Lợi nhuận ‘hạt tiêu’ của ‘ông lớn’ kín tiếng Ngọc Thiên Global
Liên tiếp huy động hàng trăm tỷ trái phiếu
Công ty TNHH Ngọc Thiên (viết tắt là Ngọc Thiên) vừa huy động xong 500 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Trái phiếu có mã NTCCH2124001, kỳ hạn 3 năm, phát hành 30/11/2021 và đáo hạn 30/11/2024.
Thông tin từ một đơn vị môi giới trái phiếu cho biết, lãi suất cố định lô trái phiếu của Ngọc Thiên là 12%/năm, kỳ tính lãi 3 tháng/lần. Tài sản bảo đảm là phần vốn góp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Ngọc Thiên Global (Ngọc Thiên Global) tại Công ty TNHH Ngọc Thiên với giá trị là 606,5 tỷ đồng, tương ứng 90,227% cổ phần của doanh nghiệp. Bên cạnh đó là toàn bộ cổ phần của các cổ đông tại Công ty Cổ phần Thịnh Phát Hưng Yên, đơn vị có vốn điều lệ 301 tỷ đồng.
Mục đích huy động vốn, cũng như danh sách trái chủ không được doanh nghiệp công bố.
Trước đó, ngày 8/4/2021, công ty mẹ của Ngọc Thiên là Ngọc Thiên Global cũng phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 3 năm, nhằm đầu tư vào chính Ngọc Thiên để xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất.
Để chào bán lô trái phiếu này, Ngọc Thiên Global đã bảo đảm bằng 60,65 triệu cổ phần của Ngọc Thiên, tương đương 90,227% vốn doanh nghiệp, tương tự tài sản đảm bảo của trái phiếu NTCCH2124001 phía trên. Khi đó, một tổ chức trong nước đã thu mua toàn bộ trái phiếu này.
Vụ án buôn lậu 600 tấn quặng đồng
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Ngọc Thiên thành lập ngày 18/11/2005, địa chỉ ở thôn Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Thời điểm cuối năm 2021, vốn điều lệ của Ngọc Thiên đạt 672,2 tỷ đồng, trong đó Ngọc Thiên Global sở hữu 90,227% vốn, theo sau là ông Trịnh Phan Thiên (1982) với 4,417%, ông Trịnh Phan Diễn (1956) với 2,381% và bà Tạ Thị Tấn (1961) với 2,975%.
Bà Tạ Thị Tấn là tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Ông Trịnh Phan Thiên là chủ tịch hội đồng thành viên doanh nghiệp. Các cổ đông của Ngọc Thiên cùng có địa chỉ thường trú tại tỉnh Hưng Yên.
Được biết, khu vực đặt đại bản doanh của Ngọc Thiên nằm trong cụm công nghiệp làng nghề xã Chỉ Đạo, chuyên về lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại, tái chế kim loại màu như đồng, chì, thiếc, kẽm...
Doanh nghiệp giới thiệu, với quy trình sản xuất vòng tròn, tận dụng triệt để các nguồn nguyên liệu sẵn có từ rác thải công nghiệp như dây đồng, thiếc vụn và pin, bình ắc-quy hỏng... Ngọc Thiên đã tận thu, tái chế thành khối, thỏi để xuất khẩu sang hơn 20 nước trên thế giới, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha, các nước Đông Âu…
Đáng chú ý, Ngọc Thiên còn được biết đến với "phốt" buôn lậu quặng đồng với giá trị chục tỷ đồng. Cụ thể, ngày 16/5/2020, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hải Phòng đã phối hợp với Đoàn trinh sát số 1, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam và Đội kiểm soát hải quan, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng đã kiểm tra 2 lô hàng xuất khẩu của Ngọc Thiên.
Theo hồ sơ hải quan, doanh nghiệp khai báo 2 lô hàng đóng trong 30 container loại 20 feet là chì dạng thỏi, mới 100% do Ngọc Thiên tái chế từ ắc-quy chì đã qua sử dụng. Vì được phân luồng vàng nên sau khi khai báo, lô hàng đã được thông quan theo quy định. Tuy nhiên, do đã nằm trong kế hoạch theo dõi trinh sát từ trước đó nên thủ đoạn gian dối của doanh nghiệp cũng không qua mắt được các cơ quan chức năng.
