Kỳ vọng gói kích thích kinh tế 350.000 tỷ làm 'sốt' giá nhà đất: Nhà đầu tư nên làm gì?
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất về gói hỗ trợ cho người vay mua, vay thuê mua nhà dự kiến 15.000 tỷ đồng. Với những gói hỗ trợ này đã có nhiều ý kiến khác nhau trong đó có lo ngại ảnh hưởng đến giá cả thị trường bất động sản. Các ý kiến cho rằng, để gói hỗ trợ minh bạch, hiệu quả thì nên hướng dòng tiền vào đúng chỗ.
Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến đánh giá về quy mô và kỳ vọng của gói chính sách tài khoá, tiền tệ này; đồng thời khuyến nghị các hướng giải pháp để đạt được hiệu quả tốt nhất cho kinh tế - xã hội.
Đối với lĩnh vực bất động sản, có ý kiến cho rằng không nên “bơm” tiền từ gói hỗ trợ nhằm ngăn chặn nguy cơ “bong bóng” giá nhà đất. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nhận định rằng thị trường bất động sản có rất nhiều phân khúc khác nhau, như nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ... đang cần được tạo điều kiện để phát triển, là một nhánh đảm bảo an sinh xã hội sau đại dịch.
Đánh giá về mức độ ảnh hưởng đến ngành bất động sản của gói hỗ trợ lần này của Chính phủ, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng về logic thì giá đất sẽ tăng khi có tin tốt như tin về gói kích cầu 350.000 tỷ đồng chẳng hạn, hay như một vài địa phương đâu đó thu hút nguồn vốn tập trung vào đầu tư hạ tầng.
Tuy nhiên, giá đất cũng như giá chứng khoán, nhiều khi tin tốt chính thức xuất hiện thì giá lại giảm chứ không tăng nóng như các nhà đầu tư mong đợi. "Đây là tình trạng chúng ta thường thấy, bởi thị trường đầu cơ (chứng khoán và đất) là thị trường đi trước, gọi theo ngôn ngữ khoa học là thị trường kỳ vọng (hay thị trường của niền tin). Vì vậy mà nhiều "cò" đất hay công ty môi giới đã ôm hàng chờ đón nhận các tin tốt trước đó một nhịp", vị chuyên gia này nói.
TS. Đinh Thế Hiển cho biết thêm, khi các nhà đầu tư dự đoán một tin tốt sẽ xuất hiện (như công ty A năm nay sẽ có lợi nhuận vượt trội, hay vùng đó sẽ lên thành phố, khu này sẽ có đường lớn...) thì một số nhà đầu tư sẽ mua trước đón sóng. Nếu lực mua ít, giá lên nhẹ thì khi tin tốt chính thức xuất hiện sẽ có sóng lên giúp nhà đầu tư đi trước thắng lớn. Nhưng nếu nhiều nhà đầu tư cùng đón sóng, rồi sóng nhỏ nối tiếp sóng vừa, giá cứ lên từng đợt, từng đợt thì xem như giá đã phản ảnh hết tin tốt đó.
"Nhiều khi sóng đẩy mạnh quá, giá tăng lố vượt hơn mức độ của tin tốt, những nhà đầu tư chờ đến phút cuối để các tin tốt được công bố để mở sâm panh ăn mừng, mà không ngờ mình là nhóm đã mua ở giá "không thể tốt hơn". Rồi khi thông tin công bố chính thức, giá không thể tăng nữa. Nhiều người chót vay lớn, chịu không nổi phải buông hàng, và giá bị dội lại", ông Hiển cho hay.
Ông Hiển cho rằng: "Thị trường BĐS năm 2022, nếu quan sát, chúng ta sẽ thấy một số vùng đã tăng lố, nên khi tin tốt ra không còn "ép phê". Do vậy, gói 350.000 tỷ đồng là tin tốt cho thị trường BĐS trong bối cảnh khá trầm lắng kéo dài do dịch bệnh Covid-19, nhưng chỉ tốt với một số vùng thực sự hưởng lợi từ hạ tầng và giá trước đó tăng chưa đủ mức, chứ những vùng đã tăng trước đón tin thì không còn tác dụng bao nhiêu. Ngoài ra, tin tốt này lẻ loi trước một số tin xấu và thực tế của thị trường BĐS trong cơn đại dịch đang khiến tác độ tăng giá của nó càng ít".
Cuối cùng, TS. Hiển nhận định các nhà đầu tư có tiền trong giai đoạn hiện nay nên bình tĩnh mà "săn" những tin tốt sẽ xuất hiện, không phải vội vàng đẩy vốn vào thị trường khi chưa kiểm chứng đủ mặt "tốt" của tin. Đặc biệt, các nhà đầu tư không nên sốt ruột trước các tin "phòng công chứng chen nghẹt người"; "dự án này, hay dự án kia mới mở bán đã hết hàng 100%"; hay "tuyến cao tốc này, tuyến cao tốc kia đang đẩy giá đất tăng mạnh.. nhanh nhanh chốt lời"...
"Như tôi luôn khuyến cáo, hãy cứ là nhà đầu tư hơi khờ khờ, từ từ, đừng để mình bị cuốn theo số đông, chen lấn nhau mua hàng (giả dụ phòng công chứng cháy công suất là có). Chúng ta luôn bị tác động bởi tâm lý đám đông, nhưng đằng sau đó luôn có những bàn tay cố tình tạo ra các đám đông, để rồi khi đám đông đó tan rã và nhìn lại chúng ta chẳng thu được gì", TS. Đinh Thế Hiển nói.