCKNN cũng khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.