Tài chính doanh nghiệp   •   Thứ tư, 05/01/2022, 15:36 PM

Mẹ con nhà Taseco 'ẵm trọn' dự án nhà ở 15ha tại Thanh Hóa

Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco – Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco – Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Phú Mỹ là đơn vị trúng thầu dự án khu nhà ở thuộc khu tái định cư Hải Yến tại xã Bình Nguyên, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa.

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu nhà ở thuộc khu tái định cư Hải Yến tại phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn.

Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco – Công ty Cổ phần Tập đoàn Taseco – Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Phú Mỹ (gọt tắt là Taseco Land – Tập đoàn Taseco – Phú Mỹ Land).

Khu nhà ở thuộc khu tái định cư xã Hải Yến có tổng diện tích sử dụng đất 14,95 ha. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án 58,4 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 24,5 tỷ đồng.

Hạng mục nhà ở gồm xây thô và hoàn thiện mặt ngoài 213 nhà ở kết hợp thương mại, 4 lô nhà ở liền kề và 4 lô biệt thự nhà vườn thuộc tuyến đường cảnh quan và tuyến đường khu vực của dự án.

Thời hạn và tiến độ thực hiện dự án không quá 5 năm từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực đến thời điểm các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng.

Được biết, hồi tháng7/2020, liên danh nói trên là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển dự án khu nhà ở thuộc khu tái định cư Hải Yến.

Cũng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, liên danh Taseco Land và Phú Mỹ Land hiện đang thực hiện dự án khu đô thị mới thuộc dự án số 4 khu đô thị trung tâm thành phố Thanh Hoá. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 1.158 tỷ đồng, quy mô là 15,6ha.

Trở lại với liên danh Taseco Land – Tập đoàn Taseco – Phú Mỹ Land, cả 3 doanh nghiệo này có cùng địa chỉ tại tầng 1, toà N02-T1 khu ngoại giao đoàn, phố Đỗ Nhuận, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, đều nằm trong hệ thống Taseco.

Tập đoàn Taseco – nợ vay tăng mạnh

Nói về Tập đoàn Taseco, đây là “cánh chim đầu đàn” trong hệ thống Taseco, được thành lập từ năm 2005, tiền thân là Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Thăng Long. Dưới công ty này là 2 công ty con cấp 1 gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không Taseco (công ty mẹ trong lĩnh vực dịch vụ, HoSE: AST) và Taseco Land (công ty mẹ trong lĩnh vực bất động sản).

Dữ liệu cho thấy, từ năm 2016-2021, Tập đoàn Taseco đã có quá trình tăng vốn liên tục, đưa vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, tức tăng gấp 6,5 lần.

Cụ thể, trước tháng 11/2016, công ty có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, gồm các cổ đông cá nhân: Phạm Ngọc Thanh 22%, Nguyễn Minh Hải 14,5%, Nguyễn Thị Minh Nguyệt 6%, Phạm Thanh Kỳ 10%, Nguyễn Thanh Sơn 1%; các cổ đông đã thoái vốn gồm: Nguyễn Thị Ánh, Nguyễn Thị Hoàng Sa, Lê Thị Xuân Hoa.

Tháng 11/2016, công ty tăng vốn lên 250 tỷ đồng rồi 1 tháng sau đó tăng tiếp lên 300 tỷ đồng với tỷ lệ sở hữu của các cá nhân trên không đổi.

Tháng 12/2017, công tiếp tục tăng vốn lên 450 tỷ đồng. Lúc này, ông Phạm Ngọc Thanh giảm tỷ lệ sở hữu xuống 17%, ông Nguyễn Minh Hải giảm xuống 13,5%; cổ đông Nguyễn Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Thanh Sơn giữ nguyên tỷ lệ sở hữu; trong khi đó, ông Phạm Thanh Kỳ thoái vốn.

Cuối tháng 12/2017, công ty tăng vốn lên 504 tỷ đồng rồi từ đó liên tiếp tăng vốn: 630 tỷ đồng (3/2018), 819 tỷ đồng (9/2018), 901 tỷ đồng (12/2018) và 1.000 tỷ đồng (12/2019).

