Dự án Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương tiếp tục lùi thời gian khởi công
Dự án Metro số 2 có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng, đi qua 6 quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, diện tích thu hồi đất là 251.136m2 với 603 trường hợp bị ảnh hưởng.
Theo kế hoạch đề ra, năm 2020 dự án sẽ tập trung hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để khởi công vào 2021, thi công đến năm 2025 và vận hành thử, khai thác chính thức năm 2026.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP. HCM, tỷ lệ bàn giao mặt bằng ở khu vực thi công mới đạt gần 80%, dự kiến đến 2022 mới hoàn tất giải phóng mặt bằng và khởi công vào 2023.
Hiện tại, tỷ lệ bàn giao là 79,1% với 447/603 trường hợp. Trong đó, UBND quận Tân Bình đã bàn giao mặt bằng 2 nhà ga (S10 – Phạm Văn Bạch; S11 – Tân Bình); UBND quận Tân Phú bàn giao mặt bằng 3 nhà ga (S9 – Bà Quẹo; S10; S11) và đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương; UBND quận 10 đã bàn giao mặt bằng 2 nhà ga (S3 – Dân Chủ; S5 – Lê Thị Riêng); UBND quận 12 bàn giao đoạn đường dẫn vào depot Tham Lương.
Đây không phải là lần đầu tiên dự án Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương bị chậm tiến độ. Cách đây 10 năm, dự án Metro số 2 giai đoạn 1 đã được phê duyệt quy hoạch và dự kiến khởi công năm 2014.
Đến năm 2018, UBND TP. Hồ Chí Minh lại xin gia hạn đến 2020 và sẽ khởi công vào 2021. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, dự án vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị, một trong những nguyên nhân gây chậm tiến độ là do thủ tục giải phóng mặt bằng chưa được hoàn thiện. Theo đó, thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận 3 đã ban hành từ năm 2017, đến nay hệ số giá đất có sự điều chỉnh nhưng chưa được phê duyệt nên cư dân không chấp nhận mức bồi thường thiệt hại.
Trong năm 2021, TP. HCM phải tập trung nhân lực và nguồn lực cho hoạt động phòng chống dịch bệnh nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án, không thể vận động người dân bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, vấn đề về nguồn vật tư, không thể làm việc với các chuyên gia nước ngoài cũng là một nguyên nhân khiến tiến độ bị ảnh hưởng
Tuyến Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt vào năm 2010 là 1,374 tỷ USD (tương đương 26.116 tỷ đồng). Tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh vào năm 2019 là 2,093 tỷ USD (tương đương 47.890 tỷ đồng), tăng hơn 21.770 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
Dự án sử dụng vốn vay ODA từ ba nhà tài trợ, gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Nguyên nhân bị đội vốn là do trong quá trình triển khai có điều chỉnh về thiết kế cơ sở, thời gian chuẩn bị kéo dài, chậm trễ trong quá trình triển khai, tăng khối lượng xây dựng, trượt giá…
Sau khi tình hình dịch bệnh ở khu vực TP. HCM ổn định hơn, Ban Quản lý đường sắt đô thị tiếp tục phối hợp với Công ty HURC1 để rà soát định hướng vận hành và bảo dưỡng tuyến đường sắt đô thị số 2 và thực hiện các kiến nghị của hội đồng thẩm định điều chỉnh dự án liên quan đến công tác vận hành bảo dưỡng như công nghệ thẻ vé điện tử, khai thác quỹ đất xung quanh nhà ga, việc kết nối với hệ thống giao thông công cộng khác,...