Qua khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện toàn bộ số hàng chứa trong 30 container không phải là chì dạng thỏi như khai báo mà nghi là quặng đồng vàng. Ước tính, khối lượng là hơn 600 tấn với trị giá hơn 10 tỷ đồng.
Theo tài liệu điều tra của cơ quan công an, toàn bộ số quặng này được khai thác tại một số mỏ quặng ở các tỉnh phía Bắc, sau đó được đóng trong các container rồi vận chuyển về cảng Hải Phòng để xếp lên tàu xuất khẩu ra nước ngoài.
Trước khi lô hàng bị bắt giữ, nhiều năm trở lại đây, doanh nghiệp này đã từng nhiều lần làm thủ tục xuất khẩu mặt hàng chì dạng thỏi ra nước ngoài - cơ quan chức năng thông tin.
Doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm
Số liệu mà VietnamFinance thu thập được cho thấy, Ngọc Thiên tuy là cái tên còn xa lạ trên thị trường, song doanh thu hàng năm lại rất "đáng gờm" kể cả khi đặt cạnh các ông lớn cùng ngành. Cụ thể, giai đoạn 2016-2019, doanh thu thuần của Ngọc Thiên liên tiếp tăng trưởng cao với 1.078 tỷ đồng, 1.865 tỷ đồng, 2.122 tỷ đồng và lên tới 2.639 tỷ đồng, trước khi giảm về 1.947 tỷ đồng vào năm 2020.
Tuy nhiên, do chi phí giá vốn luôn chiếm trên 96% doanh thu, cá biệt năm 2020 lên đến gần 98%, cho nên lợi nhuận sau thuế của Ngọc Thiên bị "ăn mòn" và chỉ duy trì ở mức rất thấp, gần như là "tượng trưng" với lần lượt 492 triệu đồng, 595 triệu đồng, 2,1 tỷ đồng, 2,2 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng (2016-2020). Với các khoản lãi "đì đẹt", bình quân mỗi năm Ngọc Thiên phải bỏ ra vỏn vẹn khoảng vài chục triệu đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tổng tài sản cuối năm 2020 của Ngọc Thiên đạt 900,8 tỷ đồng, trong đó các khoản phải thu ngắn hạn là 565 tỷ đồng, giá trị hàng tồn kho là 54,2 tỷ đồng...
Mở rộng hơn về công ty mẹ của Ngọc Thiên - Công ty Cổ phần Tập đoàn Ngọc Thiên Global. Thành lập ngày 29/11/2010, Ngọc Thiên Global cũng có địa chỉ tại thôn Đông Mai, tỉnh Hưng Yên, với vốn điều lệ 990 tỷ đồng, theo số liệu mới nhất vào cuối năm 2020.
Ông Trịnh Phan Thiên là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc, và cũng là cổ đông lớn duy nhất nắm quyền chi phối doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nhân này còn nắm giữ lượng lớn cổ phần tại các đơn vị khác, bao gồm Công ty Cổ phần Thịnh Phát Hưng Yên, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xuất nhập khẩu Việt Nam, Công ty Cổ phần Gia Hưng Hưng Yên, Công ty Cổ phần Global Win Group, Công ty Cổ phần Thương mại Tuấn Kiệt Hưng Yên, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Golden Solotion.
Dưới sự điều hành của ông Trịnh Phan Thiên, doanh thu thuần giai đoạn 2016-2020 của Ngọc Thiên Global (công ty mẹ) ở mức 67 tỷ đồng, 232,6 tỷ đồng, 295,7 tỷ đồng, 361,3 tỷ đồng, 191,2 tỷ đồng. Giống như Ngọc Thiên, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp này cũng rất "bi đát" với 24 triệu đồng, âm 915 triệu đồng, 650,6 triệu đồng, 416 triệu đồng và 191,7 triệu đồng ở các năm tương ứng.
Tình trạng doanh thu cao vút, song lợi nhuận "mất hút" đã diễn ra thường xuyên tại các doanh nghiệp của doanh nhân Trịnh Phan Thiên. Chẳng hạn Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xuất nhập khẩu Việt Nam lãi 15 triệu đồng và lỗ 3,4 tỷ đồng năm 2019-2020, cho dù ghi nhận doanh thu 459 tỷ đồng và 502 tỷ đồng; hay như Công ty Cổ phần Global Win Group chỉ lãi 22,8 triệu đồng bất chấp doanh thu lên đến 762 tỷ đồng vào năm 2019...