Thị trường   •   Thứ hai, 22/11/2021, 09:40 AM

Giao thông kết nối liên vùng tạo tiền đề phát triển hệ thống cảng biển

Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ đủ mọi điều kiện để trở thành một cảng biển cửa ngõ do có lợi thế về vị trí địa lý và vai trò quan trọng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), đảm nhận vai trò cảng trung chuyển quốc tế.

Cùng với cảng biển Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu tạo thành hai cực quan trọng về phát triển cảng biển của Việt Nam với những lợi thế rất lớn như vừa có điều kiện tự nhiên phát triển cảng, vừa có hậu phương cảng lớn.

Từ hai cảng biển này đã hình thành hành lang kinh tế quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế quan trọng nhất của cả nước (Hà Nội và TP. HCM) và kết nối quốc tế với Trung Quốc, Campuchia.

Tận dụng lợi thế

Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ đủ mọi điều kiện để trở thành một cảng biển cửa ngõ do có lợi thế về vị trí địa lý và vai trò quan trọng trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đóng vai trò là cảng trung chuyển quốc tế - phục vụ trung chuyển cho cả khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong những năm qua, với định hướng và tầm nhìn xa này, từ trung ương cũng như tới địa phương đã định hình được hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải dọc theo sông Thị Vải. Về cơ bản, các cảng được phát triển theo đúng quy hoạch.

Với hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải , để cụm cảng nước sâu này phát triển hết tiềm năng, thế mạnh đúng như kỳ vọng và định hướng, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cùng các bộ, ngành và Trung ương đã và đang có những bước đi cụ thể, tạo nền móng vững chắc...

Tại hội thảo khoa học “Tư duy, mô hình phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” mới đây, Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ: “Cụm cảng nước sâu của Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp nhận hàng hóa hàng năm tăng trưởng rất cao, sản lượng thông qua cảng biển tại đây đã gần xấp xỉ TP. HCM.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã đón những con tàu có trọng tải trên 200 nghìn tấn (20.000 TEU container). Nơi đây sẽ trở thành cảng trung chuyển của khu vực và quốc tế; chia sẻ lượng hàng hóa với Singapore, HongKong và Thượng Hải (Trung Quốc).”

Cũng theo Thượng tá Bùi Văn Quỳ, năm 2009, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cảng nước sâu đầu tiên. Khi đó chưa ai hình dung được sự phát triển rất nhanh của ngành hàng hải quốc tế. Do đó, cơ sở hạ tầng cảng, giao thông kết nối vào khu vực cảng biển chưa theo kịp.

Hiện nay, giao thông huyết mạch kết nối với hệ thống cảng chỉ có tuyến Quốc lộ 51 và tuyến giao thông đường thủy (khoảng 80% lượng hàng hóa phải chuyển bằng đường thủy đi các tỉnh) nhưng tuyến Quốc lộ 51 đã trở nên quá tải. Việc sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối với Cái Mép - Thị Vải rất quan trọng...

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển (PORTCOAST), trao đổi thêm: “Cái Mép - Thị Vải tương lai tiếp nhận thế hệ tàu lớn nhất thế giới hiện nay, có trọng tải đến 250 nghìn tấn. Hiện, cụm cảng còn khu vực có dư địa để phát triển rất tốt là Cái Mép Hạ. Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 phải quy hoạch, tạo ra các tuyến bến dài tại đây để tiếp nhận đồng thời nhiều tàu mẹ, thực hiện nhiệm vụ trung chuyển quốc tế.”

