Làm ăn bết bát, Việt Group vẫn sở hữu nhiều dự án lớn ở Quảng Bình
Việt Group - ông chủ nhiều dự án khách sạn Quảng Bình
Công ty Cổ phần Việt Group tiền thân là Công ty Cổ phần thi công cơ giới 318, được thành lập tháng 3/2014, đóng trụ sở tại số 47 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Đồng Hải, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Theo phần tự giới thiệu trên website "Vietgroupvn.com", công ty này là chủ đầu tư nhiều dự án khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Quảng Bình. Cụ thể, Việt Group là chủ đầu tư dự án Palace Hotel Quang Binh có tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 10/2019 và dự kiến đưa vào hoạt động trong quý II/2021. Đây là dự án khách sạn tiêu chuẩn 4 sao toạ lạc tại đường Quách Xuân Kỳ, thành phố Đồng Hới, do tập đoàn Radisson Hotel Group quản lý.
Cũng tại Đồng Hới, Việt Group liên danh Tổng công ty du lịch Hà Nội (Hanoitourist) đầu tư dự án Hotel & Resort Pullman Quang Binh gồm 350 phòng, 19 căn villa. Dự án này đã trong tình trạng “chết lâm sàng” dù đã xong phần thô.
Nằm đối diện dự án khách sạn Pullman là dự án Melia Hotel and Resort Quảng Bình cũng được giới thiệu của Việt Group. Dự án được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận đầu tư số 8736301743 ngày 27/4/2009 và được UBND tỉnh Quảng Bình cho thuê đất tại Quyết định số 1480/QĐ-UBND ngày 24/6/2009.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình cho biết dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu là 120 tỷ đồng, sau tăng lên 424,8 tỷ đồng (điều chỉnh lần cuối ngày 10/10/2019), tổng diện tích 4,283ha, thời hạn hoạt động 50 năm. Tuy nhiên, đến hết tháng 9/2020, dự án mới chỉ xây thô được 12/19 tầng. Các hạng mục khác chưa được xây dựng. Khối lượng hoàn thành ước tính khoảng 150 tỷ đồng.
Mới nhất, UBND tỉnh Quảng Bình đã trao quyết định phê duyệt nhà đầu tư thực hiện dự án Movenpick Central (số 18 Quách Xuân Kỳ, phường Hải Đình, TP. Đồng Hới) cho Việt Group. Đồng thời, tỉnh đã duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án này.
Movenpick Central là tổ hợp khách sạn và nhà ở kết hợp kinh doanh – shophouse có tổng mức đầu tư dự kiến 515 tỷ đồng, diện tích 2.911m2. Quy mô khối khách sạn 24 tầng nổi, 1 tầng hầm, tầng tum và mái bao gồm: 266 phòng ngủ, 18 căn shophouse với chiều cao mỗi căn từ 5-6 tầng.
Ngoài các dự án khách sạn trên, tại website "Vietgroupvn.com" còn giới thiệu dự án trung tâm thương mại dịch vụ Golden Dragon Plaza do Việt Group làm tổng thầu xây dựng, Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí PVC Trường Sơn làm chủ đầu tư.
Dự án này từng dính lùm xùm khi Công ty TNHH Nghiêm Sing, có địa chỉ tại 109 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội “tố” Việt Group “cố tình chiếm dụng vốn trái phép” vào năm 2016.
Thời điểm đó, ông Lê Việt Hùng là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí PVC Trường Sơn nhưng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Việt Group. Điều này khiến dư luận băn khoăn khi PVC Trường Sơn chỉ tên Việt Group - một doanh nghiệp còn non trẻ làm tổng thầu.
Ngay sau đó, Tổng giám đốc Việt Group ông Nguyễn Đức Thanh đã trả lời báo chí rằng: “Thực sự trong cái chung có cái riêng. Hơn nữa dự án này thực hiện theo hình thức chỉ định thầu”.
Bức tranh tài chính Việt Group: Lãi lẹt đẹt
Theo tìm hiểu, thời điểm mới thành lập năm 2014, Việt Group có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập: ông Lê Việt Hà (55%), ông Nguyễn Đức Thanh (35%), bà Trương Thị Thanh Nga (10%).
2 năm sau đó, doanh nghiệp thực hiện tăng vốn điều lệ lên 65 tỷ đồng. Sau đó không lâu, tháng 8/2016, doanh nghiệp tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 220 tỷ đồng và hiện nay là 500 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2020, ông Nguyễn Đức Thanh là cổ đông lớn nhất công ty khi nắm 76% vốn, tiếp đó là bà Trương Thị Thanh Nga nắm 20,9%, ông Lê Việt Hà nắm 3,1%. Người đại diện theo pháp luật kiêm tổng giám đốc là ông Hoàng Minh Nghi.
Dù sở hữu nhiều dự án lớn và xác định 3 trọng tâm kinh doanh chính là bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch nghỉ dưỡng và đầu tư năng lượng, song tình hình kinh doanh của Việt Group không khả quan.
Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu của Việt Group đi thụt lùi, từ 139 tỷ đồng năm 2016 giảm còn 82 tỷ đồng trong năm 2018.
Đáng chú ý, lợi nhuận của công ty rất thấp, chỉ vài triệu đồng mỗi năm. Cụ thể năm 2016 lãi 3,3 triệu đồng, năm 2017 chỉ 3,5 triệu đồng và năm 2018 lãi 7,7 triệu đồng. Đặc biệt, bước sang năm 2019, Việt Group không ghi nhận doanh thu và lợi nhuận.
Tổng tài sản của công ty tăng mạnh trong 2 năm 2016 - 2017 từ 389 tỷ đồng lên 824 tỷ đồng, sang 2018 - 2019 trở về mốc 628 tỷ đồng, chủ yếu do sự tăng trưởng của vốn chủ sở hữu, từ 220 tỷ đồng (năm 2016) lên 500 tỷ đồng (năm 2019). Nợ phải trả tính đến năm 2019 là 128 tỷ đồng.
(Còn tiếp)