Giá thuê thị trường văn phòng Hà Nội vẫn tăng mạnh giữa mùa dịch
Theo Savills, tổng nguồn cung của lĩnh vực văn phòng đạt trên 2 triệu m2 từ 187 dự án, ổn định theo quý và tăng 10% theo năm. Thị trường ghi nhận thêm nguồn cung mới ngoài trung tâm.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, diện tích cho thuê thêm đạt 60.000m2. Công suất thuê đạt 90% tăng 1 điểm % theo quý nhưng giảm 4 điểm % theo năm nhờ nguồn cung cao cấp mới có sự cải thiện lớn về công suất trong 6 tháng đầu năm 2021.
Về giá thuê, điểm sáng của thị trường nằm ở giá thuê khu vực trung tâm giữ vững mức giá thuê gộp trung bình cao nhất là 38 USD/phòng/đêm, tăng 4% theo năm. Kể từ khi Corner Stone gia nhập thị trường năm 2014, không có văn phòng hạng A mới nào tại khu trung tâm cho đến khi tòa ThaiHoldings Tower bắt đầu hoạt động vào năm 2019 với 24.500m2 diện tích cho thuê. Sau khi sửa chữa, International Centre trở lại thị trường với diện tích cho thuê là 7.000m2, cùng tòa BRG Tower gia nhập năm 2021 với 5.600m2.
Savills cũng cho biết nguồn cung văn phòng hạng A thiếu hụt, không đủ đáp ứng nguồn cầu trong giai đoạn từ 2014 – 2019 cùng với đó là nhiều dự án văn phòng hiện hữu tại đây đều đã cũ, chất lượng giảm. Vì vậy, từ sau khi mở cửa, các tòa văn phòng như ThaiHoldings Tower và International Centre đều có hoạt động cho thuê tốt.
Ở bình diện rộng hơn, trong 6 tháng đầu năm, các tòa văn phòng mới có hoạt động cho thuê tốt còn phải kể đến Capital Place, Leadvisors Tower và Century Tower. Với những dự án mới này, nguồn cung hạng A tăng 24% theo năm và giá thuê trung bình tăng 7% theo năm. Diện tích thuê thêm luôn ổn định trong vòng 3 năm qua, sẽ cần nhiều thời gian để các tòa văn phòng với diện tích lớn được lấp đầy.
Về khách thuê doanh nghiệp, hiện trong năm 2021, ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vẫn tiếp tục mở rộng, ghi nhận các giao dịch văn phòng lớn trong phân khúc hạng A bao gồm Shopee, Line tại Capital Place và HCL tại Leadvisors Towers. Nhìn chung khách thuê nhỏ có xu hướng không dịch chuyển trong khi khách thuê lớn với chiến lược kinh doanh dài hạn có thể sẽ lên kế hoạch mở rộng văn phòng. Thị trường cũng được kỳ vọng tăng trưởng với các khách thuê đến từ các ngành sản xuất, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm. Số lượng doạnh nghiệp ICT của Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt 100.000 trong năm 2025, gần gấp đôi số lượng của năm 2020.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, đánh giá thị trường bất động sản tại Việt Nam vừa qua đã có những hoạt động khả quan, chứng tỏ nhu cầu bất động sản lớn trên hầu hết các lĩnh vực của thị trường, đặt biệt là bất động sản thương mại.
Lý do mà nhu cầu cho các phân khúc này tăng thời gian qua, theo ông Matthew Powell là nhờ các yếu tố tăng trưởng kinh tế khả quan của Việt Nam và sự phát triển nhất định của một số ngành công nghiệp. Tình hình tại Hà Nội vẫn đang được kiểm soát khá tốt, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đi làm trở lại.
Về triển vọng tới năm 2023, Giám đốc Savills Hà Nội nhận định thị trường sẽ có hơn 600.000m2 từ 22 dự án mà hầu hết từ văn phòng hạng B. Phía tây sẽ cung cấp nguồn cung tương lại lớn nhất với 230.000m2. Các dự án đáng chú ý bao gồm Techno Park Tower trong năm 2021, dự án 36 Cát Linh năm 2022, dự án Lotte Mall và dự án 27-29 Lý Thái Tổ năm 2023.
Theo nghiên cứu của Savills, các thị trường mới nổi bao gồm Việt Nam sẽ có hoạt động cho thuê phát triển mạnh nhất. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng phát triển sẽ thay đổi xu hướng văn phòng trong tương lai. Tuyến đường sắt đô thị đang được ưu tiên phát triển tại khu vực phía Tây và Nội thành. Các tuyến đường sắt 2A và 3 đi qua khu vực nội thành và phía tây sẽ tăng sức hút cho các dự án văn phòng chất lượng tại khu vực này như Lotte Center, Capital Place, Tiến Bộ Plaza và 36 Cát Linh. Khu đô thị Starlake có vị trí chiến lược giữa vành đai 2 và vành đai 3 sẽ cung cấp khoảng 300.000m2 diện tích cho thuê văn phòng hạng A tới năm 2024, cùng với đó là dự án lân cận Lotte tại quận Tây Hồ cũng sẽ hưởng lợi từ sự phát triển của các tuyến vành đai này.