Đáng chú ý, trong giai đoạn 2017–2019, tổng tài sản của Tập đoàn Taseco tăng trưởng khá mạnh, từ 1.289 tỷ đồng lên 2.290 tỷ đồng, tương đương tăng 77%, đa phần là tài sản dài hạn, tăng từ 823 tỷ đồng lên 2.025 tỷ đồng.

Cơ cấu tài sản nổi bật với sự giảm mạnh của hàng tồn kho qua các năm, từ 206 tỷ đồng xuống 37 tỷ đồng, tức giảm hơn 5 lần, trong khi đó các khoản phải thu dài hạn tăng cực mạnh từ 2 tỷ đồng lên 446 tỷ đồng, tức tăng 223 lần.

Với vị thế là công ty mẹ, Tập đoàn Taseco dành phần lớn tài sản để đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu là đầu tư vào các công ty con, với giá trị qua các năm lần lượt là: 797 tỷ đồng, 1.007 tỷ đồng và 1.564 tỷ đồng. Như vậy, trong 3 năm, số tiền đầu tư tài chính dài hạn đã tăng gần gấp đôi.

Về nguồn vốn, nợ phải trả của Tập đoàn Taseco tăng mạnh trong giai đoạn 2017 – 2019, từ 704 tỷ đồng lên 1.128 tỷ đồng, tương đương tăng 60%. Đa phần là nợ dài hạn, tăng từ 242 tỷ đồng lên 869 tỷ đồng, tương đương tăng 3,5 lần.

Điều đáng chú ý nhất trong cơ cấu nguồn vốn là sự gia tăng rất mạnh của khoản nợ vay dài hạn, từ 90 tỷ đồng lên 847 tỷ đồng, tức tăng gấp 9,4 lần.

Năm 2018, dòng tiền kinh doanh đảo chiều âm 11 tỷ đồng. Dù đã giảm bớt quy mô chi đầu tư góp vốn cũng như chi trả nợ gốc vay, lưu chuyển tiền thuần vẫn âm 14 tỷ đồng, đẩy lượng tiền và tương đương tiền tiếp tục giảm sâu, chỉ còn 6 tỷ đồng.Năm 2019, dòng tiền kinh doanh tiếp tục âm (-23 tỷ đồng).

Trong bối cảnh đó, công ty vẫn chi rất mạnh cho việc đầu tư góp vốn, chi cho vay và mua công cụ nợ của đơn vị khác. Hệ quả là dòng tiền đầu tư âm tới 743 tỷ đồng.

Để bù đắp, công ty phải tăng cường đi vay, biểu hiện là dòng tiền thu từ đi vay vọt lên 1.705 tỷ đồng, cao gấp 8 lần năm trước. Đây chính là nguyên do làm số nợ vay dài hạn tăng vọt trên bảng cân đối kế toán (đã nói ở phần trên).

Tuy nhiên, dòng tiền tài chính này cũng chỉ kéo lưu chuyển tiền thuần lên mức dương khiêm tốn 0,9 tỷ đồng, không cải thiện được là bao đối với lượng tiền và tương đương tiền của công ty (đạt 7 tỷ đồng tại ngày kết thúc năm 2019).

Taseco Land – quá trình tăng vốn tốc biến

Thành viên thứ hai trong liên danh trúng thầu dự án là Taseco Land, công ty mẹ trong lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn Taseco.

Taseco Land được thành lập năm 2009, hiện do Nguyễn Trần Tùng giữ chức tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Tính đến tháng 6/2018, cơ cấu cổ đông của Taseco Land gồm có Đỗ Tuấn Anh (0,01%), Nguyễn Mạnh Hùng (0,01%). Các cổ đông Vũ Ngọc Thiện, Trần Thị Hồng Anh và Trần Thị Kim Anh đều đã thoái vốn.

Dữ liệu cho thấy chỉ trong vòng 5 năm, từ năm 2017-2021, Taseco Land đã có quá trình tăng vốn điều lệ tốc biến, từ con số 30 tỷ đồng đã trở thành doanh nghiệp nghìn tỷ.