Giao thông kết nối liên vùng tạo tiền đề phát triển hệ thống cảng biển hình ảnh 1

Cảng Gemalink thuộc cụm cảng biển số 5 có tổng diện tích 72 ha, là cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải có bến chuyên dụng cho tàu feeder kết nối khu vực TP. HCM và Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)

“Ngoài ra cần phát triển các khu công nghiệp ngay tại khu vực cảng để tạo nguồn hàng ban đầu; phát triển các trung tâm, dịch vụ logistics, cảng cạn, depot, kho bãi; bố trí thêm bến cho tàu chuyển tải container giữa tàu mẹ với các cảng sâu trong nội địa; quy hoạch thị xã Phú Mỹ hay thành phố Vũng Tàu thành trung tâm kết nối cho các hãng tàu, chủ hàng, tài chính toàn cầu về hoạt động... Để làm được những điều này phải tính tới phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng và liên vùng với Cái Mép - Thị Vải ," ông Tuấn góp ý.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2030, hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140-1.423 triệu tấn; trong đó, hàng container từ 38-47 triệu TEU; hành khách từ 10,1-10,3 triệu lượt khách.

[Cảng Tân Cảng-Cái Mép Thị Vải đón tàu khai thác tuyến dịch vụ CES]

Tầm nhìn đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới, là trụ cột chính có vai trò động lực, dẫn dắt, phát triển thành công kinh tế hàng hải, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh; đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 4-4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng từ 1,2-1,3 %/năm.

Để tạo nền móng cho sự phát triển mạnh của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, Chính phủ và các bộ ngành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng Đồng Nai đã vào cuộc quyết liệt để triển khai đầu tư các dự án gồm cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An, Đường Vành đai 4. Đây là các dự án nhằm giảm tải cho Quốc lộ 51, kết nối với cao tốc Bến Lức-Long Thành; Dầu Dây-Long Thành về Tp. Hồ Chí Minh và các địa phương khác. Từ đó phát huy, khai thác hết lợi thế, tiềm năng của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải .

Giải quyết những điểm nghẽn

Ông Phạm Minh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư, Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải, Bộ Giao thông-Vận tải cho biết, hiện trạng, giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đã hình thành bộ khung với các trục dọc và trục ngang, với ba tuyến Quốc lộ chính 51, 55 và 56 đã cơ bản đáp ứng giao thông kết nối đối ngoại.

Tuy nhiên, về năng lực thông quan hiện nay đã xuất hiện những điểm nghẽn. Theo đó, Quốc lộ 51 hiện nay thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn, ách tắc giao thông. Đặc biệt các cửa ngõ kết nối ra vào khu vực cụm cảng, khu công nghiệp ở đô thị, trong đó có thị xã Phú Mỹ.

Điểm nghẽn thứ hai là tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải , dù đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ và chưa liên thông với nhau. Vẫn còn thiếu các trục dọc đi theo đường liên cảng và cụm cảng Phước An (tỉnh Đồng Nai). Do vậy đầu tư xây dựng sớm cầu Phước An là cần thiết để tạo ra trục liên cảng song song với Quốc lộ 51 để kết nối với cao tốc Bến Lức-Long Thành và cao tốc Dầu Dây-Long Thành về TP. HCM và các địa phương khác.

Ngoài ra, tuyến đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Cùng với tuyến đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu nữa thì toàn bộ hệ thống vận tải đa phương thức gồm đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy kết nối với Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thiện.

Đến nay, ba dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An, Đường Vành đai 4 đều được bố trí vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025. Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu do Bộ Giao thông vận tải có thẩm quyền thực hiện. Dự kiến, việc lựa chọn nhà đầu tư; giải phóng mặt bằng, tái định cư; thi công xây dựng công trình giai đoạn 2022-2026...

Dự án Đường vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026 thông qua nghị quyết đầu tư giai đoạn 1. Sau khi có nghị quyết, Hội đồng Nhân dân giao Ủy ban Nhân dân tỉnh sớm triển khai dự án, thời gian thực hiện từ 2022-2026.

