Lâm Đồng: Thu hồi trên 200 dự án do để mất rừng
Khoảng 1000m2 rừng thông ba lá thuộc rừng phòng hộ nằm dọc theo quốc lộ 27 trên địa bàn xã Phi Liêng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đã bị triệt hạ, đốt cháy hồi tháng 2/2020.
Theo đó, từ năm 2018 đến hết quý I/2022, cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý hơn 2.800 vụ vi phạm; trong đó có 147 vụ vi phạm nổi cộm, có tính chất phức tạp nhưng đã được cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan đến các vụ vi phạm trên. Theo đó, các cấp thẩm quyền trong tỉnh đã xử lý kỷ luật đối với 13 cơ quan, đơn vị; có 161 cá nhân bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra phá rừng.
Tỉnh Lâm Đồng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quản lý, bảo vệ rừng như: Một số sở, ban, ngành và địa phương chưa quyết liệt tổ chức thực hiện chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được ngăn chặn triệt để; còn xảy ra các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật có tính chất phức tạp, nổi cộm, gây thiệt hại lớn đến rừng nhưng chậm phát hiện, ngăn chặn và xử lý; vi phạm vắng chủ vẫn chiếm tỷ lệ lớn; số vụ án được hoàn thiện điều tra, đưa ra truy tố, xét xử chiếm tỉ lệ thấp, gây dư luận không tốt.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp được thuê đất, thuê rừng thực hiện chậm tiến độ, thực hiện không đúng các hạng mục đầu tư đã được phê duyệt, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật, buông lỏng quản lý...; chưa chấp hành nghiêm việc nộp tiền bồi thường tài nguyên rừng đối với diện tích rừng bị mất.
Lâm Đồng là địa phương có diện tích rừng lớn, không tập trung, địa hình bị chia cắt, hiểm trở, phức tạp. Đặc biệt, các đối tượng phá rừng với nhiều hình thức tinh vi, phá rừng bằng hình thức ken gốc, đổ hóa chất. Những cây bị phá sau thời gian dài mới phát hiện được, gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tìm đối tượng vi phạm để xử lý.
Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng chưa quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý bảo vệ rừng. Việc kiểm tra rừng ở một số địa phương còn hạn chế do chưa đề ra các giải pháp phù hợp, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại địa phương. Lực lượng chức năng, đơn vị liên quan ở một số địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng, thậm chí thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ...
Các vụ án gây thiệt hại nghiêm trọng tài nguyên rừng nhưng chưa được điều tra rõ để xử lý đối với các chủ đầu nậu, đối tượng cầm đầu, đối tượng thông đồng, bao che, bảo kê cho hoạt động vi phạm, phạm tội nên chưa tạo tính răn đe, giáo dục…
Được biết, cũng trong thời gian này, trên địa bàn toàn tỉnh đã trồng được hơn 3.200 ha rừng, trồng khôi phục hơn 2.800 ha rừng trên diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định quy hoạch lâm nghiệp. Đặc biệt, thực hiện Đề án 50 triệu cây xanh, trong năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng đã trồng được hơn 6 triệu cây xanh các loại, góp phần nâng cao mật độ rừng, chất lượng rừng trên địa bàn tỉnh.
Trong công tác quản lý diện tích giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 322 dự án được giao, cho thuê đất để triển khai dự án đầu tư, với tổng diện tích là 52.722 ha. Số dự án đã thu hồi từ đến nay là 208 dự án, tương đương với diện tích trên 30.400 ha.
Trước đó, từ đầu năm 2021 đến nay, phóng viên TTXVN đã phản ánh nhiều vụ phá rừng trên địa bàn các huyện Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông, Lạc Dương, Bảo Lâm. Các vụ phá rừng chủ yếu để chiếm đất lâm nghiệp do các địa phương trên xảy ra tình trạng sốt đất.
Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Lâm Đồng.