Cụ thể, tháng 4/2017, doanh nghiệp này đã tăng vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng, sau đó tăng tiếp lên 300 tỷ đồng vào năm 2018. Tháng 7/2019, công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng, tiếp tục tăng lên 1.215 tỷ đồng vào tháng 12 cùng năm. Đến tháng 7/2021, vốn điều lệ đã cán mốc 2.000 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, nguồn lực chính cho quá trình tăng vốn rất mạnh của Taseco Land sẽ được đề cập trong bài tiếp theo.

Trong lĩnh vực bất động sản, Taseco Land đã ghi dấu ấn với một loạt các dự án tại khu đô thị ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, có thể kể đến như: Phú Mỹ Complex (N03-T2), An Bình Complex (N02-T1), Taseco Complex (N03-T2). Tại quê nhà Nam Định, Taseco Land cũng xây dựng các khu shophouse tại khu đô thị dệt may Nam Định.

Thành viên cuối cùng của liên danh là Phú Mỹ Land, do ông Đỗ Việt Thanh làm tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Thanh cũng đồng thời là phó tổng giám đốc của Tập đoàn Taseco.

Dữ liệu cho thấy, từ năm 2019-2020, Phú Mỹ Lan đã có ít nhất 3 lần tăng vốn điều lệ. Cụ thể, tháng 12/2019, công ty tăng vốn điề lệ từ 20 tỷ đồng lên 4 lần, đạt 80 tỷ đồng. Sau đó, tháng 11/2020, vốn điều lệ tăng lên 100 tỷ đồng và đạt 120 tỷ đồng vào tháng 12 cùng năm.

Dự án khu tái định cư Hải Yến mới trúng thầu tại tỉnh Thanh Hoá không phải dự án lần đầu tiên Phú Mỹ Land và Taseco Land hợp tác với nhau. Hai doanh nghiệp nhà Taseco này trước đó đã cùng thực hiện dự án Phú Mỹ Complex tại khu đô thị ngoại giao đoàn Xuân Tảo, Hà Nội và dự án khu đô thị mới thuộc dự án số 4 khu đô thị trung tâm thành phố Thanh Hoá.

(Còn tiếp)

Yến Thanh

Địa ốc ngóng nguồn vốn "quyết định"

Tài chính doanh nghiệp   •   Thứ bảy, 02/03/2024, 10:07 AM
Thị trường địa ốc không chỉ cần giải pháp tháo gỡ nguồn vốn từ tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp, mà quan trọng là phải khơi thông được dòng vốn từ xã hội thông qua việc gỡ vướng pháp lý để đưa sản phẩm ra thị trường.

30 dự án đầu tư công ở Hà Nội sẽ bị kiểm tra trong năm 2024

Tài chính doanh nghiệp   •   Thứ sáu, 01/03/2024, 07:10 AM
Danh mục dự án đầu tư công mới sẽ tổ chức kiểm tra thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp thành phố có 30 dự án gồm lĩnh vực giao thông vận tải 15 dự án; nông nghiệp và phát triển nông thôn 9 dự án; văn hóa, xã hội 5 dự án; tái định cư 1 dự án.

Khải Hoàn Land: Lãi quý III thấp nhất 10 quý qua, các khoản phải thu chiếm 89% tài sản

Tài chính doanh nghiệp   •   Thứ ba, 07/11/2023, 14:00 PM
(VNF) – Xét theo doanh thu, quý III/2023 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (HoSE: KHG) là một sự cải thiện lớn với quý liền kề trước đó, nhưng so với cùng kỳ năm trước hay rộng hơn là 3 năm qua, đây lại là một trong những quý có doanh thu tồi tệ nhất.

Quý III buồn của Hà Đô: Doanh thu và lợi nhuận thấp nhất trong 5 năm

Tài chính doanh nghiệp   •   Thứ sáu, 03/11/2023, 16:52 PM
(VNF) – Kể từ sau quý II/2018 tới nay, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) lại mới chứng kiến một quý có doanh thu và lợi nhuận thấp như vậy.

Ricons: Quý III, doanh thu giảm 60%, lãi vỏn vẹn 5 tỷ đồng

Tài chính doanh nghiệp   •   Thứ sáu, 03/11/2023, 12:42 PM
(VNF) – Sau khi chỉ mất 2 quý đầu tiên để vượt kế hoạch lợi nhuận năm, tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons đã chậm lại trong quý III/2023.