Giao thông kết nối liên vùng tạo tiền đề phát triển hệ thống cảng biển hình ảnh 2

Quốc lộ 56 nối dài - tuyến tránh thành phố Bà Rịa được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng với 10 làn xe, chiều rộng của tuyến bao gồm cả vỉa hè là 46m. (Ảnh: Huỳnh Ngọc Sơn/TTXVN)

Ngoài ra, dự án cầu Phước An, hiện Bà Rịa - Vũng Tàu đã thi công xong phần đường liên cảng tới vị trí chuẩn bị xây dựng cầu giáp huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Để có thể có thể khởi công dự án vào quý 3/2022. Mới đây, Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản gửi tỉnh Đồng Nai để thống nhất việc đầu tư xây dựng dự án theo báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt; đề nghị tỉnh Đồng Nai thành lập Ban chỉ đạo cùng phối hợp, hỗ trợ Bà Rịa- Vũng Tàu triển khai thực hiện dự án...

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khẳng định: “Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4 đều là các dự án trọng điểm có tính bứt phá để kết nối giao thông liên vùng. Song song đó, tỉnh cũng đầu tư tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải kết nối tất cả các cảng, khu công nghiệp vào hệ thống giao thông chung; các tuyến đường đô thị, liên huyện cũng được tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai xây dựng đồng bộ với các dự án giao thông liên vùng. Điều này giúp đảm bảo giao thông thông suốt, kết nối và phát huy, khai thác hết thế mạnh, tiềm năng của các địa phương của tỉnh trong tương lai, gắn kết với các địa phương khác của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.”

Theo ông Nguyễn Công Vinh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang cùng các bộ, ngành trong đó có Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt kết nối từ các Khu công nghiệp, cảng của Bà Rịa - Vũng Tàu tới các tỉnh, tạo lợi thế trong vận chuyển hàng hóa trong thời gian tới.

Để các dự án được triển khai thuận lợi, nhanh chóng, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tiến hành lập quy hoạch tỉnh, trong đó có quy hoạch sử dụng đất để cập nhật đồng bộ các quy hoạch, dự án trên. Điều này sẽ hạn chế được nhiều khó khăn, vướng mắc về đầu tư, thủ tục đất đai khi triển khai dự án./.

Huỳnh Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Huỳnh Sơn

Sân bay Chu Lai sẽ được nâng cấp lên thành cảng hàng không quốc tế

Theo tờ trình của Bộ GTVT, sân bay Chu Lai sẽ trở thành một trong 14 cảng hàng không quốc tế ở nước ta cùng với Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.

Đà Nẵng chào thuê nhà ở xã hội với giá 48.000 đồng/m2/tháng

Thị trường   •   Thứ sáu, 07/06/2024, 10:08 AM
51 căn hộ nhà ở xã hội tại khối E3, E4 thuộc dự án chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh được Sở Xây dựng Đà Nẵng chào thuê với giá 48.000 đồng/m2/tháng.

Đón sóng đất đấu giá đang nóng hầm hập, cẩn trọng những "vết xe đổ"

Thị trường   •   Thứ sáu, 07/06/2024, 10:07 AM
Sau năm 2023 được đánh giá là "chạm đáy", đất đấu giá đang cho thấy những dấu hiệu tăng nhiệt tại nhiều địa phương, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Ở không ít điểm nóng, có những lô đất trúng đấu giá chênh hàng chục tỷ đồng so với mức khởi điểm.

Ủy ban Kinh tế: Xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội

Thị trường   •   Thứ ba, 14/05/2024, 20:04 PM
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Điểm tên 8 dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ

Thị trường   •   Thứ ba, 07/05/2024, 10:30 AM
Hiện có 8 dự án nhà ở xã hội (NOXH) trong số 17 dự án NOXH trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2023-2025 đang chậm tiến độ.

Dòng kiều hối sẽ đổ mạnh vào bất động sản

Thị trường   •   Thứ sáu, 03/05/2024, 15:44 PM
Lượng kiều hối về Việt Nam mỗi năm tương đương với giá trị 10.000 căn hộ cùng với đó là sự cởi mở từ Luật Đất đai 2024 được cho là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới.